Biển Chết đang ‘chết’ dần, có thể chỉ còn là một vũng nước sau 200 năm nữa

Kể từ những năm 1990, vùng nước mặn nhất thế giới đã bị thu hẹp lại khoảng 25 mét. Giới khoa học ước tính rằng khoảng 200 năm nữa, Biển Chết sẽ biến thành một vũng nước nhỏ.
Một bức ảnh chụp từ trên không cho thấy vùng đất từng được bao phủ bởi nước Biển Chết. Ảnh: Reuters 
Theo đài Sputnik (Nga), Biển Chết, một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Israel và là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất, đã bị thu hẹp lại sau nhiều năm. Trang EcoPeace Middle East đưa tin các hố sụt khổng lồ đã “nuốt chửng” một số bãi biển và vùng nước giàu khoáng chất và bùn, đã mất khoảng 25 mét kể từ những năm 1990.

Ông Leehee Goldenberg, trưởng bộ phận năng lượng, kinh tế và tài nguyên thiên nhiên tại Adam Teva V'Din, một tổ chức phi chính phủ về môi trường của Israel, nói rằng dần dần tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

“Rất khó để nói khi nào Biển Chết sẽ biến mất. Tất nhiên, nó sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng một số ý kiến cho rằng 150 hoặc 200 năm nữa, nó sẽ biến thành một vũng nước nhỏ”, ông nói.

 Du khách khám phá một khối muối tại Biển Chết. Ảnh: Reuters
Có hai yếu tố chính góp phần khiến Biển Chết phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay. Thứ nhất là do Israel, Jordan, Syria và chính quyền Palestine, đã xây đập thủy lợi chặn nước từ thượng nguồn chảy vào Biển Chết nhằm sử dụng cho các mục đích cá nhân, công nghiệp và nông nghiệp. Vấn đề thứ hai là Israel và Jordan đã thiết lập nhiều nhà máy trong khu vực để tiếp tục bơm một lượng nước đáng kể ra khỏi vùng biển này mà không nghĩ đến hậu quả.

“Hiện tại, chúng tôi đang gặp phải tình huống nước không chảy vào Biển Chết. Đồng thời, nước cũng đang được bơm ra, nên kết quả là nguồn tài nguyên này - vốn là một trong những biểu tượng của Israel - đã đã cạn kiệt”, ông nói.

Biển Chết. Ảnh: Sputnik 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề là Israel đã không đặt vấn đề này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của quốc gia.

“Đất nước này không có bất kỳ động thái rõ ràng nào để cứu hoặc cải tạo Biển Chết. Họ coi khu vực này như một tài sản kinh tế và một nguồn tiền, vì vậy giới chức vẫn để các nhà máy tiếp tục bơm nước từ biển”, ông Goldenberg nói.

 Nhiều hố sụt xuất hiện quanh Biển Chết. Ảnh: The Times of Israel
Hàng năm, các nhà máy gần Biển Chết bơm khoảng 400 triệu m3 nước ra khỏi vùng biển này để sản xuất mỹ phẩm. Song luật pháp Israel chưa bao giờ giới hạn số lượng mà các doanh nghiệp có thể sử dụng. Nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhau, trong đó có Adam Teva V'Din, đang đấu tranh để thay đổi điều đó. Tuy nhiên, những nỗ lực này phần lớn đều vô ích.

Ông Goldenberg nói rằng tình trạng này không thể tiếp tục kéo dài: “Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không thể nâng mực nước ở Biển Chết, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, khi khu vực này đang thiếu nước và cuộc khủng hoảng khí hậu đang hoành hành. Nhưng chúng ta cần tìm cách duy trì mực nước tại vùng biển này và có nhiều cách để làm điều đó”.

 Các sản phẩm mỹ phẩm AHAVA Dead Sea được sản xuất tại khu nghỉ dưỡng Biển Chết ở Israel. Ảnh: AFP
Một trong những giải pháp tiềm năng đó là khử muối nước từ Địa Trung Hải, sau đó bơm nó vào Biển Galilee. Nước từ đó sẽ chảy đến Biển Chết. Song đây là một ý tưởng khá tốn kém và phức tạp. Một cách khác là ban hành luật và đưa ra quy định giới hạn mức bơm nước từ Biển Chết cho các nhà máy.

“Nếu chúng ta thực sự muốn tiết kiệm nguồn tài nguyên này, chúng ta cần phải đưa ra quyết định và giải pháp. Biển Chết là biểu tượng của Israel. Nó là một tài nguyên lịch sử và quốc gia cần được bảo vệ”, ông Goldenberg nhấn mạnh. “Nhưng lúc này mọi người không nhìn vào vấn đề bởi Biển Chết vẫn tồn tại. Tôi hy vọng rằng bằng cách nâng cao nhận thức, chúng ta sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc này”.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều