Các cuộc bầu cử ở Châu Á trong 2019: Củng cố vị thế

Năm 2019 hứa hẹn nhiều thay đổi chính trị trong bối cảnh một loạt quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines sẽ bước vào bầu cử được dự báo sẽ là cuộc đấu quyết liệt của các đảng cầm quyền nhằm duy trì và củng cố vị thế.

Năm 2018 đã chứng kiến liên minh đảng Pakatan Harapan (PH) do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử ở Malaysia ngày 9.5. Đây là lần đầu tiên một đảng không thuộc liên minh Barisan Nasional (BN) lên nắm quyền sau 6 thập kỷ ở quốc gia Đông Nam Á này và cũng được xem như thay đổi lớn nhất về chính trị ở châu Á gần đây.

Bước sang năm 2019, cử tri ở các nước Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quan trọng. Điểm khác biệt trong năm nay, theo các nhà phân tích, là việc các đảng cầm quyền ở những nước này được dự đoán sẽ đấu tranh quyết liệt nhằm củng cố vị thế và quyền lực, thậm chí sẵn sàng sử dụng các biện pháp dân túy nhằm thu hút lá phiếu của cử tri.

Indonesia: Phép thử đối với Tổng thống

Trong khi đó, tại Indonesia, hơn 192 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội dự kiến diễn ra ngày 17.4. Đây sẽ là lần đầu tiên người dân quốc gia dân chủ lớn thứ ba thế giới lựa chọn Tổng thống và các nghị sĩ trong cùng một ngày. Tuy nhiên, mọi sự chú ý sẽ dồn vào cuộc đua khốc liệt giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và đối thủ cũ Prabowo Subianto. Mặc dù cuộc đua Tổng thống 2019 được coi là “trận đấu lượt về” giữa hai chính khách, song lần này, ông Joko không còn là “ứng cử viên không tên tuổi”, mà là Tổng thống đương nhiệm và cử tri sẽ đánh giá kỹ lưỡng những thành tích của ông.

Câu hỏi là ông Joko đã hoàn thành trọng trách của mình, nhất là trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và tăng lương, đủ để thuyết phục người dân Indonesia trao cho ông một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai hay không? Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách giữa đương kim Tổng thống và đối thủ đang dần thu hẹp, với tỷ lệ ủng hộ 50% cử tri dành cho ông Widodo và 30% dành cho ông Subianto.

Ấn Độ: Thách thức lớn từ đảng đối lập

Chính phủ do đảng Bharatiya Janata (BJP) lãnh đạo của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đang tìm kiếm thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa, trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, khác với cuộc bầu cử năm 2014, khi đảng BJP giành chiến thắng vang dội trước đảng Quốc đại (INC), lần này, đảng cầm quyền đang đối mặt với thách thức lớn từ đảng đối lập chính do ông Rahul Gandhi dẫn dắt. Trong các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương trong tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, diễn ra tại một số bang chủ chốt như Rajasthan, Madhya Pradesh và Chhattisgarh, BJP đã thất bại nặng nề trước INC, do cử tri không hài lòng với Chính phủ về tình trạng thất nghiệp, nông dân sống trong cảnh nợ nần... Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng chậm lại ở mức 7,1% trong giai đoạn tháng 7 - 9.2018, giảm từ 8,2% so với quý trước.

Sanjay Kumar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội tại New Delhi dự báo, cuộc bầu cử tới sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt và không dễ dàng với BJP. Với hy vọng giành chiến thắng, Thủ tướng Modi hứa sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân Ấn Độ, ngay sau khi triển khai chương trình bảo hiểm sức khỏe do Chính phủ cấp tài chính lớn nhất nước này vào tháng 9 tới.

Kết quả thăm dò do ABP News và C-Voter phối hợp thực hiện đầu tháng 10.2018 cho thấy, Thủ tướng Modi có thể tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử năm nay, tuy nhiên, thế đa số của liên minh Dân chủ quốc gia do BJP lãnh đạo trong Quốc hội Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 276/543 ghế trong Hạ viện, so với 336/543 ghế mà liên minh này giành được năm 2014.

Nhật Bản: Củng cố đa số trong Nghị viện

Đất nước mặt trời mọc sẽ tiến hành bầu cử Thượng viện vào cuối tháng 7 tới, với nửa số ghế trong cơ quan lập pháp gồm 242 ghế được đưa ra bầu lại cho nhiệm kỳ 6 năm. Cuộc bầu cử được đánh giá là cơ hội giúp liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe củng cố thế đa số trong Nghị viện. Cùng với đối tác liên minh, đảng Dân chủ tự do của ông Abe đã giành chiến thắng liên tiếp trong 5 cuộc bầu cử quốc gia, trong đó có 3 cuộc bầu cử Hạ viện và 2 cuộc bầu cử Thượng viện, kể từ khi nhà lãnh đạo này lên nắm quyền cuối năm 2012.

Trước đó, trong cuộc bầu cử Hạ viện sớm, ngày 22.10.2018, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh của Thủ tướng Shizo Abe đã giành chiến thắng áp đảo trước các đảng Hy vọng và Hội Duy tân Nhật Bản; đảng Cộng sản Nhật Bản liên kết với đảng Dân chủ lập hiến và đảng Xã hội Dân chủ. Có ý kiến cho rằng, quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm là bước đi khôn ngoan của Thủ tướng Abe, khi nó tạo đà cho chiến thắng vững chắc của Liên minh cầm quyền để ông Abe có thể tiếp tục nắm giữ cương vị Thủ tướng và sửa đổi Hiến pháp.

Thái Lan: Cuộc bầu cử được mong chờ

Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tiến hành tổng tuyển cử trong năm nay. Chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đứng đầu đã ấn định thời điểm bắt đầu các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện vào ngày 24.2 và dự kiến kéo dài đến đầu tháng 5. Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên ở Thái Lan kể từ khi quân đội đảo chính và lên nắm quyền năm 2014. Đây là cuộc bỏ phiếu được mong chờ, bởi kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử Thái Lan đã nhiều lần bị trì hoãn, vì những lý do liên quan tới các vấn đề Hiến pháp và lập pháp cần thiết liên quan đến bầu cử. Không ít cáo buộc cho rằng, kế hoạch này bị trì hoãn là do chính quyền quân sự Thái Lan đang tìm cách củng cố sự ủng hộ trước thềm bầu cử.

Trong nỗ lực thu hút lá phiếu của cử tri, nhằm đánh bại lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã “tung” ra chương trình “quà tặng đầu năm” trị giá 500 bath (khoảng 15 USD) cho 14,5 triệu người dân Thái, cùng các kế hoạch “tặng” sim điện thoại di động cho người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nội bộ nước này còn đang dậy lên làn sóng cáo buộc Chính phủ mua bán phiếu bầu và can thiệp vào Ủy ban Bầu cử nước này, hãng tin Nikkei Asian Review cho biết.

Philippines: Bước đệm cho cuộc đua Tổng thống

Trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 13.5, cử tri ở Philippines sẽ đi bỏ phiếu bầu lại 12/24 ghế trong Thượng viện, khoảng 300 ghế trong Hạ viện cùng hơn 17.000 vị trí trong chính quyền địa phương. Giới quan sát cho rằng, các cuộc bầu cử trong năm nay sẽ là phép thử về tâm trạng của cử tri đối với chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.

Hơn nữa, cuộc bầu cử Thượng viện còn được đánh giá là cuộc đua thử nghiệm của các ứng cử viên Tổng thống tiềm năng. Bản thân ông Duterte đã công khai ủng hộ một số ứng cử viên thiếu kinh nghiệm chính trị như cựu Cảnh sát trưởng quốc gia Rolando Dela Rosa; trợ lý lâu năm của Tổng thống Bong Go... Ngoài ra, chạy đua vào Thượng viện còn có Imee Marcos, con gái cựu độc tài Ferdinand Marcos.

Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều