Cảnh báo tình trạng tấn công nhằm vào nhân viên y tế trên thế giới

Ngày 18/8, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cho biết cơ quan này đã ghi nhận hơn 600 vụ tấn công nhằm vào các nhân viên y tế liên quan đến cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia kiểm soát những thông tin sai lệch có thể kích động các hành vi bạo lực này.  
 

Nhân viên y tế làm việc tại khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Daegu, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Báo cáo của ICRC cho biết trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 vừa qua, cơ quan này đã ghi nhận tổng cộng 611 trường hợp bạo lực, quấy rối hoặc kỳ thị nhằm vào các nhân viên y tế, bệnh nhân và cơ sở y tế liên quan đến đại dịch COVID-19 tại hơn 40 quốc gia. Mặc dù vậy, ICRC cho rằng con số này trên thực tế có thể cao hơn nhiều. 

Ông Maciej Polkowski - người đứng đầu sáng kiến Chăm sóc Sức khỏe cho những người đang gặp nguy hiểm thuộc ICRC - cho biết: “Cuộc khủng hoảng này đã khiến các nhân viên y tế gặp nguy hiểm trong thời điểm chúng ta đang cần họ nhất. Bầu không khí sợ hãi này, thường kết hợp với việc thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân đầy đủ, đang gây thêm căng thẳng đáng kể cho sức khỏe thể chất và tinh thần của họ và của gia đình họ". 

Theo ICRC, hơn 20% số các trường hợp liên quan đến các vụ tấn công thể xác, trong khi 15% là các vụ phân biệt đối xử "dựa trên nỗi sợ hãi", và 15% là các cuộc tấn công hoặc đe dọa bằng lời nói. 

Xét trong số các vụ việc tập trung vào một người cụ thể, có tới 67% các trường hợp nhằm mục tiêu vào nhân viên y tế, trong khi gần 25% nhằm vào những người bị ốm, trong đó bao gồm cả những bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19, và 5% nhằm vào những người phải di dời và tị nạn. 

Chuyên gia Esperanza Martinez - người đứng đầu bộ phận y tế của ICRC - cho biết: “Sợ mắc bệnh và thiếu kiến thức cơ bản liên quan đến COVID-19 thường là những lý do chính đằng sau những hành động bạo lực nhằm vào nhân viên y tế và bệnh nhân”. 

Nghiên cứu của ICRC cũng phát hiện ra rằng sự sợ hãi cái chết cũng là một trong những động cơ của các hành động bạo lực trên, đặc biệt là khi đối tượng bị tố cáo là các bệnh nhân hoặc người thân của các bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, các nguyên nhân khác còn bao gồm việc bị từ chối quyền tiến hành chôn cất hoặc các nghi lễ khác do các hạn chế của COVID-19...

ICRC kêu gọi các chính phủ và cộng đồng mau chóng xử lý triệt để những thông tin sai lệch thúc đẩy những hành vi bạo lực, đồng thời đảm bảo rằng nhân viên y tế có thể thực hiện công việc của mình một cách an toàn. Chuyên gia Martinez nhấn mạnh: “Để bảo vệ nhân viên chăm sóc sức khỏe, cơ sở y tế và bệnh nhân khỏi bạo lực, điều tối quan trọng là phải phổ biến thông tin chính xác về nguồn gốc, phương thức lây truyền và phòng ngừa COVID-19".

Theo Thanh Phương (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều