Biến đổi khí hậu diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng hơn

(Mặt trận) - Biến đổi khí hậu về cơ bản sẽ định hình lại cuộc sống trên trái đất trong những thập kỷ tới, ngay cả khi con người có thể kiểm soát được lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính đang làm trái đất nóng lên. Sự tuyệt chủng của nhiều loài, dịch bệnh lan rộng, hệ sinh thái sụp đổ, các thành phố bị đe dọa bởi nước biển dâng - các tác động khí hậu tàn khốc ngày càng xảy ra thường xuyên hơn và ở cấp độ nghiêm trọng hơn. Chúng ta không thể trì hoãn những hành động thực tế chống biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), các lựa chọn mà xã hội hiện đang đưa ra sẽ quyết định liệu loài người tiếp tục phát triển trên hành tinh này hay chỉ đơn giản chỉ là tồn tại. Các ngưỡng nguy hiểm đang ngày càng cận kề, những hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ hàng thập kỷ ô nhiễm carbon không thể kiểm soát sẽ khó tránh khỏi trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới với chúng ta, mà nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các thế hệ tiếp theo.

Thời tiết khắc nghiệt kết hợp với đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc kép cho hàng triệu người vào năm qua. Báo cáo về Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021 đã ghi lại các chỉ số của hệ thống khí hậu bao gồm nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ tăng ở đất liền và đại dương, mực nước biển dâng, băng tan, các sông băng rút đi và thời tiết khắc nghiệt hơn. Đồng thời nêu bật các tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội; di cư; an ninh lương thực và các hệ sinh thái đất và biển.

Năm 2021 là một trong 7 năm nóng nhất trong lịch sử, ghi nhận từ năm 2014, theo ước tính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Liên hợp quốc. Trái đất đã ấm lên 1,1 độ C kể từ khi công nghiệp hóa vào thế kỷ XIX. Nồng độ Carbon dioxide trong khí quyển, tác nhân lớn nhất của sự ấm lên toàn cầu, đã vượt 413 phần triệu. Đó là mức cao nhất được ghi nhận và trong bằng chứng địa chất từ 125.000 năm qua. Metan và Nito Oxide cũng đạt mức kỷ lục 262% và 123% so với mức trước công nghiệp hóa.

Đã 28 năm kể từ khi WMO ban hành báo cáo trạng thái khí hậu đầu tiên năm 1993, do những lo ngại được đưa ra vào thời điểm đó về dự báo biến đổi khí hậu. Trong khi sự hiểu biết về hệ thống khí hậu cũng như công nghệ đã tiến bộ hơn, thông điệp này cơ bản vẫn giữ nguyên. Và hiện chúng ta đã có thêm 28 năm dữ liệu cho thấy sự gia tăng nhiệt độ đáng kể trên cả đất liền và trên biển, cũng như những sự thay đổi khác như mực nước biển dâng, sự tan chảy của các dòng sông băng, sự thay đổi của các mô hình lượng mưa.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra báo cáo hàng đầu của WMO vào tháng 4/2021, trong đó đặt ra vấn đề rằng chúng ta không còn thời gian để lãng phí. Khí hậu đang thay đổi và các tác động đã quá lớn đối với con người và hành tinh. Đây là lúc chúng ta cần hành động mạnh mẽ, dứt khoát hơn nữa. Các quốc gia cần cam kết không phát thải ròng cho đến năm 2050, đệ trình trước Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow, Scotland các kế hoạch khí hậu quốc gia đầy tham vọng nhằm cắt giảm tổng thể lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010. Các quốc gia cũng cần phải hành động ngay lúc này để bảo vệ người dân trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Đại dịch với các tác động trên phạm vi rộng đối với sức khỏe và kinh tế - xã hội. Việc hạn chế di chuyển làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng lương thực, làm tăng mức độ mất an ninh lương thực và làm chậm việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo. Đại dịch cũng làm gián đoạn việc quan sát thời tiết và các nỗ lực giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Đại dương hấp thụ khoảng 23% lượng Carbon dioxide do con người phát thải hàng năm vào bầu khí quyển và đóng vai trò như một vùng đệm chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, CO2 phản ứng với nước biển, làm giảm độ pH trong nước biển và dẫn đến axit hóa đại dương. Điều này làm giảm khả năng hấp thụ thêm CO2 từ khí quyển của đại dương. Quá trình axit hóa và khử oxy hóa đại dương đang tiếp tục diễn ra, tác động đến các hệ sinh thái, sinh vật biển và nghề khai thác hải sản.

Đại dương cũng hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng dư thừa từ các hoạt động của con người. Năm 2019 đã chứng kiến nhiệt độ đại dương cao nhất được ghi nhận và xu hướng này đã tiếp tục vào các năm tiếp theo. Trong năm 2020, hơn 80% diện tích đại dương đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng trên biển. Tỷ lệ đại dương trải qua sóng nhiệt biển mạnh (45%) lớn hơn nhiều so với đại dương trải qua sóng nhiệt biển trung bình (28%). Mực nước biển trung bình toàn cầu được đo bởi vệ tinh đã tăng ở mức kỷ lục kể từ năm 1993. Gần đây, nó đang tăng với tốc độ cao hơn nữa, một phần do sự tan chảy ngày càng nhiều của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực.

Kể từ giữa những năm 1980, nhiệt độ không khí trên bề mặt Bắc Cực đã ấm lên nhanh hơn ít nhất hai lần so với mức trung bình toàn cầu. Điều này có khả năng ảnh hưởng lớn không chỉ đối với các hệ sinh thái Bắc Cực, mà còn đối với khí hậu toàn cầu thông qua việc băng giá vĩnh cửu tan làm giải phóng khí metan vào khí quyển.

Mưa lớn, lũ lụt trên diện rộng đã xảy ra trên nhiều khu vực lớn ở châu Á, châu Âu và châu Phi trong hai năm vừa qua. Mưa lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng đến phần lớn khu vực Sahel và Greater Horn của châu Phi, làm bùng phát dịch châu chấu sa mạc. Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á cũng có lượng mưa lớn bất thưởng vào các thời điểm khác nhau trong năm.

Hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Nam Mỹ, với các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là miền Bắc Argentina, Paraguay và các khu vực biên giới phía Tây của Brazil. Thiệt hại nông nghiệp ước tính là gần 3 tỷ USD ở Brazil và thiệt hại nghiêm trọng khác ở Argentina, Uruguay và Paraguay.

Hạn hán tiếp tục kéo dài ở các khu vực phía Nam châu Phi, mặc dù những trận mưa vào mùa đông đã giúp phục hồi tình trạng hạn hán cực đoan đỉnh điểm vào năm 2018.

Tại Hoa Kỳ, những đám cháy lớn nhất từng được ghi nhận xảy ra vào cuối mùa hè và mùa thu. Hạn hán trên diện rộng góp phần gây ra các đám cháy, từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm nóng và khô hạn nhất được ghi nhận ở khu vực Tây Nam. Thung lũng Chết ở California đã đạt 54,4 độ C – nhiệt độ cao nhất được biết đến trên thế giới trong ít nhất 80 năm qua.

Khi thế giới tăng tốc trong cuộc chạy đua chống biến đổi khí hậu, hãy cùng xem xét các sự kiện toàn cầu quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2022 có thể ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách công của nhiều Chính phủ.

Hội nghị lần thứ 5 của Liên Hợp quốc về các nước kém phát triển sẽ diễn ra vào tháng 1/2022. Theo đó, 46 quốc gia, trải dài từ Afghanistan đến Zambia được coi là các nước kém phát triển nhất (LDC), đây là nơi sinh sống của khoảng 13% dân số thế giới và 40% những người nghèo nhất. Họ rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc về kinh tế, sức khỏe cộng đồng do biến đổi khí hậu gây ra. Người dân nghèo ở các quốc gia này sẽ bị hưởng mạnh mẽ do các cuộc khủng hoảng khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệp. Và thật không may, các quốc gia LDC thiếu nguồn tài chính quan trọng để hỗ trợ thực thi các biện pháp và xây dựng cơ sở hạ tầng để thích ứng với khí hậu.

Vào tháng 1 tới, diễn ra LDC5 – một hội nghị diễn ra 10 năm một lần – sẽ bao gồm một hội nghị bàn tròn chuyên đề cấp cao về biến đổi khí hậu để thảo luận về những vấn đề cấp bách và duy nhất mà các nước LDC phải đối mặt và sự hỗ trợ cần thiết mà họ cần để đảm bảo tăng trưởng kinh tế không đi cùng với cái giá phải trả là hệ sinh thái vốn đã mỏng manh cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng giảm sút.

Vào tháng 2, IPCC sẽ tổ chức xuất bản các báo cáo toàn diện về khoa học khí hậu kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua vào năm 2015. Báo cáo đánh giá thứ 6 của IPCC sẽ bao gồm sự đóng góp của 3 nhóm nghiên cứu do một số nhà khoa học hàng đầu thế giới dẫn đầu về hệ thống khí hậu và biến đổi khí hậu. Báo cáo này sẽ đề cập đến các tác động của biến đổi khí hậu đối với các hệ thống tự nhiên và con người, quan sát các điểm dễ tổn thương, khả năng và hạn chế của chúng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, các lựa chọn được xem xét nhằm hướng tới một tương lai bền vững thông qua tiếp cận công bằng và tích hợp các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng ở mọi quy mô.

Vào đầu tháng 3/2022, Tuần lễ Khí hậu Trung Đông và Bắc Phi lần đầu tiên do Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) tổ chức sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng dẫn đến COP27, diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2021. Tuần lễ khí hậu tập trung vào các hành động khí hậu của khu vực và những sự hợp tác cần thiết để xây dựng các nền kinh tế và xã hội thích ứng với khí hậu, đồng thời lồng ghép hành động khí hậu vào phục hồi đại dịch.

Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào mùa Xuân 2022 tại Trung Quốc, với việc thông qua Tuyên bố Côn Minh, trong đó kêu gọi các quốc gia đàm phán và thống nhất về một khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu và việc thành lập Quỹ Đa dạng sinh học Côn Minh với cam kết từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác.

Hồng Vy biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều