Chiến lược châu Phi mới của Mỹ: Ưu tiên lợi ích hay đối tác?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã công bố chiến lược châu Phi mới, nhằm thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược mới của Mỹ bị cho là ưu tiên lợi ích Mỹ hơn củng cố quan hệ đối tác với các nước châu Phi.

Củng cố lợi ích

Chiến lược mới tập trung vào ba ưu tiên: Thúc đẩy thương mại Mỹ trên khắp lục địa, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và bảo đảm các khoản viện trợ của Mỹ được sử dụng hiệu quả nhất. Theo sáng kiến mới mang tên “Châu Phi thịnh vượng”, Mỹ sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Phi lựa chọn dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, minh bạch, toàn diện và bền vững, trong đó có các dự án từ Mỹ; đồng thời lựa chọn các đối tác châu Phi một cách cẩn thận hơn. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ sẽ hỗ trợ chính phủ các nước châu Phi củng cố năng lực của các lực lượng và cơ quan an ninh, nhằm giúp các quốc gia này có thể tự mình chiến đấu với những phần tử cực đoan, khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ sẽ thôi ủng hộ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại lục địa đen, vì cho rằng hoạt động này không hiệu quả.

Công bố chiến lược châu Phi mới của Mỹ tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ở Washington D.C trung tuần tháng 12, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, chiến lược mới sẽ đặt các lợi ích của Mỹ tại châu Phi lên hàng đầu; đồng thời nhấn mạnh, một châu Phi tự do, phát triển và tự cung tự cấp có tầm quan trọng lớn nhất đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định, chiến lược châu Phi mới được Washington đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang bị tụt hậu so với Nga và Trung Quốc tại lục địa đen. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng tiềm lực kinh tế để thúc đẩy lợi ích an ninh. Trung Quốc cũng xây một căn cứ quân sự tại Djibouti cách không xa căn cứ quan trọng của Mỹ - nơi đóng vai trò là bệ phóng cho các lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Trong khi đó, Nga thời gian qua cũng nhanh chóng vun đắp quan hệ trên khắp lục địa với việc cử các phái đoàn cấp cao đến châu Phi để đàm phán hợp đồng bán vũ khí hay các thỏa thuận hợp tác quân sự. Tháng 9, Nga đã công bố thỏa thuận xây dựng căn cứ hậu cần ở Eritrea trên biển Đỏ và các công ty Nga cũng giành được những hợp đồng khai thác khoáng sản tại Sudan. Ví dụ điển hình nhất về sự gia tăng ảnh hưởng của Nga là Cộng hòa Trung Phi, nơi các cố vấn quân sự và dân sự Nga đang hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh chính phủ Cộng hòa Trung Phi, còn các quan chức Nga đang đàm phán để tiếp cận với những mỏ khoáng sản của nước này.

Các nhà phân tích cho rằng, với chiến lược mới, chính quyền Mỹ đang thách thức các chính phủ châu Phi phải lựa chọn giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc trong các quan hệ thương mại, an ninh và chính trị.

Chiến lược “lỗi thời”?

Ngay sau tuyên bố của ông John Bolton, đã có nhiều tranh cãi, bởi không giống châu Á và châu Âu, Mỹ từ trước đến nay có vẻ dành ít sự quan tâm cho châu Phi. Theo đánh giá của các cựu quan chức ngoại giao và chuyên gia trong khu vực, chiến lược mà Mỹ công bố đối với khu vực này đã “quá lỗi thời”.

Lệnh cấm đi lại cũng như những lời chỉ trích của ông Donald Trump đã tạo ra mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Phi. Đầu năm 2018, trong một cuộc họp tại Nhà trắng về vấn đề nhập cư, ông Trump đã làm dậy sóng dư luận khi gọi những người tị nạn tại các quốc gia châu Phi là “dơ bẩn”. Bên cạnh đó, phải mất hơn một năm để Tổng thống Trump gặp một nguyên thủ quốc gia châu Phi và lấp đầy các vị trí ngoại giao chủ chốt của Mỹ về châu Phi. Hiện một số chức vụ Đại sứ ở châu lục này vẫn bị Mỹ bỏ trống. Chính phủ các nước châu Phi cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng không mấy coi trọng châu Phi.

Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chỉ đưa ra một vài tuyên bố về châu Phi, trong khi dành phần lớn thời gian tập trung vào các vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tái áp đặt trừng phạt Iran. Không giống như hai người tiền nhiệm, Tổng thống Trump không công bố bất cứ sáng kiến nào về châu Phi.

Giới phân tích cho rằng, chiến lược mới của Mỹ quá tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng về thương mại, an ninh và chính trị của Nga và Trung Quốc tại lục địa đen, thay vì dành ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước châu Phi. Chiến lược mới không kêu gọi dành nhiều ngân quỹ cho hoạt động ngoại giao, thu thập thông tin tình báo hoặc viện trợ của Mỹ tại châu Phi. Thay vào đó, tập trung sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn.

Theo các nhà phân tích, trong khi Nhà Trắng không có kế hoạch mở rộng các nguồn lực tại châu Phi, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Mỹ có thể đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, Trung Quốc hoặc các đối thủ cạnh tranh khác tại khu vực này?

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều