Biến thể Omicron khiến thế giới phải thay đổi nguyên tắc phòng dịch COVID-19 ra sao?

Các nước giàu có, sở hữu nguồn vaccine dồi dào từng hy vọng đại dịch đã lùi vào dĩ vàng giờ đang phải tính toán lại. Vậy những quy định mà nhiều nước áp đặt là hợp lý, hay là phản ứng quá mức cần thiết?
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Accra, Ghana, ngày 13/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN 

Những tính toán lý thuyết về đại dịch một lần nữa lại bị phá vỡ. Chỉ trong vài tuần, biến thể Omicron đã làm đảo ngược những tính toán mới đây về COVID-19. Chính quyền nhiều nước đã phải áp dụng trở lại biện pháp hạn chế đi lại, kêu gọi người dân làm việc ở nhà, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường cũng như đánh giá lại các chiến thuật từng được áp dụng như chứng nhận vaccine.

Thay đổi rõ nhất là tại Anh, nơi mà kế hoạch đón Giáng sinh năm mới như thường lệ của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã bị sụp đổ, mà lần này vẫn không gì khác ngoài sự xuất hiện của một biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn. Phát biểu trước Quốc hội Anh đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã thừa nhận rằng Omicron “có thể là mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta gặp phải kể từ khi đại dịch bùng phát”.

Các nước giàu có, sở hữu nguồn vaccine dồi dào từng hy vọng đại dịch đã lùi vào dĩ vàng giờ đang phải tính toán lại. Một số khác cho rằng những nước này đã hành động quá mức cần thiết. Phát biểu trên kênh Sky News (Anh) ngày 15/12, Giám đốc Hiệp hội Y tế Nam Phi, tiến sĩ Angelique Coetzee, nói rằng Anh đã tạo ra “chứng rối loạn phân ly” khi hành động quá mức trước mối đe dọa từ biến thể mới. “Ai cũng cần phải có giải pháp phòng ngừa, phải luôn chuẩn bị để đối phó. Nhưng đừng làm mọi việc quá lên”, ông Coetzee nêu quan điểm.

Nhiều người thậm chí còn cho rằng lây lan Omicron có thể là tín hiệu cho thấy đại dịch sắp kết thúc, với luận điểm biến thể mới này có độc lực kém và không gây ra tình trạng bệnh nặng như biến thể thống trị toàn cầu hiện nay là Delta. Quan điểm này dựa trên lý thuyết cho rằng Omicron sẽ lây lan nhanh hơn, nhưng mức độ sát thương giảm đi trong quá trình tiến hóa của virus SARS-CoV-2, như những gì từng diễn ra với đại dịch cúm năm 1918.

Vậy những quan điểm trên có đúng mức hay không? Có phải nhiều nước đang hành động vượt trên mức cần thiết? Rất khó để nói chắc chắn được điều gì ở thời điểm hiện tại, bởi còn quá sớm để khẳng định. Nhưng có ba điểm cần lưu ý.

200.000 ca mắc mới/ngày và đặc tính lây lan nhanh của Omicron: Trước hết, có thể thấy rằng ca nhiễm mới tăng nhanh. Hôm 15/12, Anh ghi nhận 78.610 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, vượt trên cả thời điểm biến thể Delta hoành hành dữ dội nhất ở Anh. Tình trạng bệnh nhân phải nhập viện cũng gia tăng, dù ở cấp độ nhẹ hơn, trong khi số ca tử vong gần như không thay đổi. Sử dụng dữ liệu từ một mô hình khoa học, Bộ trưởng Javid nhận định số ca mắc Omicron trong ngày hôm đó có thể lên tới 200.000 ca.

Một số chuyên gia dự báo Anh có thể đối diện với kịch bản 1.00.000 ca nhiễm/ngày vào cuối tháng này, với số lượng quá lớn, vượt khỏi giới hạn năng lực xét nghiệm ở Anh. Một nghiên cứu khác tại Nam Phi cũng chỉ ra rằng biến thể mới có mức độ lây lan cao, đồng thời cảnh báo xu hướng Nam Phi đi vào giai đoạn dịch bùng phát nghiêm trọng như ở Anh.

Hai là, Omicron có khả năng làm giảm hiệu lực của các loại vaccine hiện hành: Một khảo sát mới đây ở Nam Phi cho thấy tiêm hai mũi vaccine Pfizer chỉ đem lại hiệu lực bảo vệ 33% trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của vaccine trong ngăn chặn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện vẫn được duy trì ở mức 70%.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dữ liệu nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy cơ chế tiêm hai liều vaccine Pfizer hay AstraZeneca không đủ để chống lại mức độ xâm nhập và lây lan của Omicron. Biến thể mới này khiến hiệu lực bảo vệ của Pfizer trong chống lây nhiễm chỉ còn 30-40% ở thời điểm 15 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai. Tỉ lệ này còn thấp hơn với người tiêm đủ hai liều AstraZeneca.

Thông tin tốt lành chính là việc mũi tăng cường giúp tăng hiệu lực của vaccine. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cố vấn Nhà Trắng về phòng chống COVID-19, ngày 15/12 khẳng định không cần thiết phải nghiên cứu, phát triển vaccine đặc trị Omicron, bởi cơ chế tiêm liều tăng cường hiện nay đủ tăng khả năng bảo vệ trước Omicron.

Cuối cùng, còn quá sớm để coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của Omicron

Cần nhận thấy rằng dù độc lực có suy yếu hơn các biến thể trước, những Omicron vẫn có thể làm chệch hướng các chiến lược chống COVID-19. Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy Omicron gây ra tình trạng lây nhiễm ở thể nhẹ hơn, nhất là so với biến thể Delta. Nhưng chưa thể khẳng định được đây là do đặc tính của Omicron, hay là nhờ vào cấp độ miễn dịch cộng đồng cao ở Nam Phi dựa trên tiêm chủng, số đã bị lây nhiễm tự nhiên trước đó.

Nếu xu hướng suy yếu này ở Nam Phi là do Omicron, thì cũng chưa thể khẳng định chắc chắn nó sẽ đúng ở những nước khác. Ngay cả khi chỉ gây bệnh nhẹ, các bác sĩ và giới chuyên gia y tế công vẫn lo ngại về mức độ quá tải bệnh viện, do Omicron lây lan nhanh và kháng được vaccine.

Nhìn nhận tổng quan, yêu cầu về tiêm mũi tăng cường dường như xóa đi những kỳ vọng về đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu. Các nước giàu sẽ phải mua, dự trữ liều tiêm tăng cường cho toàn dân, khiến tình trạng đứt gãy, mất cân bằng trong tiếp cận vaccine trầm trọng hơn.

Omicron đã làm thay đổi những quy tắc mang tính “giáo án” lý thuyết về đại dịch. Cuộc chiến vẫn tiếp tục. Không thể chắc chắn rằng virus sẽ ít “chết chóc” hơn trong quá trình tiến hóa khi mà nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng vaccine, tạo mảnh đất màu mỡ cho biến thể mới xuất hiện. Ngày COVID-19 biến mất sẽ vẫn còn ở rất xa, phía trước vẫn là một chặng đường khó khăn.

Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều