Bất bình đẳng về sức khỏe - Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Bất bình đẳng về sức khỏe là sự khác biệt không đáng có và có thể tránh được về sức khỏe của người dân trong toàn bộ dân số và giữa các nhóm dân số cụ thể. Chưa bao giờ trong lịch sử, thế giới ghi nhận sự gia tăng nhanh của tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe trong xã hội, từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Bất bình đẳng về sức khỏe đi ngược lại các nguyên tắc công bằng xã hội, chúng không xảy ra một cách ngẫu nhiên hay tình cờ mà được xác định về mặt xã hội, bởi những hoàn cảnh phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân. Những hoàn cảnh này gây bất lợi cho con người và hạn chế cơ hội cho họ sống khỏe mạnh hơn.

Sự tồn tại của bất bình đẳng sức khỏe có nghĩa là con người không được hưởng các quyền đối với các tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần. Một ví dụ về tình trạng bất bình đẳng sức khỏe là ở khu vực dân cư giàu có nhất Scotland, đàn ông có thêm 23,8 năm sức khỏe tốt và phụ nữ có thêm 22,6 năm sức khỏe tốt so với người dân ở các khu vực thiếu thốn hơn. Tuổi thọ của những người bị khuyết tật về cơ bản là ngắn hơn đáng kể so với tuổi thọ trung bình của người dân Scotland. Bạo lực trên cơ sở giới cũng xảy ra không đồng đều, với 17% phụ nữ và 7% nam giới đã từng bị bạo hành vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Các yếu tố quyết định sức khỏe định hình các điều kiện con người sinh trưởng, sống, làm việc, tuổi tác, đồng thời giải thích sự khác biệt có hệ thống, có thể tránh được về sức khỏe giữa các nhóm người. Các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe bao gồm thu nhập, bảo trợ xã hội, giáo dục, anh ninh lương thực, nhà ở, sự phát triển ở độ tuổi mầm non, hòa nhập xã hội, tiếp cận các dịch vụ y tế. Hơn nữa, tình trạng kinh tế - xã hội thấp hơn có liên quan đến tình trạng sức khỏe thấp. Bất bình đẳng về sức khỏe thường liên quan đến các vấn đề rộng hơn các hình thức phân biệt đối xử khác trong xã hội, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hay phân biệt giàu nghèo.

Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính trong việc khuếch đại nhanh chóng bất bình đẳng về sức khỏe vốn đã tồn tại trong xã hội và giữa các nhóm dân cư khác nhau. Điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao ở các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong xã hội như người tị nạn, người nghèo, những người có bệnh lý nền. Cụ thể, tỷ lệ tử vong đặc biệt cao ở người cao tuổi; nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới ở tất cả các nhóm tuổi (65,1 ca tử vong/100.000 nam giới so với 43,3 ca tử vong/100.000 nữ giới). Những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, người da đen đã bị ảnh hưởng không đồng đều do đại dịch. Nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong do Covid-19 cũng tăng lên ở những nhóm này. Các bệnh lý nền đi kèm đã chỉ ra rằng các yếu tố khác đóng vai trò góp phần, bao gồm vị trí địa lý, tiếp xúc nghề nghiệp, tình trạng kinh tế - xã hội và các rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Địa lý là một yếu tố quan trọng quyết định các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng về sức khỏe. Thoạt nhìn, yếu tố địa lý có thể được coi là mô tả thực tế của một khu vực được tạo ra để phục vụ mục đích công cộng, nhưng quan trọng hơn nó tạo ra các dải phân cách phân biệt người dân theo các môi trường khác nhau, sự khác biệt về kinh tế - xã hội, sự khác biệt về giá cả ở các địa phương, sự phân bố các cơ sở y tế và bản chất của việc chăm sóc sức khỏe. Một trong những khác biệt lớn về địa lý gây ra chênh lệch về sức khỏe là sự phân bố dân số giữa thành phố và nông thôn.

Bằng chứng từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) cho thấy các cộng đồng thành thị có tỷ lệ tử vong theo tuổi chuẩn hóa (ASMR) liên quan đến Covid-19 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các khu vực nông thôn với 132,8 trường hợp tử vong/100.000 dân. Các khu vực đô thị nhỏ, các ấp ở nông thôn và các khu dân cư biệt lập trong môi trường thưa dân có ASMR thấp nhất là 24,4 trường hợp tử vong/100.000 dân. Một lý do chính dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ tử vong là chênh lệch về sự thiếu thốn giữa các cộng đồng thành thị và nông thôn. Những yếu tố bao gồm: thiếu hụt thu nhập, thiếu việc làm, giáo dục, thiếu hụt kỹ năng và đào tạo, thiếu hụt sức khỏe và khuyết tật, tội phạm và các rào cản về nhà ở và dịch vụ cũng như thiếu hụt môi trường sống, tất cả đã góp phần vào sự bất bình đẳng về sức khỏe.

Người dân ở khu vực nông thôn thường là nhóm dân số già, có nhiều người trong số họ mắc bệnh tiểu đường hay huyết áp cao, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế. Có nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn ở nhóm dân số già. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng cho thấy cộng đồng người dân nông thôn có xu hướng chịu gánh nặng về bệnh lý nền từ trước cao hơn các cộng đồng thành thị. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2 có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Sự hạn chế trong việc tiếp cận với chăm sóc sức khỏe cũng bị hạn chế ở các khu vực nông thôn, thường do hạn chế về nhà cung cấp và thiếu nguồn lực, khiến bệnh nhân Covid-19 khó có được sự chăm sóc thích hợp mà họ cần. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhu cầu xét nghiệm Covid-19 ngày càng tăng, vượt quá khả năng cung ứng, buộc một số nhà cung cấp dịch vụ tại khu vực nông thôn trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân phải ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc.

Các biện pháp chống bất bình đẳng về sức khỏe thường tập trung vào ba chủ đề chính: Tập trung vào nhóm dân cư dễ bị tổn thương; giải quyết vấn đề vẫn đang được quan tâm xung quanh công bằng về vắcxin; sự phân bổ và tiếp cận không đồng đều về tiêm chủng Covid-19 giữa các quốc gia và giữa các nhóm dân cư. Những chủ đề khác cũng được quan tâm đó là bạo lực trên cơ sở giới trong đại dịch; bất bình đẳng về cấu trúc và sức khỏe tâm thần.

Cho dù tiếp cận bất bình đẳng sức khỏe từ góc độ của một nhóm dân số cụ thể hay là một vấn đề sức khỏe cụ thể, thì trọng tâm luôn là giải quyết những yếu tố cơ bản quyết định sức khỏe và các nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng. Những chủ đề này đều đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức và các bên liên quan với cùng một tham vọng chung. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công.

Sử dụng công nghệ có thể giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về sức khỏe. Nhiều giải pháp kỹ thuật số hiện đại đã được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng bất bình đẳng về sức khỏe này, bao gồm số hóa hồ sơ y tế để phân tích dữ liệu hiệu quả hơn bằng cách sử dụng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, cùng với nhiều ứng dụng hơn để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc.

Hiện nay, chúng ta có thể tích hợp hiệu quả công nghệ với chăm sóc sức khỏe, tối đa khả năng tiếp cận và sự thuận tiện, cũng như đưa ra hướng dẫn phù hợp với lối sống, hành vi và sở thích của từng bệnh nhân. Điều này sẽ giúp dân chủ hóa việc chăm sóc sức khỏe và cải thiện cuộc sống của mọi người.

Những bất bình đẳng về sức khỏe không chỉ về thể chất, mà còn tồn tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng về chủng tộc và sắc tộc có liên quan đến sức khỏe tâm thần, chúng ta cần thừa nhận rằng phân biệt chủng tộc, sắc tộc là những nguồn gốc phổ biến gây ra chấn thương tâm lý của người bệnh. Cần xem các cơ sở thể hiện sự hòa nhập chủng tộc như một thông lệ, cũng như kỳ vọng trong các hệ thống giáo dục và đào tạo.

Trao quyền là một yếu tố quan trọng khác để giải quyết bất bình đẳng về sức khỏe. Khuyến khích trao quyền cho bệnh nhân để họ trở thành người đồng kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình.

Lắng nghe và tham gia là điều cần thiết để xây dựng lại niềm tin vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các biện pháp can thiệp y tế. Nếu không có sự tham vấn của các cộng đồng bị ảnh hưởng do bất bình đẳng về sức khỏe ở cấp địa phương, cấp quốc gia và toàn cầu, thì sẽ có nguy cơ cao ngày càng nhiều người đã bị bỏ lại phía sau.

Một biện pháp mà các Chính phủ có thể thực hiện là giảm các rào cản về chi phí để tiếp cận các dịch vụ y tế dự phòng. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng do đại dịch Covid-19 gây ra. Như chúng ta đã biết, hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng được hưởng lợi từ dịch vụ cai thuốc lá miễn phí, nhưng phần lớn các hệ thống tư nhân thì không. Do đó, các Chính phủ có thể can thiệp bằng cách trợ cấp hoặc miễn phí cho các dịch vụ cai thuốc lá, nhằm mục đích giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc. Với việc người dân có ý thức hơn về sức khỏe của họ, nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đang coi đại dịch là yếu tố thúc đẩy việc cai thuốc lá để cải thiện sức khỏe và giảm chi phí điều trị bệnh có liên quan đến hút thuốc trong cộng đồng.

Một biện pháp khác mà các Chính phủ có thể áp dụng là cung cấp các bữa ăn miễn phí tại trường học cho trẻ em để đảm bảo sự phát triển sức khỏe thể chất cho trẻ. Biện pháp này có thể giúp các gia đình có thu nhập thấp giảm gánh nặng về tài chính.

Ở những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân phát triển, việc tiếp cận thuốc chữa bệnh có thể tốn kém, điều này sẽ gây bất lợi cho những người có thu nhập thấp. Các cuộc khảo sát cho thấy các hộ gia đình có thu nhập thấp uống ít thuốc hơn so với đơn kê do không có tiền chi trả. Cùng với gánh nặng tài chính do đại dịch gây ra, các nguồn tài trợ của Chính phủ sẽ giúp nhiều người dân tiếp cận dễ dàng và đầy đủ hơn với thuốc chữa bệnh.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều