Các yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng của Singapore

(Mặt trận) - Singapore - Quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới. Quốc đảo nhỏ bé được biết đến với hệ thống dịch vụ công trong sạch và rất hiệu quả. Tham nhũng ở Singapore nằm trong vòng kiểm soát của khu vực Nhà nước và tư nhân.

.Quốc đảo Singapore. Ảnh: therealsingapore.com

Tham nhũng là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không bao giờ có thể dung thứ. Các quốc gia đã áp dụng rất nhiều biện pháp để phòng, chống loại tội phạm này bằng việc ban hành các quy tắc ứng xử cho các quan chức Nhà nước. Các công ty cam kết tiến hành kinh doanh minh bạch. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn hoành hành và trở thành “căn bệnh ung thư” của xã hội.

Trước đây, Singapore không phải lúc nào cũng là một môi trường trong sạch, không tham nhũng. Vào cuối thời kỳ thuộc địa cho đến khi Nhật chiếm đóng năm 1945, nạn tham nhũng đã hoành hành ở quốc gia này. 3 yếu tố chính được cho là nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng ở Singapore, đó là mức lương thấp, nhiều cơ hội phạm pháp (do mức độ tham gia của công chức trong việc quản lý và kiểm soát các hoạt động sinh lời) và hoạt động yếu kém của cảnh sát trong việc phát hiện và trừng phạt các đối tượng tham nhũng.

Làm thế nào để Singapore có thể đạt được một số thành công trong việc xóa sạch nạn tham nhũng?

Tại Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng được tổ chức tại London (tháng 5/2016), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chia sẻ 4 yếu tố then chốt làm nên thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng của nước Cộng hòa Singapore, là:

Thứ nhất, Singapore thừa hưởng một hệ thống hành chính trong sạch từ Chính phủ Anh. Đó là một hệ thống gồm các cơ quan công vụ, cơ quan tư pháp hiệu quả và trung thực. Đặc biệt là các nhân viên đã duy trì được các tiêu chuẩn cao.

Thứ hai, khi người Anh giao quyền tự trị cho Singapore, các lãnh đạo tiên phong của Singapore đã quyết tâm duy trì hệ thống trong sạch này. Đảng Hành động nhân dân (PAP) giành được chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1959, lên nắm quyền điều hành đất nước đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, như: nghèo đói, sức khỏe cộng đồng yếu kém, tình trạng thiếu nhà ở gay gắt, nền kinh tế trì trệ và bùng nổ dân số. Trước tình hình đó, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xác định nhiệm vụ trọng yếu đó là ngăn chặn dịch vụ công bị thất thoát. Đảng PAP đã chiến đấu để giành quyền thành lập Chính phủ. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, lời phát biểu của Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đó đã thể hiện nhận thức chung của Đảng PAP Singapore: Vị trí, vai trò của Đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo đất nước phải được chứng minh, được thể hiện bằng chính đạo đức của họ mà phẩm chất cần thiết trước hết là sự liêm khiết.

Dựa trên cơ sở của ý chí và quyết tâm chính trị đó mà Chính phủ của Đảng PAP đã đưa ra một trong những nguyên tắc hướng dẫn cho giới quan chức là: “Giữ mình trong sạch và không nhận hối lộ”. Điều này đã tạo được dấu ấn cho một Singapore vững mạnh. Năm 1960, ông Ong Pang Boon - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore, đã phát biểu tại Hội đồng lập pháp: “Chính phủ ý thức một cách sâu sắc rằng một chính quyền không thể tiếp tục tồn tại cho dù mục tiêu và ý định có tốt như thế nào đi chăng nữa, nếu tham nhũng còn tồn tại trong hàng ngũ những người có chức có quyền và trong hệ thống dịch vụ công mà chính quyền phải dựa vào đó để cung cấp một bộ máy hành chính hữu hiệu và hiệu quả nhằm biến chính sách thành hành động… Do đó, Chính phủ Singapore quyết tâm làm tất cả mọi việc có thể sao cho tất cả các biện pháp lập pháp và hành chính được thực hiện để làm giảm cơ hội xảy ra tham nhũng, làm cho việc phát hiện tham nhũng dễ dàng hơn, răn đe và trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi tham nhũng”.

Thứ ba, với ý chí chính trị mạnh mẽ, Singapore đã thể chế hóa một khuôn khổ chống tham nhũng toàn diện và mạnh mẽ bao gồm các bộ luật, hệ thống dịch vụ công và việc tiếp cận cộng đồng. Chính phủ Singapore đã ban hành Đạo luật ngăn chặn tham nhũng (PCA), yêu cầu các trường hợp nghi ngờ tham nhũng phải chứng minh được việc sở hữu tài sản một cách hợp pháp. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản do họ sở hữu có thể bị tịch thu. PCA cũng quy định về quyền tài phán ngoài lãnh thổ đối với các hành động của công dân Singapore ở nước ngoài, bất kể những hành động tham nhũng đó có gây hậu quả đối với Singapore hay không.

Cơ quan chống tham nhũng của Singapore là Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) có nguồn lực và hoạt động độc lập. Cơ quan này được trao quyền để điều tra bất kỳ ai, thậm chí là các bộ trưởng và tiến hành công tác tiếp cận cộng đồng để nâng cao ý thức của người dân về việc chống tham nhũng. CPIB đã thể hiện được vai trò là một cơ quan chống tham nhũng độc lập mang lại hiệu quả rất cao, trở thành nỗi sợ hãi đối với những kẻ có ý định tham nhũng, hay dính líu đến tham nhũng. CPIB có quyền tự do hành động để xử lý kẻ tham nhũng bất kể kẻ đó ở vị trí xã hội nào, thuộc đảng phái chính trị nào, thuộc sắc tộc hay theo tín ngưỡng nào. Theo lời của một nhà quan sát quốc tế: “Trong bộ máy hành chính của Singapore, CPIB được kính sợ như con mắt có thể nhìn mọi thứ của lãnh đạo PAP và được kính trọng vì sự hiệu quả, chính xác như bộ máy đồng hồ và những phương pháp nghiệp vụ tinh vi”. Chính phủ Singapore trả lương công bằng cho công chức so với thu nhập của người lao động làm việc ở khu vực tư nhân; đồng thời, Chính phủ cũng đề ra các tiêu chuẩn cao nhất về tính toàn vẹn và hiệu năng.

Theo Associated Press (Liên đoàn Bóng đá): Những người bị cáo buộc tham nhũng thường bị phạt tù 5 năm và phạt tiền lên đến 80.000 USD. Nếu phạm tội tham nhũng liên quan đến một hợp đồng của Chính phủ, hay liên quan đến một đại biểu Quốc hội, hay thành viên của một tổ chức nhà nước, thời hạn hình phạt có thể tăng lên đến 7 năm. Ngoài phạt tiền và phạt tù, người bị kết tội tham nhũng sẽ bị toà án ra lệnh hoàn trả lại số tiền hối lộ đã nhận; đồng thời, toà án còn có quyền tịch thu tài sản và những nguồn tiền mà người bị kết tội không lý giải được nguồn gốc. Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long muốn thêm nhiều hình phạt khác như một cách để ngăn chặn tội phạm tham nhũng.

Thứ tư, xã hội Singapore đã xây dựng và phát triển rất tốt ý thức chống tham nhũng và điều này đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của quốc gia này. Người dân Singapore luôn góp phần xây dựng hệ thống dịch vụ công trong sạch. Họ không chấp nhận việc bỏ các “chi phí bôi trơn” để hoàn thành việc mình cần. Người dân Singapore tin tưởng rằng luật pháp sẽ trừng trị tất cả các trường hợp vi phạm và Chính phủ sẽ thực thi luật pháp mà không dung túng bất kỳ ai. Các doanh nghiệp tin tưởng rằng ở Singapore, các quy tắc minh bạch và được áp dụng công bằng.

Singapore đã đạt được một số thành công trong việc loại bỏ tham nhũng, nhưng cũng không ảo tưởng rằng đã giải quyết được vĩnh viễn và hoàn toàn vấn đề. Tham nhũng xuất phát từ bản chất tham lam của con người. Mặc dù, các quy tắc và các hệ thống được quản lý chặt chẽ nhưng một số cá nhân vẫn sẽ bị cám dỗ dẫn đến vi phạm pháp luật. Chính phủ Singapore luôn đảm bảo rằng, những trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị bắt và xử lý nghiêm.

Từ kinh nghiệm chống tham nhũng trong lịch sử và hiện tại ở Singapore, người ta có thể nêu ra một định đề là: “Nếu những người lãnh đạo không giữ được mình trong sạch thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không bao giờ thành công. Những người lãnh đạo phải thể hiện được đức thanh liêm của mình thì xã hội mới tin được là họ có ý chí và quyết tâm chính trị trung thực, mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đó chính là yếu tố tiên quyết mang tính đột phá, dẫn dắt và chỉ đạo hành động chống tham nhũng có tính chất nhất quán và đạt hiệu quả trên thực tế”.

Thu Anh - Trường Giang biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều