Chính phủ Mỹ đóng cửa: Giữa hai lựa chọn

Mỹ đã bước sang ngày thứ 29 của tình trạng Chính phủ liên bang bị đóng cửa một phần do hết ngân sách, đánh dấu đợt Chính phủ đóng cửa dài nhất trong lịch sử. Tình trạng này chưa có dấu hiệu chấm dứt khi Nhà Trắng và Quốc hội tiếp tục “thi gan” trong bất đồng liên quan đến ngân sách xây tường biên giới phía Nam.

Chưa lùi bước

Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy kế hoạch của đoàn quan chức Mỹ tham dự chuỗi sự kiện thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, với lý do Chính phủ Mỹ đóng cửa. Sự vắng mặt của đoàn đại biểu Mỹ tại Davos năm nay là sự đối nghịch với năm ngoái, khi ông Trump là Tổng thống Mỹ trong 18 năm đầu tiên dự WEF. Ông Trump cũng hoãn chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến ba nước Bỉ, Ai Cập và Afghanistan, với cùng lý do trên. Trước đó một ngày, bà Pelosi đề nghị, Tổng thống Trump hoãn đọc thông điệp liên bang, dự kiến vào ngày 29.1. Đây được coi là tín hiệu cho thấy bế tắc trên chính trường Mỹ có thể kéo dài hơn.

Nói với phóng viên ngày 15/1, Tổng thống Trump tuyên bố, Chính phủ Mỹ sẵn sàng đóng cửa trong thời gian dài nếu “chúng ta buộc phải thế”. Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Louisiana, John Neely Kennedy, người đi cùng Tổng thống Trump trên chuyên cơ Không lực 1 ngày 14/1 cho biết, ông Trump rất kiên quyết và sẽ không lùi bước trong cuộc đối đầu với phe Dân chủ tại Quốc hội trong vấn đề ngân sách.

Trước đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ ngày 10/1 đã tới Thượng viện và đề nghị cho phép tổ chức bỏ phiếu về một loạt dự luật nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ một phần, bắt đầu từ ngày 22/12/2018. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell tuyên bố sẽ chặn đứng nỗ lực này và lưu ý rằng, tháng 12 vừa qua, phe Dân chủ đã nhất trí không tổ chức bỏ phiếu về ngân sách cho đến khi Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đạt được một thỏa thuận. Tình trạng Chính phủ đóng cửa chỉ có thể chấm dứt khi một trong hai bên, Tổng thống hoặc Quốc hội, chịu lùi bước.

Kinh tế Mỹ “thấm đòn”

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ buộc phải đứng giữa hai lựa chọn, bức tường biên giới hay kinh tế Mỹ, nhằm mở cửa Chính phủ trở lại.

Hiện 9/15 bộ và nhiều cơ quan liên bang khác của Mỹ bị ảnh hưởng bởi tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa, trong đó có các Bộ Tài chính, Ngoại giao, Thương mại, An ninh Nội địa, Tư pháp, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA)… Khoảng 800.000 công chức liên bang đang đi làm mà không được trả lương, trong số đó có thành viên của Quân đội Mỹ. Mặc dù Quốc hội đã cấp đủ ngân sách cho quân đội, nhưng báo Navy Times cho biết, ước tính có tới 43.000 nhân viên Lực lượng Cảnh sát biển của Mỹ đang làm việc không lương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử việc đóng cửa Chính phủ Mỹ làm ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng vũ trang nước này.

Theo ước tính ban đầu của chính quyền ông Trump, cứ mỗi 2 tuần Chính phủ đóng cửa một phần, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Nhà Trắng ngày 15.1 xác nhận lại, cứ mỗi tuần đóng cửa, kinh tế Mỹ giảm đến 0,13 điểm phần trăm tăng trưởng. Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ mất gần 0,5 điểm phần trăm cho gần 4 tuần đóng cửa Chính phủ vừa qua, báo New York Times cho biết.

Tăng trưởng kinh tế quý I.2018 của Mỹ đạt 2,2%. Rủi ro kinh tế đã buộc giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ yêu cầu Ngân hàng Trung ương tạm dừng tăng lãi suất. Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) Delta Air Lines, ông Ed Bastian, dự đoán tình trạng chính phủ đóng cửa một phần sẽ khiến doanh thu tháng 1 của hãng hàng không này giảm 25 triệu USD.

Nhằm giảm thiểu tác động xấu, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đang yêu cầu 46.052 nhân viên xử lý hoàn thuế quay lại làm việc không lương. Tuy nhiên, hãng tin AP cho hay, ngày càng nhiều người lo lắng quá trình hoàn thuế trị giá hàng tỷ USD bắt đầu vào ngày 28.1 tới sẽ bị chậm trễ.

Ngoài kinh tế, ngành ngoại giao Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng. Tại Foggy Bottom, vùng lân cận Thủ đô Washington, và các đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ bất an về thu nhập và cuộc sống, mà còn lo lắng cho các chương trình ngoại giao mà họ đã phải rất vất vả để xúc tiến trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Một nhân viên ngoại giao Mỹ công tác tại châu Phi cho hay, những chương trình ngoại giao nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của Mỹ như cấp học bổng Fulbright, trao đổi văn hóa đến những dự án quan trọng hơn ở khu vực xung đột… tất cả đều bị ngưng trệ do tình trạng Chính phủ đóng cửa.

Rõ ràng, Tổng thống Trump đang đánh đổi các nỗ lực chấn hưng nền kinh tế Mỹ và chính sách “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại”, để bảo vệ bức tường biên giới phía Nam, được coi là biểu tượng và di sản liên quan đến chính sách nhập cư của nhà lãnh đạo này. Trong khi đó, kết quả thăm dò cho thấy, phần lớn cử tri Mỹ cho rằng, Mỹ đang lâm vào khủng hoảng biên giới, nhưng “bức tường” của Tổng thống Trump sẽ không giúp giải quyết vấn đề này.

Theo kết quả thăm do Viện thăm dò quốc gia thuộc Đại học Quinnipiac (bang Connecticut, Mỹ) được tiến hành từ ngày 9 – 13/1, với hơn 1.200 cử tri toàn quốc tham gia, có 63% cử tri Mỹ phản đối tình trạng Chính phủ đóng cửa nhằm buộc cấp kinh phí cho việc xây tường biên giới với Mexico. Trong khi đó, 32% cử tri ủng hộ tình trạng này. Cử tri thuộc đảng Cộng hòa là nhóm duy nhất ủng hộ điều này, với tỷ lệ 67% ủng hộ và 24% phản đối.

Bên cạnh đó, 55% cử tri được hỏi cho rằng, bức tường biên giới với Mexico không giúp nước Mỹ an toàn hơn và 43% cử tri có quan điểm ngược lại. Đáng chú ý hơn, hầu hết người Mỹ phản đối việc Tổng thống liên hệ vấn đề người nhập cư bất hợp pháp với tình trạng tội phạm gia tăng ở Mỹ. Cụ thể, 29% nói rằng những người nhập cư có nhiều khả năng phạm tội hơn so với công dân Mỹ và 63% còn lại nói không. Điều này giúp giải thích tại sao giữa những chỉ trích gay gắt trong thập kỷ qua, vẫn có tới 73% người Mỹ tiếp tục tin rằng người nhập cư làm lợi cho nước Mỹ.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều