Bữa tối quyết định bên lề G20

Tối 1/12 giờ địa phương, tức sáng 2.12 giờ Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong một bữa tối ở Thủ đô Buenos Aires, Argentina, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ quyết định số phận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm chao đảo nền kinh tế thế giới.

Bữa tối quyết định

Người đứng đầu nhóm cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc “sẽ bước đến thời khắc quyết định tại G20”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, ông Kudlow tiết lộ Tổng thống Trump “tin tưởng Trung Quốc muốn thỏa thuận”; đồng thời xác nhận “những liên lạc với mức chi tiết rất cao” đang được chính phủ hai nước tiến hành trên nhiều cấp độ.

Theo kế hoạch ban đầu, hai nhà lãnh đạo chỉ dự kiến gặp mặt bên lề thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đề xuất nâng cấp cuộc gặp trực tiếp thành sự kiện bàn luận và ăn tối sau khi G20 kết thúc. Tổng thống Mỹ cũng muốn các bên ra tuyên bố chung về tất cả những kết quả đạt được tại buổi gặp. Việc Mỹ chủ động đề xuất ngày và nơi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ được xem là tín hiệu cho thấy ông Trump rất muốn ký kết thỏa thuận, tìm cách tạo động lực cho đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều sóng gió. Tổng thống Trump cũng đã khiến các trợ lý của ông kinh ngạc khi gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ hồi đầu tháng.

“Các bên có thể đi đến một dạng thỏa thuận đình chiến tại Argentina, chủ yếu vì ông Trump và ông Tập đều có những động cơ khác nhau để tạm gác lại xung đột”, Matthew Goodman, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), dự đoán tỷ lệ các bên đạt được thỏa thuận là 51/49.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Washington và Bắc Kinh vẫn mâu thuẫn về các vấn đề chính như Mỹ cáo buộc Trung Quốc trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ cũng như cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Song cố vấn Kudlow tin tưởng: “Khó khăn này cũng là cơ hội để vượt qua và viết lên một trang mới. Ông Tập có thể sẽ cho chúng ta một số ý tưởng mới”.

4 lý do để hạ nhiệt

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần này được xem là thời điểm “được ăn cả, ngã về không” cho kinh tế thế giới và thị trường tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi không đạt được thỏa thuận nào, có ít nhất 4 lý do để dự đoán cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt.

Thứ nhất, ông Tập Cận Bình có rất nhiều công cụ chính sách để bảo đảm rằng kinh tế Trung Quốc không bị thiệt hại nghiêm trọng từ thuế quan của Washington. Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể bù đắp việc xuất khẩu giảm do thuế quan từ Mỹ bằng cách kích thích nhu cầu trong nước.

Sự sụt giảm trong tăng trưởng sản phẩm nội địa của Trung Quốc trong năm nay gần như hoàn toàn là do hệ thống ngân hàng cắt giảm các khoản vay của chính quyền địa phương, giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hạn chế giá nhà bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Tất cả các chính sách thắt lưng buộc bụng này có thể dễ dàng được nới lỏng hoặc đảo ngược.

Thứ hai, nếu ông Trump muốn một chiến thắng lớn để tăng uy tín trước thềm cuộc bầu cử 2020, ông sẽ phải nhanh chóng giành được một thỏa thuận với ông Tập. Điều này là bởi trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại - khi thuế suất tăng từ 10% lên 25% và có khả năng mở rộng áp dụng cho toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc - đối tượng thiệt hại nhiều hơn sẽ là nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống Trump tin rằng các khoản thuế quan của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tạo thêm việc làm ở Mỹ, có thể có giá trị tại thời điểm suy thoái và thất nghiệp hàng loạt. Nhưng với một nền kinh tế Mỹ đang hoạt động hết công suất như hiện nay, không có cơ hội đáng kể cho sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là thuế quan sẽ đánh chủ yếu vào người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu của Mỹ, đẩy lạm phát và lãi suất lên cao, thay vì tác động đến Trung Quốc.

Thứ ba, căng thẳng hiện nay với Trung Quốc không nằm ngoài phong cách đàm phán của ông Trump: Cây gậy trước, củ cà rốt sau. Các cuộc đàm phán trước đó của ông Trump đều dẫn đến một thỏa thuận: Trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, biên giới Mexico và việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ. Tất cả các vấn đề đều được mở đầu bằng những phát ngôn hiếu chiến và sau đó đột nhiên đàm phán một thỏa thuận. Trường hợp gần đây nhất là nới lỏng trừng phạt với Iran để đổi lấy việc nâng giá dầu lên trên 80 USD/thùng.

Một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 có thể cũng phù hợp với xu hướng này. Nhưng nếu điều đó không xảy ra và đàm phán ở Buenos Aires thất bại, tiếp theo sẽ là tiếp tục áp thuế trong ngắn hạn với Trung Quốc và vài tháng hoặc vài tuần sau đó, một hội nghị thượng đỉnh khác sẽ diễn ra, và cuối cùng vẫn là “chiến thắng”.

Thứ tư, Trung Quốc đã đồng ý có thể đáp ứng khoảng 40% trong tổng số 142 nhu cầu thương mại do Mỹ trình bày đầu năm nay và có thể thương lượng thêm 40% nữa. 20% còn lại, liên quan đến hỗ trợ công nghệ và công nghiệp. Tất nhiên, 20% này bao gồm hầu hết các chính sách mà phe diều hâu phản đối, vì có thể cho phép Trung Quốc thách thức quyền bá chủ công nghệ và quân sự của Mỹ vào nửa sau thế kỷ XXI. Nhưng liệu ông Trump có thực sự quan tâm về những gì có thể xảy ra sau năm 2050? Hay ông sẽ quan tâm nhiều hơn về những gì xảy ra vào năm 2020, khi ông phải đối mặt với cử tri Mỹ một lần nữa? Điều đó có nghĩa là cuộc đối đầu của ông với Trung Quốc sẽ không kéo dài quá lâu.

Theo Đạt Quốc/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều