Chiến thắng cho đại dương

Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần nhằm hạn chế rác thải đổ ra đại dương và buộc các công ty trên thế giới phải chịu chi phí xử lý cũng như tái chế rác thải nhựa. Đây được coi là bước đi quan trọng trong bối cảnh rác thải nhựa đang trở thành mối nguy thực sự đối với sức khỏe con người.

Tỷ lệ áp đảo

Với 571 phiếu thuận, 53 phiếu chống và 34 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm bao bì đựng thức ăn nhanh làm bằng nhựa polystyrenenhư ống hút, tăm bông, dao nĩa, đồ đựng thực phẩm, chiếm hơn 70% lượng rác thải hiện diện ở đại dương.

Sau cuộc bỏ phiếu, bà Frederique Ries, thành viên Nghị viện châu Âu và cũng là người đề xuất dự luật nói trên, viết trên Twitter rằng: “Đây là chiến thắng cho đại dương, môi trường của chúng ta và các thế hệ tương lai”. Bà Ries cho biết: “Việc bỏ phiếu hôm nay dọn đường cho một chỉ dẫn đầy tham vọng sắp tới. Chúng ta cần bảo vệ môi trường biển và giảm thiệt hại do ô nhiễm nhựa ở châu Âu ước tính lên tới 25 tỷ USD vào năm 2030”.

Theo luật mới, Nghị viện châu Âu lên kế hoạch buộc các công ty có trách nhiệm với lượng rác thải nhựa của mình. Ngoài ra, các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất đồ nhựa phải đóng góp chi phí quản lý rác thải. Hiện EU chỉ mới tái chế được 1/4 trong tổng số khoảng 24 triệu tấn rác nhựa khu vực này thải ra mỗi năm. Các nhà hoạt động về môi trường chỉ trích các công ty giải khát như Coca-Cola, Pepsi và Nestlé sản xuất ra lượng lớn chai nhựa nhưng không nỗ lực xử lý tình trạng ô nhiễm.

Chưa hết, các nước EU cũng phải giảm tiêu thụ một số sản phẩm nhựa hiện chưa thể được thay thế, như các loại hộp đựng thực phẩm dùng một lần, ít nhất 25% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên phải bảo đảm việc các công ty thuốc lá chi trả chi phí thu gom và xử lý đầu lọc nhằm giảm 80% số đầu lọc trong môi trường trong 12 năm tới. Những công ty bán dụng cụ câu cá cũng bị “điểm mặt” với mục tiêu thu thập ít nhất 50% dụng cụ bắt cá chứa nhựa bị vứt bỏ mỗi năm. Theo The Independent, dụng cụ đánh cá chiếm hơn 1/4 rác thải được phát hiện ở các bãi biển châu Âu và những lưới cá trôi dạt trong đại dương bị cho là đã khiến hàng ngàn cá voi, hải cẩu và chim chết mỗi năm.

Nếu được Ủy ban châu Âu phê chuẩn và tiếp tục được thông qua tại từng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), quá trình dự kiến bắt đầu vào tháng 11 này, dự luật sẽ chính thức trở thành luật vào năm 2021.

Tuy nhiên Liên đoàn các nhà sản xuất đồ nhựa châu Âu cho rằng dự luật sẽ gây trở ngại cho việc đầu tư tìm kiếm những phương thức tái chế mới. Nhiều quốc gia châu Âu đã tự đề xuất biện pháp riêng để cắt giảm các loại nhựa dùng một lần. Chính phủ Anh hôm 22.10 công bố kế hoạch cấm ống hút, tăm bông.

Mối nguy từ vi nhựa

Dự luật lần đầu được đưa ra vào tháng 5 sau khi làn sóng phản đối nhựa dùng một lần lan rộng trên thế giới. Các mảnh nhựa được tìm thấy ở khắp nơi, từ băng ở Bắc Cực đến phân bón được áp dụng cho đất nông nghiệp.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất nhựa trên toàn thế giới đã tăng vọt trong vòng 2 thập kỷ qua. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đầu thế kỷ XXI, con người đã sản xuất ra một lượng nhựa bằng toàn bộ lịch sử trước đó cộng lại. Mỗi phút trên toàn cầu, gần 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ. Kết quả là khoảng 9 triệu tấn nhựa chảy vào đại dương mỗi năm. Nhưng nguy hiểm ở chỗ chỉ 20% trong số chúng là nhựa tái chế. Theo ước tính, số lượng rác thải nhựa trên tất cả đại dương nặng hơn tổng số cá ở biển vào năm 2050 nếu không hành động nhanh chóng.

Các loài động vật biển sẽ là nạn nhân đầu tiên ăn phải các hạt vi nhựa. Nhưng sau khi con người ăn cá ngừ, mực, tôm hùm và các loài hải sản khác, hạt vi nhựa sẽ vào đường ruột của chúng ta và tồn đọng bên trong cơ thể chúng ta như một loại hóa chất vô cùng độc hại, nguồn cơn của nhiều căn bệnh trong đó có bệnh ung thư.

Nghiên cứu thực hiện tại châu Âu cho biết, khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, chúng ta có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa. Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Một nguồn thực phẩm khác có thể nhiễm vi nhựa từ biển là muối. Một kg muối biển có thể chứa hơn 600 hạt vi nhựa. Nếu chúng ta ăn tối đa 5 gam muối mỗi ngày, có nghĩa là tiêu thụ 3 hạt vi nhựa trong đó.

Nhưng có lẽ nguồn hạt vi nhựa lớn nhất mà chúng ta tiêu thụ là nước đóng chai. Các chai nước dùng một lần có thể chứa từ 2 - 44 hạt vi nhựa/lít. Trong khi các chai tái sử dụng chứa từ 28 - 241 hạt/lít.

Những con số đáng báo động kể trên đã cho thấy nguy cơ rõ ràng đến từ nhựa sử dụng một lần, không chỉ với môi trường sinh thái mà trực tiếp với sức khỏe của con người. Chính vì vậy, đạo luật mà Nghị viện châu Âu vừa thông qua không chỉ là chiến thắng cho đại dương, chiến thắng cho môi trường mà còn là chiến thắng cho thế hệ tương lai.

Theo Quốc Đạt/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều