Bức tường an ninh hay chia rẽ?

Tình từ đêm 22/12/2018 (giờ Mỹ), đến nay đã tròn một tháng Chính phủ Mỹ đóng cửa, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử xứ cờ hoa, và kỷ lục này vẫn chưa dừng lại khi không bên nào tỏ ra nhượng bộ. Kế hoạch xây dựng bức tường an ninh ở phía nam với Mexico của ông Donald Trump đang trở thành bức tường chia rẽ chính trường Mỹ hơn bao giờ hết, gây ra những thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.

Mọi động lực đều bị đóng băng

Lần đầu tiên lực lượng vũ trangbị ảnh hưởng

Tính từ năm 1976 đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 20 lần với những mức độ khác nhau, nhưng chưa lần nào để ảnh hưởng tới quân đội. Nhưng trong lần đóng cửa này, khoảng 800.000 nhân viên chính quyền đang nghỉ hoặc làm việc không lương, trong số này có khoảng 43.000 thành viên Lực lượng Tuần duyên thuộc quân đội Mỹ. Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, các thành viên của một lực lượng vũ trang không được trả lương trong thời gian Chính phủ đóng cửa.

Không khí chán nản bao trùm Quốc hội Mỹ trong thời gian đóng cửa Chính phủ đã sang đến ngày thứ 31. Nỗ lực của các thượng nghị sĩ hai đảng để mở lại Chính phủ đã thất bại tuần thứ hai liên tiếp khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Tổng thống Donald Trump đối đầu sâu sắc. Không có lịch đàm phán nào về mở cửa lại Chính phủ giữa lãnh đạo hai đảng.

Một thượng nghị sĩ đã nỗ lực trong vô vọng để tìm kiếm đột phá nói về tâm trạng của mình: “Không khí ở Quốc hội đang buồn thảm như đưa đám khi phần lớn nghị sĩ trở về nhà trong kỳ nghỉ cuối tuần”.

Thượng nghị sĩ Angus King nói: “Thật tức giận, vì xu hướng của tôi là: Hãy tìm cách để giải quyết vấn đề này. Nhưng cho tới nay, cách đàm phán của ông ấy là: Đây là điều tôi muốn, tôi sẽ không trao cho các ông điều gì”. Ông King phàn nàn: “Tôi có thể ngồi với Phó Tổng thống Mike Pence một buổi chiều và chúng tôi có thể đạt thỏa thuận nào đó. Nhưng rồi Tổng thống Trump sẽ bác bỏ nó”.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski cũng đã thử mọi cách để cứu vãn tình hình. Bà đã ký tên vào bức thư lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống Trump chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ để đổi lại cuộc thảo luận ba tuần về vấn đề nhập cư. Bức thư ngay lập tức bị Nhà Trắng bác bỏ. Bà Murkowski chia sẻ: “Tôi không phải là người dễ thất vọng. Nhưng tôi đã thoái chí. Những người mà tôi làm đại diện ở Alaska đề nghị tôi giải quyết vấn đề nhưng tôi không thể trừ khi tôi là Tổng thống, hay Chủ tịch Quốc hội, hay là lãnh đạo phe đa số”. Thế nhưng tất cả những nhân vật có khả năng ra quyết định hiện nay đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Bà Nancy Pelosi từng thẳng thừng nói với Tổng thống Trump tuần trước rằng sau khi Chính phủ mở cửa, Tổng thống sẽ không có bức tường. Đó là lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp. Từ cuộc gặp đó, mối quan hệ của họ đã lao xuống dốc không phanh. Bà Pelosi đã khiến Tổng thống Trump bất ngờ khi ngày 16.1 gửi thư đề nghị ông hoãn đọc Thông điệp Liên bang hoặc truyền đạt dưới dạng thư cho tới khi Chính phủ mở cửa trở lại. Ngay lập tức, Tổng thống Trump đã “phản kích” khi đột ngột hủy chuyến bay bằng máy bay quân sự của bà Pelosi tới Afghanistan.

Đó là thế bế tắc chưa từng có ở Washington D.C, kể cả trong thời khủng hoảng nợ, bị cắt giảm ngân sách hay một loạt xung đột chính trị chưa có tiền lệ trong suốt thập kỷ qua. Chính phủ đóng cửa nhưng mọi động lực đều bị đóng băng, cho thấy tình trạng chia rẽ chưa từng có trên chính trường Mỹ.

Vấn đề có phải nằm ở bức tường?

Trung tâm của bế tắc lần này nằm ở dự án xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Từ khi tranh cử Tổng thống năm 2015, ông Trump đã cam kết “xây một bức tường siêu vĩ đại ở biên giới phía nam” để ngăn chặn “những kẻ khủng bố và buôn bán ma túy từ Mexico cũng như nhiều nơi khác”. Ngay sau khi vào Nhà Trắng, tháng 1.2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh lên kế hoạch, thiết kế và xây dựng một bức tường công nghệ cao dọc theo biên giới phía nam, đồng thời nhắc lại cam kết sẽ buộc Mexico phải trả chi phí xây dựng bằng cách tăng thuế nhập khẩu hoặc phí quá cảnh.

Ý tưởng buộc Mexico phải chi tiền xây tường tất nhiên đã phá sản từ lâu, dù Tổng thống Trump tuyên bố rằng thu nhập của người Mỹ tăng lên nhờ Hiệp định Thương mại mới ký lại với Canada và Mexico đồng nghĩa với việc Mexico ít nhất đã “trả tiền gián tiếp cho bức tường”. Nhưng lập luận kiểu này rõ ràng không thể thuyết phục các nhà lập pháp phe Dân chủ, những người cho rằng bức tường hàng tỷ USD là quá tốn kém và không hiệu quả. Phe Dân chủ cũng coi bức tường biên giới vừa là trở ngại vật lý “rào kín” nước Mỹ, vừa là hành động “phi đạo đức” không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng dự án bức tường là một biểu tượng mang nhiều sắc thái cảm tính đối với nền tảng chính trị của Tổng thống Donald Trump. Viện trưởng Viện Chính sách toàn cầu, GS Paolo von Schirach cho rằng: “Bức tường này chưa và không bao giờ nằm trong kế hoạch an ninh biên giới được cân nhắc thấu đáo và một cách có hệ thống nhằm ngăn chặn, hoặc ít nhất là hạn chế người nhập cư bất hợp pháp”. Đối với ông Trump và những người ủng hộ ông, bức tường biên giới với Mexico đã và đang là biểu tượng của chính sách “Nước Mỹ là trên hết” mà ông từng tuyên bố trong quá trình tranh cử.

GS Paolo von Schirach nêu rõ, việc xây dựng bức tường tại khu vực biên giới là biểu trưng cho “sự cứng rắn hơn” trong một thế giới thù địch để bảo vệ các lợi ích căn bản của nước Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ đưa bức tường này trở thành vấn đề cốt lõi, một biểu tượng trong chương trình nghị sự của mình”. Chính quan điểm không thể khoan nhượng đó đang đưa đến mọi bế tắc trên chính trường Mỹ hiện nay.

Theo Đạt Quốc/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều