APEC 2017: Cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thúc đẩy phát triển

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Hà Nội - ông Adam Sitkoff (ảnh) - cho rằng, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC-2017), cùng với các chuyến thăm của những nguyên thủ hàng đầu thế giới, là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thúc đẩy phát triển lợi ích kinh tế.

Tầm quan trọng chiến lược của APEC với Việt Nam

Theo ông, đâu là những mối quan tâm lớn nhất đối với các nền kinh tế APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017?

- Tôi tin rằng, mối quan tâm lớn nhất đối với các nền kinh tế thành viên APEC tại hội nghị năm nay là tìm ra con đường để đạt được hơn nữa tự do hóa thương mại ở Châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa gia tăng. Chúng ta đang thấy hoạt động bảo hộ diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Các thành viên APEC cần phản đối chủ nghĩa bảo hộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến trình thương mại thuận lợi.

Thưa ông, những thách thức chính đối với các nền kinh tế APEC về thuận lợi hóa thương mại, phát triển kinh tế trong nội khối và với các đối tác bên ngoài là gì?

- Một thách thức đối với các thành viên APEC là thúc đẩy hợp tác tích cực với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Thông qua chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi nỗ lực thiết lập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Tôi cho rằng, các thành viên APEC cần tìm cách vượt qua sự kháng cự này của chính quyền Mỹ, vì tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng thương mại và đầu tư. Một thách thức khác là dự đoán và giải quyết các vấn đề có thể xảy ra từ sự thay đổi chuỗi cung ứng do công nghệ.

Theo ông, các nhà lãnh đạo APEC cần làm gì để tăng cường liên kết của khối với phát triển thương mại và kinh tế?

- Vẫn còn rất nhiều cơ hội lớn trong khu vực để giảm chi phí kinh doanh và tăng lợi ích mà thương mại toàn cầu đem lại cho người dân thường. Các nhà lãnh đạo APEC cần ủng hộ tăng cường hợp tác, giảm các rào cản thương mại và đầu tư, đồng thời cam kết tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế.

- Việt Nam cần làm gì để tận dụng tối đa cơ hội nước chủ nhà APEC nhằm đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế?

- Năm nay là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APEC kể từ khi gia nhập diễn đàn này vào năm 1998. Các quan chức Việt Nam coi việc đăng cai tổ chức APEC là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất không chỉ trong năm nay mà còn trong thập kỷ tới. Đó là một phần do tầm quan trọng chiến lược của APEC đối với Việt Nam. 19 nền kinh tế APEC tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Quan hệ thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế APEC chiếm 79% tổng thương mại của cả nước. Các nền kinh tế APEC cũng đầu tư đáng kể ở Việt Nam, chiếm 80% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này khác xa năm 1990 khi Việt Nam hầu như không có đối tác thương mại nào sau khi Liên Xô sụp đổ.

Năm nay, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy các chương trình nghị sự trong nhiều cuộc họp đã được tiến hành của các nhóm làm việc, các quan chức cao cấp và các bộ trưởng. Việt Nam có thể tận dụng những chuyến thăm sắp tới của các nhà lãnh đạo nhiều nước để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Chẳng hạn, theo tôi được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội sau khi dự Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng. Chuyến thăm này mang lại cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam.

Cơ hội thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt-Mỹ

Ông đánh giá như thế nào về việc Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự APEC và thăm chính thức Việt Nam?

- Tôi rất mong đợi chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam, ngay cả khi tôi không đồng ý với nhiều ưu tiên thương mại của Tổng thống. Chuyến thăm sắp tới tạo điều kiện cho Tổng thống và phái đoàn Mỹ cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ ở Châu Á. Chuyến thăm còn đem lại cho cả Mỹ và Việt Nam cơ hội lớn để tiếp tục hợp tác toàn diện. Người dân Việt Nam và Mỹ thật vui mừng vì hai nước chúng ta đã có thể vượt qua những bi kịch của quá khứ để xây dựng mối quan hệ hữu nghị mạnh mẽ và sâu rộng như ngày hôm nay.

Hai nước chúng ta hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quân sự, nhân quyền, giáo dục, biến đổi khí hậu, y tế, an ninh năng lượng... Năm ngoái, thương mại Việt-Mỹ đã vượt qua con số 52 tỉ USD, tăng 16% mỗi năm. Tôi tin tưởng rằng, sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được tiếp tục ngày càng năng động hơn.

AMCHAM lấy làm tiếc vì Mỹ rút khỏi TPP, tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng, vẫn còn những con đường khác ở phía trước để có thể gia tăng thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi hy vọng trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, hai nước có thể bắt đầu bàn thảo về một hiệp định thương mại tự do trong tương lai, có lợi và công bằng với cả hai nước.

Ông dự báo gì về làn sóng đầu tư của các công ty Mỹ vào Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump? AMCHAM sẽ làm gì để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt-Mỹ?

- Mỹ mua các sản phẩm của Việt Nam nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, nên ở đây không có nghi ngờ gì về việc các công ty Việt Nam được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Mỹ. Thêm vào đó, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ. Chúng tôi có nhiều công ty Mỹ hoạt động trên khắp các lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam, bao gồm nhiều nỗ lực giúp Việt Nam hiện đại hóa để tạo ra các “thành phố thông minh”, giúp Việt Nam trở nên hiệu quả, năng suất, an toàn và sạch hơn.

Các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỉ đôla ở Việt Nam, lồng ghép Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo công ăn việc làm chất lượng cao cho người lao động Việt Nam và mở cửa một thị trường mới cho các loại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Người Mỹ đang bán son môi, nước giải khát và bia, ôtô, máy bay, phần mềm, ứng dụng điện thoại, hàng công nghiệp, dịch vụ giáo dục, dịch vụ pháp lý và tài chính... Người Việt Nam ngày càng muốn có lựa chọn lớn hơn và chất lượng cao hơn. Các công ty Mỹ có hàng hóa và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu đó, và tôi hy vọng sẽ sớm có nhiều công ty Mỹ làm ăn kinh doanh ở Việt Nam.

AMCHAM sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong chính phủ Việt Nam để giảm bớt những gánh nặng hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn. Xét về nguồn tiền, thì Mỹ đã là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Và tôi tin tưởng rằng, xu hướng tăng trưởng đi lên của mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ sẽ được tiếp tục và có thể tăng cường.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Vân Anh/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều