Bà Liz Truss được bầu làm Thủ tướng Anh

Ngày 5/9, đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh công bố kết quả bầu chọn cho thấy: Ngoại trưởng Liz Truss, 47 tuổi, sẽ trở thành lãnh đạo mới của đảng này và trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Borris Johnson. Dự báo trên cương vị mới, bà Truss sẽ trải qua “tuần trăng mật chính trị” ngắn nhất trong lịch sử hiện đại...
  Bà Liz Truss rời Trụ sở Đảng Bảo thủ ở London, Anh, ngày 5/9/2022. (Ảnh: Xinhua)
Kết quả trong cuộc bầu chọn cuối cùng được công bố ngày 5/9 cho thấy, bà Liz Truss đã giành được 81.326 phiếu ủng hộ, vượt khá xa so với số phiếu 60.399 dành cho đối thủ duy nhất của bà là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Chiến thắng của bà Liz Truss không phải là kết quả bất ngờ vì bà đã liên tiếp vượt đối thủ Rishi Sunak trong các cuộc thăm dò tại các vòng vận động tranh cử trong mùa Hè qua

Cuộc bỏ phiếu diễn ra một tháng sau khi ông Johnson, ngày 7/7 đã thông báo quyết định từ chức do liên quan tới một loạt bê bối của chính phủ và cá nhân ông.  Việc bàn giao công việc chính thức cho tân Thủ tướng dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 6/9, sau khi  bà Truss và ông Johnson có cuộc gặp Nữ hoàng Elizabeth II tại lâu đài Balmoral, Scotland.

Như vậy, bà Truss sẽ trở thành Thủ tướng thứ 4 của đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm 2015. Cựu Ngoại trưởng 47 tuổi cũng sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ 3 trong lịch sử nước Anh, tiếp nối sự nghiệp của những nữ Thủ tướng tiền nhiệm là bà Margaret Thatcher và Theresa May. Sau khi trở thành chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 phố Downing, bà Truss sẽ đối mặt với các nhiệm vụ trước mắt là giải quyết cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ngày càng trầm trọng và tháo gỡ những “nút thắt” trong thỏa thuận Brexit về vấn đề Bắc Ireland để có thể dung hòa mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).

Bà Truss sinh năm 1975 tại Oxford và tốt nghiệp Đại học Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế (PPE) năm 1996. Bà được biết đến là một chính trị gia kỳ cựu khi từng giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ như: Thứ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Thứ trưởng về Phụ nữ và Bình đẳng và gần nhất là Ngoại trưởng Anh.

Phát biểu sau khi kết quả bầu chọn được công bố, bà Liz Truss đã kêu gọi đảng Bảo thủ phát huy tốt vai trò lãnh đạo trong 2 năm tới. Bà Truss cam kết sẽ triển khai một kế hoạch quyết liệt nhằm giảm thuế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế . 

“Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giúp giảm bớt gánh nặng các hóa đơn năng lượng mà người dân phải chi trả, cũng như tháo gỡ các vấn đề dài hạn liên quan tới vấn đề nguồn cung năng lượng” – cựu Ngoại trưởng Anh nêu rõ.

Trước đó, bà Truss khẳng định trong vòng 1 tuần sau khi nhậm chức bà sẽ đưa ra kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng chi phí năng lượng tăng và đảm bảo các nguồn cung năng lượng trong tương lai. Dự kiến, vào ngày 8/9, bà Truss sẽ công bố kế hoạch xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng trong đó chính phủ sẽ đình chỉ kế hoạch tăng mức trần hóa đơn năng lượng lên 80% vào tháng 10 nhằm hỗ trợ các hộ gia đình đang đối mặt với giá cả tăng cao.

Về cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt  

Kể từ mùa đông năm 2021, lạm phát của Anh liên tiếp tăng và lập đỉnh mới. Dữ liệu chính thức cho thấy Chỉ số Giá tiêu dùng đã tăng 10,1% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 2% do Ngân hàng Trung ương Anh đề ra.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo giá năng lượng cao hơn sẽ đẩy lạm phát của nước này lên 13% trong quý 4 năm 2022 và lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức rất cao trong suốt phần lớn năm 2023.

Cuối tháng 8/2022, Cơ quan quản lý năng lượng của Anh dự báo giá năng lượng sẽ tăng 80% lên 3.549 bảng Anh (khoảng 4.077 đô la Mỹ) mỗi năm cho một hộ gia đình từ tháng 10/2022.

Lập luận này đã dự báo về một tương lai mà hàng triệu hộ gia đình Anh sẽ phải chi trả các hóa đơn ngày càng đắt đỏ. Thậm chí còn có ý kiến lo ngại về việc nước Anh có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thời bình tồi tệ nhất kể từ cuộc Tổng đình công năm 1926, đặt bà Truss vào những thách thức "chưa từng có tiền lệ".

"Nói rộng hơn, đất nước đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Đó không chỉ là cuộc khủng hoảng năng lượng. Hầu hết mọi ngành dịch vụ công đều gặp khó khăn. Có những cuộc đình công ở tất cả các ngành công nghiệp. Những yếu tố này sẽ làm gia tăng sức ép lên bà Truss là điều hết sức rõ ràng” – ông Stuart Wilks-Heeg, một chuyên gia chính trị tại Đại học Liverpool nói.

Về Nghị định thư Bắc Ireland

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, có hiệu lực vào tháng 1/2021, nhằm tránh việc thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Theo nghị định thư này, tất cả hàng hóa và sản phẩm có nguồn gốc động vật từ các vùng lãnh thổ khác của Anh vào Bắc Ireland phải được kiểm tra để đảm bảo những sản phẩm này đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm của EU. 

Những tranh cãi kéo dài về Nghị định thư Bắc Ireland (gồm các quy tắc điều chỉnh các thỏa thuận thương mại hậu Brexit đối với Bắc Ireland) đã khiến mối quan hệ giữa Anh với EU trở nên căng thẳng và thậm chí có nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến tranh thương mại giữa đôi bên nếu như không thể tiến tới một thỏa thuận phù hợp.

Tuần trước, EU đã cảnh báo bà Truss về khả năng sẽ không đàm phán với Anh về những thay đổi đối với Nghị định thư Bắc Ireland. Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Anh được cho là đang có kế hoạch sẽ viết lại thỏa thuận bằng cách kích hoạt Điều 16, cơ chế khẩn cấp của thỏa thuận, ngay sau khi bà trở thành Thủ tướng.

Thông tin bà Liz Truss được bầu chọn làm Thủ tướng Anh ngay lập tức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các chính trị gia trong nước và lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, những thách thức phía trước đã dự báo về một “chặng đường không trải hoa hồng” đang chờ đón vị nữ Thủ tướng. Đây cũng chính là lúc đảng cầm quyền thể hiện sức mạnh đoàn kết để sát cánh bên bà Liz Truss đưa đất nước vượt qua những biến cố./.

Theo T.Lan/Báo điện tử Đảng Cộng sản

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều