Bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ trong đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Trên khắp thế giới, phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do đại dịch. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe và đời sống của người dân trên toàn cầu, mà những hệ lụy do nó gây ra cũng tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ.

Theo báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào đầu năm nay, cứ ba phụ nữ thì lại có một người từng phải trải qua bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. Đây là một thực tế đáng quan ngại rằng nạn bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn phổ biến trên thế giới. Hiện nay, khi nhiều quốc gia áp dụng những lệnh phong tỏa, người dân buộc phải ở trong nhà nhiều hơn thì căng thẳng và bạo lực gia đình cũng gia tăng. Cùng với đó, do toàn bộ hệ thống y tế trên thế giới đang phải gồng mình để chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không thể tiếp tục đầy đủ cho người dân.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây ra thiệt hại không nhỏ đến cộng đồng và nền kinh tế ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người dân đều bị ảnh hưởng như nhau, phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng chịu nhiều tác động hơn. Việc tập trung gần như toàn bộ nguồn lực để chống dịch đã gây cản trở đến các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được 3 mục tiêu trong trọng tâm công việc của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đề ra, bao gồm “Không có tử vong mẹ”; “Mọi nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng” và “Không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực giới”. UNFPA dự báo rằng đại dịch sẽ khiến một phần ba tiến độ toàn cầu trong việc chấm dứt bạo lực giới bị cắt giảm. Hơn nữa, nếu tình trạng hạn chế đi lại trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra cùng sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế dành cho phụ nữ thì khoảng 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể thiếu các biện pháp tránh thai hiện đại, dẫn đến có thể có tới 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn.

UNFPA kêu gọi sự quan tâm đến sức khỏe, sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái trong đại dịch Covid-19. Việc bảo vệ quyền và sức khỏe sinh sản của phụ nữ, chấm dứt bạo lực giới vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời gian đầy khó khăn này.

UNFPA đang nỗ lực để đảm bảo rằng việc cung cấp các phương tiện tránh thai hiện đại và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản; đồng thời cung cấp cho các nữ hộ sinh cũng như các nhân viên y tế khác những thiết bị bảo vệ cá nhân cần thiết để đảm bảo sự an toàn trong đại dịch. Ví dụ như ở Gambia, nơi mà đại dịch đã làm giảm số lượng phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, UNFPA đã cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, cải thiện hệ thống thông tin liên lạc ở cấp cộng đồng để đảm bảo tiếp tục triển khai các chương trình kế hoạch hóa gia đình tại quốc gia nghèo này. Nhiều chuyến hàng vật tư y tế thiết yếu đã được vận chuyển đến Venezuela để giúp củng cố hệ thống y tế của quốc gia vốn đã gặp khủng hoảng trầm trọng trước khi đại dịch bùng phát. Nhiều dịch vụ y tế và tư vấn từ xa thông qua đường dây nóng cũng được UNFPA cung cấp. Đồng thời, UNFPA tiến hành thu thập và sử dụng dữ liệu tách biệt để hỗ trợ các chính phủ trong việc xác định và tiếp cận những phụ nữ và trẻ em gái đang cần giúp đỡ.

Trên khắp thế giới, phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do đại dịch. Điển hình như, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu, phần lớn là phụ nữ có nguy cơ bị lây nhiễm. Những phụ nữ và trẻ em gái khác cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản gặp lo lắng bị lây nhiễm virus Corona trong quá trình tìm kiếm sự chăm sóc, hoặc họ có thể từ bỏ hoàn toàn nhu cầu được chăm sóc. Nhiều người khác đã mất quyền tiếp cận tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do hạn chế di chuyển và các dịch vụ y tế cũng hoạt động trong giới hạn.

Nhiều bệnh viện và trung tâm y tế báo cáo về sự sụt giảm số lượng phụ nữ và trẻ em gái được chăm sóc sức khỏe sinh sản, bao gồm các dịch vụ tiền sản, dịch vụ sinh nở an toàn và kế hoạch hóa gia đình.

Một vấn đề khác đe dọa đến sự an toàn và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái đó là bạo lực giới trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Theo Giám đốc Dự án Phát triển Phụ nữ tại Hiệp hội Từ thiện Hồi giáo Ghadeer Mohammed Ibrahim Qara Bulad, trong thời gian phong tỏa do Covid-19, đã có rất nhiều phụ nữ đối mặt với bạo lực gia đình. Căng thẳng gia tăng trong gia đình, trầm trọng hơn do áp lực kinh tế và hạn chế di chuyển, đã làm bùng phát bạo lực giới trên khắp thế giới. Và một hình thức bạo lực giới mới xuất hiện nhưng có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới đó là bạo lực qua mạng. Theo bà Bulad, trên mạng xã hội có rất nhiều vụ bắt nạt và bạo lực nhắm tới phụ nữ.

UNFPA ước rằng chỉ trong 6 tháng đầu tiên các quốc gia thực hiện những biện pháp phong tỏa do đại dịch đã dẫn đến thêm 31 triệu trường hợp bạo lực giới xảy ra.

Tại Ukraine, các chuyên gia cho rằng các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực giới thông qua đường dây nóng dường như là không đủ. Theo Alona Krivuliak - người điều hành đường dây nóng về bạo lực gia đình của UNFPA, bản thân cuộc điện thoại đến đường dây nóng có thể khiến căng thẳng gia đình gia tăng hơn nữa khi những người chồng biết được việc người vợ gọi điện cho đường dây nóng.

Các cố vấn đang tìm ra cách tiếp cận mới, bao gồm các nền tảng nhắn tin như Viber và Facebook Messenger. Nhà tâm lý học Tetyana Franchuk cho biết hiện nay, một số khách hàng cho biết cách tiếp cận mới phù hợp với họ hơn là gặp mặt trực tiếp, và họ muốn tiếp tục được hỗ trợ theo cách này ngay cả khi kết thúc thời gian phong tỏa. Các chương trình của UNFPA cũng đang thu hút nam giới tham gia vào việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Những thách thức kinh tế trong thời gian đại dịch bùng phát đe dọa nghiêm trọng đến công việc và hoạt động kinh doanh của nhóm phụ nữ trẻ, đồng thời khiến họ có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng sức lao động. Trẻ em gái và phụ nữ trẻ phải đối mặt với những cú sốc kinh tế nghiêm trọng có nhiều khả năng phải làm những công việc rủi ro cao vì gánh nặng kinh tế. Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh cần đảm bảo việc hỗ trợ trao quyền kinh tế cho phụ nữ trẻ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, những người đang phải làm những công việc không được trả lương hay làm công việc nội trợ.

Cũng như các nơi khác trên thế giới, tác động về sức khỏe, kinh tế và chính trị do đại dịch Covid-19 là rất lớn trên khắp khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng nặng nề lên những người dễ bị tổn thương nhất đó là phụ nữ. Đại dịch đã làm khắc sâu sự bất bình đẳng, sự thiếu hụt trong quản trị và sự cấp thiết cần có một lộ trình phát triển bền vững. Các chính phủ trong khu vực đã hành động nhanh chóng để chống lại đại dịch và tránh những ảnh hưởng tồi tệ nhất của nó, sự hợp tác khu vực đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong suốt cuộc khủng hoảng, Liên hợp quốc đã hỗ trợ chính phủ các quốc gia Đông Nam Á ứng phó và phục hồi.

Bốn lĩnh vực quan trọng nằm trong kế hoạch phục hồi của khu vực Đông Nam Á bao gồm: Thứ nhất, giải quyết bất bình đẳng về thu nhập, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội trong ngắn hạn cũng như chính sách dài hạn. Thứ hai, tăng cường công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Thứ ba, xanh hóa nền kinh tế để tạo ra công ăn việc làm trong tương lai, khử carbon cho các nền kinh tế vẫn đang quá phụ thuộc vào than. Thứ tư, đề cao quyền con người, bảo vệ quyền công dân và thúc đẩy tính minh bạch.

Trọng tâm của những nỗ lực này là nhu cầu thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết sự gia tăng bạo lực giới và hướng đến quyền lợi của phụ nữ trong tất cả các khía cạnh của kế hoạch phục hồi kinh tế. Điều này sẽ làm giảm những tác động không cân xứng do đại dịch gây ra đối với phụ nữ. Đây cũng là một hướng đi chắc chắn nhất để phục hồi bền vững, nhanh chóng và toàn diện cho toàn khu vực.

Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Úc và các cơ quan của Liên hợp quốc (UNFPA, UNICEF và UN Women) đã cam kết cùng hợp tác và kêu gọi nhiều nỗ lực chung hơn nữa nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, đồng thời ký kết dự án mới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Sau một năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả nhất định như:

Các sáng kiến truyền thông đổi mới sáng tạo đã được giới thiệu tại hơn 100 siêu thị lớn, nhỏ và hiệu thuốc, là những địa điểm tốt nhất để tiếp cận phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực. Đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt do Covid-19, các cửa hàng này đã phát 10.700 tờ rơi về bạo lực trên cơ sở giới ở bốn tỉnh. Ngoài ra, 53.600 tờ rơi và 12.800 áp phích về hướng dẫn an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong các trung tâm cách ly; 55.600 tờ rơi và 12.400 áp phích về hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên cũng được phổ biến đến 400 trung tâm cách ly trên toàn quốc.

Cùng với tiếng nói của nhiều người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chiến dịch truyền thông quốc gia Trái tim Xanh nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực ngày càng trầm trọng đối với trẻ em và phụ nữ trong đại dịch Covid-19 đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng, các bậc cha mẹ, trẻ em, thanh thiếu niên và các nhà hoạch định, thực thi chính sách trên toàn xã hội và các nền tảng truyền thông đại chúng với hơn 100 triệu lượt tiếp cận.

Công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội được tận dụng tối đa để nâng cao hiểu biết về nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ Covid-19, tiếp cận gần 55 triệu người xem thông qua cuộc thi trên Facebook, chương trình đối thoại trực tiếp, tin bài trên kênh truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông khác, chương trình phát sóng bằng màn hình LCD trong thang máy và các hoạt động tiếp cận người dân ở cấp cơ sở.

Dịch vụ bảo vệ được cung cấp thông qua các đường dây nóng do Ngôi nhà Ánh Dương, Ngôi nhà Bình Yên và CSAGA điều hành đã phục vụ hơn 13.000 lượt người tham vấn, tư vấn và chuyển gửi. Trong số đó, 832 nạn nhân của bạo lực đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp và tận tình từ các nhân viên được đào tạo.

Dự án đã phân phát 6.644 bộ dụng cụ thiết yếu với 21 vật dụng cần thiết cho phụ nữ phải trải qua và có nguy cơ bị bạo lực tại các trung tâm cách ly, nhà tạm lánh và các khu vực bị phong tỏa ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Kế hoạch hợp tác hỗ trợ thành phố Đà Nẵng ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai đã được khẩn trương xây dựng và thực hiện. Thông tin liên quan đến nguy cơ gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và các dịch vụ hỗ trợ đã được phổ biến rộng rãi thông qua các bản tin phát thanh hàng ngày, việc phát 18.000 tờ rơi, 3.000 danh bạ địa chỉ hỗ trợ, áp phích lớn và clip ngắn (30 giây). Hai nhà tạm trú đã được thiết lập tại các khách sạn, ba ban chỉ đạo phòng chống bạo lực được thành lập và các số điện thoại đường dây nóng tại địa phương đã được vận hành, và 69 phụ nữ nạn nhân của bạo lực có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp.

Hồng Nhung biên dịch

Tạp chí Mặt trận, cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều