Biến động thị trường lao động thế giới năm 2019

(Mặt trận) - Theo dự báo mới đây của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), việc làm kém chất lượng sẽ là vấn đề chính của thị trường lao động toàn cầu năm 2019. Trên thế giới có hàng triệu người buộc phải chấp nhận điều kiện làm việc không phù hợp.

Thị trường lao động thế giới ngày càng đa dạng (Ảnh: Workinginpeelhalton)

Dữ liệu mới thu thập trong báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: Xu hướng năm 2019” (WESO) đã cho thấy phần lớn trong số 3,3 tỷ người có việc làm trên toàn cầu năm 2018 được đảm bảo về an ninh kinh tế, sức khỏe, vật chất và cơ hội bình đẳng. Tuy nhiên, tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu không phản ánh được sự cải thiện về chất lượng công việc.

Báo cáo được ILO công bố cho thấy sự thâm hụt lớn số lượng các công việc chất lượng, điều này có thể dẫn tới việc không thể đạt được mục tiêu cung cấp việc làm tốt cho tất cả người lao động được nêu trong Mục tiêu Phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Bình đẳng và việc làm chất lượng là 2 trong số những trụ cột làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Báo cáo này cũng cảnh báo rằng một số mô hình kinh doanh mới, bao gồm những mô hình được kích hoạt bởi công nghệ mới có thể đe dọa làm suy yếu thành tựu của thị trường lao động hiện tại trong những lĩnh vực như cải thiện hình thức và sự an toàn, bảo trợ xã hội và tiêu chuẩn lao động.

Không phải có việc làm là đảm bảo được cuộc sống tốt. Có tới 700 triệu người đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực mặc dù có việc làm.

Một vấn đề được nhấn mạnh khác có liên quan đến sự thiếu tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách về giới trong lực lượng lao động, đó là chỉ có 48% phụ nữ trên thế giới có việc làm so với con số 75% nam giới có việc làm. Phụ nữ có nhiều tiềm năng chưa được sử dụng trong lực lượng lao động. Một vấn đề khác là sự tồn tại của thị trường việc làm phi chính thức với con số 2 tỷ lao động. Một điều đáng quan tâm nữa hơn 1/5 thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm, không được giáo dục hay đào tạo nghề. Điều này làm ảnh hưởng đến triển vọng việc làm trong tương lai của họ.

Tỷ lệ lao động nữ vẫn còn thấp so với lao động nam giới (Ảnh: Todayonline)

Nếu nền kinh tế thế giới đang phải xoay sở để tránh sự suy thoái thì tình trạng thất nghiệp lại được dự báo sẽ giảm hơn nữa ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ người lao động nghèo trong 30 năm qua cũng giảm đáng kể, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập trung bình và số người được giáo dục, đào tạo nghề đang tăng lên. Đây là những tiến bộ đáng mừng trong năm qua và được dự báo sẽ duy trì trong năm nay.

Tại châu Phi, chỉ có 4,5% dân số trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, thay vì một thị trường lao động chất lượng thì tại châu lục này, người lao động không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm nhận công việc kém chất lượng, thiếu an toàn, trả lương không xứng đáng và không được bảo trợ xã hội. Lực lượng lao động tại châu Phi sẽ mở rộng hơn 14 triệu trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2020 của khu vực này dự kiến sẽ quá thấp để tạo ra đủ việc làm có chất lượng cho người lao động.

Tại thị trường Bắc Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ đạt mức thấp nhất là 4,1% trong năm nay. Tăng trưởng việc làm và các hoạt động kinh tế được dự kiến có xu hướng giảm vào năm 2020. Những người có trình độ học vấn cơ bản có khả năng thất nghiệp cao gấp đôi những người có trình độ học vấn cao.

Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribê, mặc dù tăng trưởng kinh tế đang phục hồi nhưng số lượng việc làm dự kiến sẽ chỉ tăng 1,4% trong năm 2019. Con số thất nghiệp của khu vực này giảm tương đối chậm, tùy thuộc vào điều kiện thị trường lao động khác nhau ở từng quốc gia.

Thất nghiệp trong khu vực các nước Ả Rập được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 7,3% cho đến năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác ngoài vùng Vịnh cao gấp đôi so với các quốc gia vùng Vịnh. Lao động nhập cư chiếm 41% tổng số việc làm trong khu vực này, trung bình hơn một nửa số lao động là người nhập cư. Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ ở mức 15,6%, cao gấp 3 lần nam giới.

Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Á dưới mức trung bình toàn cầu (Ảnh: Raconteur)

Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đi lên mặc dù tốc độ chậm hơn so với những năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực này được dự đoán sẽ duy trì ở mức khoảng 3,6% cho đến năm 2020, dưới mức trung bình toàn cầu. Việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế đã đưa người lao động ra khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng điều này không tạo ra sự cải thiện về chất lượng công việc. Một tỷ lệ lớn người lao động thiếu những công việc đảm bảo, không có hợp đồng lao động bằng văn bản, không được hưởng thu nhập ổn định. Mặc dù bảo trợ xã hội đã được mở rộng đáng kể ở một số quốc gia trong khu vực nhưng vẫn ở mức cực kỳ thấp, đặc biệt ở các quốc gia có tỷ lệ người nghèo cao nhất.

Ở Bắc, Nam và Tây Âu, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong một thập kỷ và sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2020. Ở Đông Âu, số người có việc làm dự kiến sẽ giảm 0,7% trong năm 2019 và 2020. Lực lượng lao động bị thu hẹp đồng thời có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.

Ngoài những vấn đề lớn như chất lượng công việc, tỷ lệ thất nghiệp thì trong năm 2019, thị trường lao động thế giới sẽ có những biến đổi mới mẻ mang tính tích cực. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được đưa vào thực tiễn quản lý lực lượng lao động. Với quyền truy cập thường xuyên và dễ dàng vào kho dữ liệu lực lượng lao động, những vấn đề như lịch làm việc, vắng mặt, lao động quá giờ, kiệt sức sẽ được phân tích và dự đoán dễ dàng nhờ AI. Các tổ chức sẽ có thể giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng phát sinh. Tự động hóa thông minh cũng sẽ giải phóng các nhà quản lý khỏi nhiệm vụ nặng nề như quản lý lịch biểu, phê duyệt các yêu cầu về thời gian làm việc, đổi ca… trong khi vẫn khuyến khích họ trong việc ra quyết định dựa trên các dữ liệu được cung cấp rõ ràng.

Các nhà tuyển dụng sẽ tập trung nhiều hơn vào sự linh hoạt của các ứng viên. Người lao động cần sử dụng các công cụ để làm việc như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các nền tảng mạng xã hội. Trong nền kinh tế hiện đại, các tổ chức cần phải thay thế các quy trình tuyển dụng và lịch làm việc truyền thống bằng các hệ thống cho phép người lao động lựa chọn thời gian, địa điểm làm việc.

Thị trường lao động Việt Nam chuyển dịch theo hướng tích cực (Ảnh: Vietnamnet)

Tại Việt Nam, nhờ việc thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, tính đến tháng 9/2018, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đang đạt chỉ tiêu dưới 4% trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội), góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 38,3%.

Thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao.

Việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên, khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Trong đó, tỷ trọng lao động trong ngành Nông nghiệp chiếm 37,12%, ngành Công nghiệp - Xây dựng 28,28% và ngành Dịch vụ chiếm 34,6%. Kế hoạch tuyển dụng năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự gia tăng, trong đó cao nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều