APEC 2017: Thúc đẩy hợp tác trong khu vực, Việt Nam khẳng định vị thế

Với việc đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017), Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, vai trò đóng góp của Việt Nam tại khu vực được bạn bè quốc tế ghi nhận.

 APEC Việt Nam 2017. Ảnh: TTXVN

Việt Nam và Mexico gắn kết Thái Bình Dương

Trước khi lên đường dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Việt Nam, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto đã có bài viết đăng trên trang thông tin điện tử của Phủ Tổng thống, trong đó khẳng định Việt Nam và Mexico đang gắn kết Thái Bình Dương.

Trong bài viết, nhà lãnh đạo Mexico bày tỏ vui mừng khi sắp đặt chân tới Việt Nam - một đất nước với nền văn hóa hàng nghìn năm, con người thân thiện và tiềm năng kinh tế to lớn.

Tổng thống Peña Nieto nhấn mạnh: “Đó sẽ là một vinh dự đối với tôi khi có mặt tại Đà Nẵng và tôi tin rằng đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước”.

Tổng thống Peña Nieto đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong hơn 30 năm Đổi mới. Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, khả năng sản xuất và sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam là bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi, đổi mới và hiện đại hóa mang lại những kết quả khả quan. Điều này cũng được khẳng định bởi sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu và thương mại của Việt Nam.

Tổng thống Peña Nieto nhấn mạnh tiềm năng to lớn về hợp tác giữa Việt Nam và Mexico - hai nền kinh tế mở và có tính bổ sung lẫn nhau. Quan hệ song phương đã phát triển nhanh chóng trên mọi mặt. Kim ngạch trao đổi thương mại đã tăng gấp gần 10 lần, từ 531 triệu USD năm 2007 lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2016.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mexico tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi đó, Mexico là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Ông Peña Nieto tái khẳng định cam kết của chính phủ Mexico tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mexico cùng Việt Nam và các đối tác khác sẽ cùng thúc đẩy để hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm nhất có thể và đây sẽ là một sự hội nhập thương mại to lớn với một thị trường trên 812 triệu người tiêu dùng.

Nhà lãnh đạo Mexico cho biết, trong số 10 đối tác thương mại chính của Mexico có 7 thành viên APEC. Hơn 88% xuất khẩu của Mexico là sang thị trường APEC và 80% nhập khẩu của nước này đến từ khối APEC.

Tổng thống Peña Nieto khẳng định để đạt được phát triển bền vững, các thành viên phải thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tổng thể, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và triển khai các hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Mexico mong muốn tiếp tục đóng góp vào việc hoàn thành Mục tiêu Bogor.

Tổng thống Peña Nieto nêu rõ sự cần thiết làm việc và thảo luận về các vấn đề chiến lược như dịch vụ, đầu tư, các biện pháp phi thuế quan, rào cản xuyên biên giới và cải tiến quy định.

Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên cần củng cố lộ trình thiết lập Chương trình Hành động APEC sau năm 2020, khi mà thế giới phải đối mặt với sự chuyển đổi ngày càng nhanh.

Tổng thống Peña Nieto bày tỏ tin tưởng rằng APEC 2017 sẽ góp phần thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên năng động hơn.

Trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, những nỗ lực để cải thiện đối thoại và hợp tác là vô cùng giá trị. Nhà lãnh đạo Mexico cũng chúc mừng Ban Thư ký APEC và Chính phủ Việt Nam về các khâu chuẩn bị để hội nghị lần này diễn ra thành công tốt đẹp.

Đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam

Giáo sư Ezequiel Ramoneda - điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học La Plata (Argentina) - vừa có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires trước thềm Hội nghị APEC 2017, trong đó đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại khu vực này.

Theo Giáo sư Ramoneda, việc Mỹ rút khỏi TPP đã gây khó khăn cho nhiều quốc gia đồng minh của nước này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia..., khiến các nước buộc phải xem xét lại chính sách đối với Mỹ, cũng như các mối quan hệ liên quan trong bối cảnh Mỹ thay đổi chính sách thương mại và có xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại.

Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy vị thế của mình. Trong bối cảnh đó, có nhiều nước như Nhật Bản, Australia và Việt Nam đang cố gắng sắp xếp lại tình hình và thỏa thuận đang được đề xuất là một hiệp định TPP không có Mỹ.

Giáo sư Ramoneda nhận định, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình này bởi hai yếu tố. Thứ nhất, đó là quá trình phát triển kinh tế vững chắc đang được chính phủ và nhân dân Việt Nam triển khai. Chính sách mở cửa của Việt Nam thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế trên thế giới, với TPP là một minh chứng. Hiện Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc thúc đẩy. Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và tham gia tích cực nhiều thỏa thuận của ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam đã phát triển tích cực chính sách mở cửa thương mại hội nhập với thế giới. Với chính sách đó, Việt Nam không chỉ thúc đẩy thực hiện quá trình phát triển kinh tế mà còn tham gia tích cực việc thiết lập các quy định của các tổ chức hội nhập mà Việt Nam muốn tham gia. Việt Nam là một trong ít quốc gia tham gia vào TPP cũng như RCEP. Việt Nam đã chủ động trong việc xây dựng một mô hình thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Giáo sư Ramoneda, Việt Nam sẽ tận dụng APEC 2017 để thể hiện với thế giới về tiềm lực của mình, cũng như khả năng vượt qua thách thức, tiếp tục hội nhập tích cực, chủ động và hiệu quả với thế giới, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn trong khía cạnh kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giáo sư Ramoneda cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Argentina tại châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ song phương tốt đẹp này được phản ánh qua việc trao đổi các đoàn cấp cao, bộ trưởng hay chuyên viên giữa hai nước. Lượng du khách Argentina đến Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Trong 10 năm gần đây, quan hệ hai nước đã phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Đối tác xuất sắc trong khu vực

“Việt Nam là đối tác xuất sắc trong khu vực” - là tuyên bố của một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, được đưa ra chỉ ít ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Việt Nam, tham dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 05-11 dẫn lời vị quan chức nêu trên khi thông tin về chuyến công du của Tổng thống D. Trump nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác xuất sắc trong khu vực, khẳng định vẫn còn nhiều cơ hội để Mỹ trao đổi, tìm ra cách thức cùng làm việc cả song phương và khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực.

Sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, ngày 11-11, Tổng thống D. Trump tới Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam và sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Quan chức trên cho rằng, các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp sau chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng 5-2017 cho thấy “tầm quan trọng mà Mỹ kỳ vọng vào mối quan hệ đối tác với Việt Nam”.

Liên quan tới APEC, quan chức trên nêu rõ: “APEC là một diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, giúp thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tổng thống D. Trump ủng hội nghị trình này”.

Theo quan chức trên, đây là cơ hội để Tổng thống D. Trump đề cập tới các ưu tiên của Mỹ, như việc các nước cần thông qua các chính sách thương mại bình đẳng và công bằng; bảo đảm thương mại số vẫn là một động lực chính thúc đẩy kinh tế ở khu vực; thảo luận về các cải cách cơ cấu nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, trong đó có việc gia tăng sự minh bạch và giảm bớt tham nhũng; và cải thiện sự cạnh tranh của các ngành dịch vụ, vốn là một ưu tiên và có đóng góp hơn 70% GDP cho nền kinh tế Mỹ.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sẽ tới Đà Nẵng vào ngày 10-11 để dự Hội nghị Cấp cao APEC và sẽ có bài phát biểu trình bày “Tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của khu vực trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng cũng như an ninh của Mỹ”.

Quan chức trên cho rằng, việc Tổng thống D. Trump tham dự APEC sẽ “củng cố cam kết của Mỹ về một hệ thống kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ, bền vững và công bằng trên các nguyên tắc thị trường”.

Đánh giá cao sáng kiến thúc đẩy phát triển bao trùm ở khu vực

Với việc đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017), Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác khu vực như diễn đàn APEC, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam về một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu

Nhận định trên được đưa ra trong bài viết đăng trên trang mạng theindependent.sg của Singapore ngày 05-11. Trong bài viết có tiêu đề “APEC 2017: Sáng kiến của Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm ở khu vực”, tác giả nhận định chủ đề của APEC lần này “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của các nền kinh tế thành viên trong khối.

Theo tác giả, trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đã đề ra bốn ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến lớn và nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên như sáng kiến hình thành cơ chế thảo luận hợp tác APEC trong tương lai dài hạn, trong đó hình thành tầm nhìn của diễn đàn sau năm 2020, Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực, Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020, đặc biệt là sáng kiến về thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển kinh tế, xã hội và tài chính khu vực.

Nhấn mạnh đến sáng kiến về thúc đẩy phát triển bao trùm trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và tài chính của Việt Nam, bài viết cho hay sáng kiến này được kỳ vọng nối các chương trình hợp tác hiện có của APEC, giúp người dân đều được hưởng thụ những thành quả toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại.

Không chỉ vậy, theo bài viết, sáng kiến nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nền kinh tế trong khối do đã kịp đáp ứng sự quan tâm của nhiều thành viên về việc bảo đảm người dân và doanh nghiệp có cơ hội tham gia đầy đủ, hưởng lợi ích đồng đều từ tăng trưởng và liên kết trong bối cảnh bất bình đẳng và khoảng cách gia tăng. Sáng kiến một lần nữa thể hiện tính thiết thực của APEC, đáp ứng nguyện vọng của các thành viên, hướng tới hình thành một cộng đồng APEC phát triển bền vững và bao trùm.

Trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) APEC 2017, tác giả cho biết trong nội khối, hợp tác về bao trùm còn rải rác và thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc vào bổ trợ lẫn nhau.

Trong khi đó, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra đã đánh giá rất cao sáng kiến này của Việt Nam, đồng thời khẳng định phát triển bao trùm là một trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh nguyên tắc “không bỏ ai lại phía sau” và tầm nhìn của Liên hợp quốc về “xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, bao dung, cởi mở và bao trùm về xã hội, trong đó mọi nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đều được đáp ứng”.

Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các sáng kiến hợp tác của APEC 2017 của nước chủ nhà Việt Nam, đã đáp ứng được sự quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời góp phần vào triển khai chiến lược phát triển kinh tế xã hội của khu vực, trong đó có phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều