Châu Âu nguy cơ đối mặt đợt dịch mới

Ngày 20-8, các chỉ số về dịch bệnh Covid-19 ở Pháp vẫn tiếp xúc xấu đi khi Cơ quan Y tế Công cộng Pháp ghi nhận 4.771 ca nhiễm mới trong một ngày. Đây là sự gia tăng chưa từng có kể từ giữa tháng 5, còn các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Italy và Đức cũng trong tình trạng cảnh báo về đợt bùng phát dịch thứ 2.
 

Kể từ ngày 20-8, tất cả cảnh sát Pháp phải đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ. (Ảnh: BFMTV)

Trước đó, ngày 19-8, số người nhiễm mới ở Pháp trong một ngày đã ở mức rất cao, 3.776 trường hợp, tiếp tục đà tăng suốt một tuần qua. Có 35 ổ dịch mới được xác nhận kể từ ngày 19-8, nâng tổng số lên 1.096 ổ dịch tính từ ngày 9-5. Trong vòng một tuần qua, có tới 18.638 người được xét nghiệm dương tính với virus corona và tỷ lệ nhiễm đã tăng từ 3,1 lên 3,3%. Số người được điều trị giảm nhưng số bệnh nhân nặng lại tăng nhẹ.

Chỉ còn 11 ngày nữa tới thời điểm bước vào năm học mới, trong khi đó, tình hình bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các công đoàn giáo viên ở Pháp đã bày tỏ lo ngại vì chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về phương thức tổ chức lớp học cũng như quy trình bảo đảm an toàn sức khỏe cho tất cả học sinh các cấp.

Ngày 20-8, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cho biết, thời hạn khai giảng năm học mới vào ngày 1-9 vẫn được duy trì. Tất cả học sinh cấp 2 và 3 sẽ phải đeo khẩu trang khi đến trường. Các biện pháp ứng phó nguy cơ lây lan ở một lớp hay trường học sẽ được tăng cường, trong đó có việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện ca nhiễm để có thể mở lại trong vòng 48 giờ.

Tháng trước, Bộ Giáo dục Pháp thông báo, việc áp dụng quy định giãn cách ở không gian ngoài trời tại các trường học và kể cả trong lớp học, thư viện hay căng-tin là không cần thiết nếu không có đủ chỗ. Nay, các bác sĩ nhi khoa lo ngại xảy ra sự lây nhiễm ở trường học vì cả giáo viên và học sinh đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh trong trường hợp không tuân thủ triệt để các biện pháp ngăn ngừa như giữ khoảng cách an toàn. Các bác sĩ nhi khoa cho rằng, việc tiêm chủng vaccine chống cúm mùa rất quan trọng trong thời điểm này và là một giải pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa nguy cơ quá tải nếu xảy ra đợt bùng phát dịch thứ hai.

Các chuyên gia y tế Pháp cũng cho rằng, việc đeo khẩu trang là chưa đủ để tránh lây nhiễm vì không phải lúc nào học sinh cũng đeo hay duy trì đúng cách an toàn. Do vậy, cả hai biện pháp gồm giữ khoảng cách và đeo khẩu trang cần được bảo đảm ở trường học ngay từ khi bắt đầu năm học mới.

Kể từ ngày 19-8, các lực lượng cảnh sát Pháp phải đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ. Chính phủ Pháp cũng thông báo về việc áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các doanh nghiệp kể từ ngày 1-9. Quyết định này được đưa ra sau khi có đa số ổ dịch mới trong những ngày gần đây xảy ra ở nơi làm việc. 

Pháp và các nước châu Âu đang tích cực thử nghiệm và đặt mua các loại vaccine ngừa virus corona. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở khu nghỉ hè Brégançon bên bờ Địa Trung Hải ngày 20-8, Tổng thống Pháp cho biết, một số loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và có triển vọng đưa vào sử dụng trong vài tháng tới. Lãnh đạo hai nước cũng muốn các nước châu Âu đạt được một thỏa thuận chung về việc đóng và mở cửa biên giới nhằm tranh tình trạng "mỗi nước một kiểu" như thời gian trước.

Số ca nhiễm mới không chỉ tăng mạnh trong những ngày qua tại Pháp mà ở cả một số nước châu Âu khác như Đức, Tây Ban Nha hay Italy. Các biện pháp nghiêm ngặt đã được thực thi trong những tháng mùa đông và mùa xuân để ngăn chặn đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, virus corona lại hoạt động ngày càng mạnh vào lúc kỳ nghỉ hè sắp kết thúc.

Tại Đức, số ca nhiễm mới đã tăng lên tới hơn 1.700, tương đương lúc đỉnh dịch vào tháng 4. Như vậy, số ca nhiễm mới ở nước này tăng gấp đôi mỗi ngày trong hơn hai tuần qua. Trước tình hình như vậy, Chính phủ Đức yêu cầu những người đi du lịch ở các khu vực nguy cơ cao về phải xét nghiệm và cách ly.

Italy ghi nhận 840 ca nhiễm mới trong ngày 20-8 so với 642 ca của ngày trước đó và là mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 5, lúc còn lệnh phong tỏa. Các quan chức Italy cho rằng, mức tăng này không nghiêm trọng như ở Pháp hay Tây Ban Nha nhưng diễn biến trong mấy ngày qua rất đáng lo ngại. Nhiều trường hợp nhiễm mới được cho là mắc bệnh trong thời gian đi du lịch ở nước ngoài.

Số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha vẫn luôn ở mức cao, hơn 3.000 ca, trong mấy ngày qua. Chính quyền nước này phải ra lệnh đóng cửa các hộp đêm, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi ra khỏi nhà. Số người nhập viện trong vòng một tuần qua cũng lên tới hơn 1.000 ca. Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ nhiễm rất cao, hơn 100 ca/100.000 dân.

Theo KHẢI HOÀN/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều