Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại: Cuộc chiến chưa kết thúc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lùi bước trong “cuộc chiến ngân sách” với Quốc hội, để Chính phủ Mỹ có thể tạm thời mở cửa trở lại, sau 35 ngày ngừng hoạt động một phần vì hết kinh phí.

Khoan nhượng tạm thời

Tổng thống Mỹ ngày 25/1 đã ký dự luật ngân sách nhằm cung cấp kinh phí hoạt động trong vòng 21 ngày cho các cơ quan Chính phủ liên bang đang bị đóng cửa. Dự luật này không bao gồm khoản tiền 5,7 tỷ USD phục vụ xây tường biên giới với Mexico mà trước đó ông yêu cầu. Quyết định này giúp Chính phủ mở của trở lại trong 3 tuần, trong khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục đàm phán về việc xây tường biên giới.

Báo New York Times dẫn lời các cố vấn của Tổng thống Mỹ cho biết, đến trưa ngày 25/1, ông Donald Trump vẫn sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng ý định này đã vấp phải sự phản đối của lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.

Quyết định lùi bước của ông Donald Trump được đưa ra một ngày sau khi hai dự luật, một của phe Cộng hòa và một của phe Dân chủ, nhằm mở cửa Chính phủ Mỹ trở lại đều thất bại do không hội đủ 60 phiếu cần thiết để được thông qua tại Thượng viện. Các cố vấn của Tổng thống cho hay, ông Donald Trump quá ngán ngẩm và sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn với Quốc hội, ít nhất là tạm thời, để có thể tiến hành buổi lễ đọc Thông điệp liên bang vào ngày 29.1 tới. Trước đó, nhà lãnh đạo Nhà Trắng buộc phải hoãn vô thời hạn kế hoạch đọc thông điệp liên bang tại Quốc hội, theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy, do không bảo đảm được các yêu cầu về an ninh, ảnh hưởng bởi tình trạng chính phủ bị đóng cửa.

Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence và cố vấn cấp cao, đồng thời là con rể Jared Kushner đưa ra những phương án nhằm mở cửa lại Chính phủ. Bốn phương án được đưa ra để ông Donald Trump cân nhắc gồm: Thông qua một dự luật ngân sách trong 3 tuần, bao gồm khoản tiền “đặt cọc” cho kế hoạch xây tường biên giới cho đến khi các đảng phái thương lượng trở lại; thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn không bao gồm khoản tiền trên; thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn và thành lập ủy ban gồm các nghị sĩ lưỡng đảng nhằm xem xét vấn đề an ninh biên giới trước ngày 15.2; hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Sự lùi bước trong cuộc đối đầu ngân sách với phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện Mỹ được coi là thất bại chính trị nặng nề đối với Tổng thống Donald Trump, người trước đó tuyên bố, sẵn sàng đóng cửa Chính phủ chừng nào Quốc hội chưa thông qua thỏa thuận ngân sách bao gồm khoản kinh phí xây tường biên giới như ông yêu cầu. Tuy nhiên, đây cũng là quyết định đúng đắn của người đứng đầu Nhà Trắng, nhằm chấm dứt kịp thời tình trạng Chính phủ đóng cửa dài nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Theo ước tính của S&P Global Ratings, 1 trong 3 công ty xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới, việc Chính phủ liên bang đóng cửa một phần suốt hơn một tháng qua đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 6 tỷ USD. Con số này thậm chí còn lớn hơn mức 5,7 tỷ USD, khoản ngân sách mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu để xây tường biên giới. Chưa kể những ảnh hưởng mà tình trạng đóng cửa Chính phủ gây ra đối với  hơn 800.000 công chức liên bang phải đi làm không lương cũng như cuộc sống của hàng triệu người dân khác trên khắp nước Mỹ. Trong lần đóng cửa kéo dài 21 ngày năm 1995 - 1996, dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, kinh tế Mỹ thiệt hại 2,3 tỷ USD. Lần đóng cửa kéo dài 16 ngày năm 2013 dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama cũng chỉ khiến Mỹ tổn thất 2,6 tỷ USD.

“Phép thử” trong ba tuần

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã mở cửa trở lại, nhưng bất đồng ngân sách giữa Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội vẫn chưa kết thúc. Ba tuần tới sẽ là “phép thử” đối với Tổng thống Donald Trump, khi các phe phái phải đạt được thoả thuận ngân sách trước thời hạn ngày 15.2. Ông Donald Trump đã tuyên bố, nếu các cuộc đàm phán về tường biên giới không có tiến triển, chính phủ sẽ lại đóng cửa hoặc nhà lãnh đạo này sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Theo đó, Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng ngân sách quốc phòng để nối lại hoạt động của Chính phủ đến hết năm tài chính và thực thi dự án xây tường tại biên giới phía Nam mà ông theo đuổi. “Chúng ta thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây một bức tường mạnh mẽ hoặc hàng rào thép”, Tổng thống Donald Trump nêu rõ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận tạm thời, Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện Chuck Schumer đã tổ chức cuộc họp báo chung tại đồi Capitol về bước tiến vấn đề ngân sách. Ông Schumer mô tả, đây là tin tốt đối với những người làm công ăn lương của Chính phủ liên bang; đồng thời bày tỏ hy vọng, ông Donald Trump rút ra được bài học sau lần Chính phủ đóng cửa vừa rồi. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng, sự việc vừa qua cho thấy, Tổng thống Donald Trump đã đánh giá thấp quyết tâm và sự đoàn kết trong nội bộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, cả hai lãnh đạo đảng Dân chủ cũng hy vọng, các bên có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vài tuần tới.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết, sẵn sàng hợp tác thiện chí với các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm đạt thỏa thuận về an ninh biên giới. Mặc dù vậy, bà Pelosi vẫn khẳng định, bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ không bao gồm khoản tiền cho việc xây bức tường mới ở biên giới phía Nam. Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng, bức tường này là không hiệu quả và quá tốn kém.

Giới phân tích cho rằng, với những gì diễn ra ở nước Mỹ thời gian qua thì cuộc chiến ngân sách chính là hệ quả của tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc trên chính trường Mỹ. Tổng thống Donald Trump sẽ phải “chung sống” với một Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát. Trong 2 năm tới, chính trường Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục nhiều sóng gió, với thế đối đầu không khoan nhượng giữa hai đảng cũng như giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol không thể tránh khỏi.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều