Chính sách đa văn hóa của CHLB Đức - thất bại và định hướng mới

(Mặt trận) - Hội nhập các nhóm cộng đồng nhập cư là vấn đề có tính chính trị cao. Trong cuộc bầu cử năm 2005, Chính phủ liên minh của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Đảng Dân chủ Xã hội đã khẳng định quyết tâm cao trong việc giải quyết sự đa dạng văn hóa ngày càng tăng của đất nước...

Thành phố Berlin. Ảnh: ENTREPRENEUR

Chính sách đa văn hóa của Đức

Khái niệm đa văn hóa của Đức đối với người nhập cư được coi là một khái niệm thể hiện tinh thần tự do và nhân đạo, đó là: Giữ lại văn hóa của bạn nhưng thề trung thành với Nhà nước (Đức). Trong khái niệm này, người nhập cư, ví dụ người Thổ Nhĩ Kì, sẽ không được dự kiến hội nhập vào nền văn hóa Đức. Thay vào đó, họ sẽ giữ lại văn hóa riêng của mình, bao gồm cả tôn giáo, và nền văn hóa đó sẽ tồn tại song song với văn hóa Đức. Ở đây có một sự mâu thuẫn giữa sự thừa nhận và thực tế. Tuy từ cuối những năm 1980, chính sách đa văn hóa của Đức đã ra đời, song người Đức vẫn chưa chính thức thừa nhận mình là một quốc gia đa văn hóa. Với hiện thực nhập cư và sự hình thành những cộng đồng nhập cư trong lòng xã hội, từ thập kỉ 1970, Đức đã dần chuyển đổi thành một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa nhưng đến năm 2005, Chính phủ Liên bang vẫn tuyên bố Đức không phải là một đất nước nhập cư. Trên thực tế, Đức đã chuyển đổi từ một quốc gia hướng tới chủ nghĩa dân tộc với dòng máu tinh khiết và văn hóa đơn nhất sang một đất nước thừa nhận, ở mức độ nào đó, đa văn hóa.

Hội nhập các nhóm cộng đồng nhập cư là vấn đề có tính chính trị cao. Trong cuộc bầu cử năm 2005, Chính phủ liên minh của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Đảng Dân chủ Xã hội đã khẳng định quyết tâm cao trong việc giải quyết sự đa dạng văn hóa ngày càng tăng của đất nước. Đầu năm 2005, Đức đã thông qua Đạo luật Cư trú mới, trong đó công nhận Đức là một “quốc gia nhập cư” và đa văn hóa - dấu mốc quan trọng trong sự thừa nhận người nhập cư là một bộ phận chính thức của quốc gia.

Chính sách đa văn hóa được thực hiện ở cấp Trung ương hoặc cấp khu vực và cấp thành phố, với sự tham vấn của các cộng đồng dân tộc.

Về quốc tịch, Đức đã có những điều chỉnh để tạo điều kiện cho người nước ngoài được nhập tịch. Luật Quốc tịch 1998 cho phép công dân được mang hai quốc tịch (hạn chế), nhưng trẻ em có nguồn gốc nhập cư phải lựa chọn một quốc tịch duy nhất trước khi đến tuổi 23. Năm 2000, Đức đã nới lỏng chính sách công dân, cho phép một đứa trẻ sinh ra tại Đức có thể mang quốc tịch nước này (theo một số điều kiện nhất định)1. Sau khi pháp luật quốc tịch được cải cách năm 2014, quy định công nhận 2 quốc tịch được đưa ra áp dụng. Con của bố mẹ là người nước ngoài, sinh ra sau năm 1990 tại Đức và lớn lên tại Đức, không phải chọn một trong hai quốc tịch nữa. Đối với người di cư muốn nhập tịch, yêu cầu khắt khe hơn, họ phải qua được bài kiểm tra về ngôn ngữ, kiến thức về các giá trị và chuẩn mực của đất nước, cam kết tuân theo luật pháp của Đức và từ bỏ quốc tịch cũ của mình. Đây là sự thay đổi chính sách thực tế về chấp nhận đất nước Đức có những cộng đồng có nguồn gốc không phải dân tộc Đức2.

Về hòa nhập, Đức khẳng định rằng việc hòa nhập văn hóa của cộng đồng nhập cư là nghĩa vụ từ hai phía: Chính phủ và người nhập cư. Văn phòng Liên bang về Di cư và Tị nạn là cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm về người nhập cư và các cộng đồng dân tộc. Nghĩa vụ pháp lý chính của Chính phủ về hội nhập người nhập cư được đưa ra trong Điều 43 của Luật Cư trú, trong đó quy định rằng hòa nhập là nghĩa vụ của cả người nhập cư và Chính phủ. Người nhập cư phải học để có đủ hiểu biết về đời sống Đức thông qua một khóa học hội nhập cơ bản để có thể sống không cần sự trợ giúp. Phía Chính phủ có trách nhiệm phát triển kế hoạch hòa nhập (Kế hoạch Hòa nhập Quốc gia được đưa ra vào năm 2007). Tuy nhiên việc thực thi Kế hoạch này chưa đáp ứng được nhu cầu của người nhập cư. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã thất vọng về một số yêu cầu, bao gồm những vấn đề liên quan đến kỹ năng ngôn ngữ.

Theo quan điểm của Chính phủ Đức, hòa nhập là một sự kết hợp của “thúc đẩy và đòi hỏi”, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người, từ cả Chính phủ và xã hội đến từng cá nhân. Vấn đề mang tính quyết định là người nhập cư phải sẵn sàng tham gia vào cuộc sống xã hội Đức, chấp nhận vô điều kiện Luật Cơ bản và toàn bộ hệ thống pháp luật của Đức, đặc biệt phải chứng minh một cá nhân thuộc về nước Đức bằng cách học tiếng Đức. Đây là một yêu cầu được nhấn mạnh trong chính sách đa văn hóa. Người nhập cư mới phải tham gia các khóa học tiếng khoảng 600 - 900 giờ. Kinh phí do Chính phủ tài trợ một phần và người học phải đóng góp phần còn lại. Những người nhập cư vào Đức trước thời điểm cải cách năm 2005 không có quyền tham gia các khóa học này, nhưng họ có thể được cho phép tham gia, hoặc buộc phải làm như vậy nếu đang thất nghiệp. Xã hội sở tại phải chấp nhận, cam kết dân sự và sẵn sàng hoan nghênh những người có nguồn gốc nhập cư sinh sống hợp pháp trong đất nước, xã hội Đức. Chính phủ Liên bang cũng nhìn nhận rằng những khả năng đa dạng của các cộng đồng nhập cư đã không được ghi nhận đầy đủ và phát huy hiệu quả và mong muốn thay đổi điều này trong tương lai.

Các chương trình xã hội, Đức đã có các chương trình hội nhập dành cho các cộng đồng và người nhập cư như Chương trình hành động của Chính phủ Liên bang và các bang hỗ trợ đối thoại liên văn hóa và đa dạng văn hóa (1999), Chương trình Xã hội và Dân tộc khác nhau cùng chung sống (1999). Bên cạnh đó, hơn 1.000 hiệp hội người nhập cư có vai trò quan trọng trong nỗ lực hòa nhập quốc gia. Chính phủ Đức đã công nhận vai trò của các hiệp hội này trong việc thực hiện các chính sách hội nhập và nhập cư. Nhà nước Liên bang và các bang cung cấp tài chính cho các chương trình hòa nhập văn hóa cho người nhập cư. Năm 2007, Kế hoạch Hội nhập Quốc gia dành 750 triệu EUR để hỗ trợ và phát triển hòa nhập cho người nhập cư.

Trong khi đặt ra trách nhiệm của chính quyền Liên bang, vai trò của địa phương cũng được nhấn mạnh. Kế hoạch Hội nhập quốc gia đã cam kết kinh phí cho các thành phố và các tổ chức để họ có thể cung cấp các kế hoạch hội nhập cho di dân. Một số thành phố như Frankfurt, Stuttgart đã có hoạt động tích cực.

Về giáo dục, tại Đức, giáo dục là một trách nhiệm quốc gia. Tuy nhiên giáo dục bất buộc không dành cho con cái các gia đình tị nạn trong tình trạng cư trú “dung nạp” không ổn định và có tính tạm thời (không giống với những người nhập cư cư trú ổn định lâu dài, những người trong tình trạng cư trú dung nạp được trông đợi sẽ trở về đất nước ban đầu của họ), cũng như không dành cho con của người di cư không có giấy tờ. Nước Đức không thực hiện các chương trình giáo dục liên văn hóa cũng như không có chương trình giảng dạy đặc biệt dành cho các nhóm dân tộc thiểu số.

Năm 1996, Nghị quyết về giáo dục đa văn hóa đã được Hội nghị Thường vụ Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa các bang (KMK) thông qua. Theo đó, giáo dục đa văn hóa là mối quan tâm đối với các nhóm thiểu số và xã hội sở tại; học sinh nên nhận thức được văn hóa xã hội của bản thân và có kiến thức về các nền văn hóa khác, phát triển ý thức ham hiểu biết, sự cởi mở và hiểu biết về các nền văn hóa khác, tôn trọng sự khác biệt, thể hiện lập trường và giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ sự sát nhập dân tộc, văn hóa hoặc tôn giáo một cách hòa bình. Kế hoạch Hòa nhập quốc gia 2007 đã nhắc lại một số ý tưởng này và cam kết phát triển một hệ thống giáo dục quốc gia “mở ra cơ hội phát triển và tiềm năng”, chú trọng phát triển “năng lực liên văn hóa” của trẻ em di cư... như là khả  năng để hòa hợp và thành công trong xã hội Đức - chứ không phải là về đa văn hóa cho mỗi cá nhân. Kế hoạch này không đưa ra một đề nghị cụ thể nào về giáo dục, nội dung chương trình giảng dạy hoặc vị trí của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, nhìn chung là không phản ánh bất kỳ sự chấp nhận thực tế, hoặc cách tiếp cận, về sự khác biệt và không đồng nhất văn hóa.

Tuy vậy, các nhà trường cũng thiết kế những chương trình giảng dạy cho học sinh nhập cư bằng ngôn ngữ thứ nhất hay tiếng mẹ đẻ của họ (do giáo viên nhập cư đảm nhận) và coi đây là bước chuẩn bị cần thiết để nhóm này có thể học tập tốt bằng tiếng Đức. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những lớp học này trở thành cố định và học sinh không chuyển vào lớp tiếng Đức. Trong một hướng tiếp cận khác, một số bang không cho phép tồn tại các lớp học này vì cho rằng nó cản trở việc hội nhập. Một số thành phố đã có bước tiến mới khi thiết kế chương trình giảng dạy song ngữ như Hamburg. Song ngữ không chỉ đơn giản là một phương tiện để tạo thuận lợi cho việc học tập mà còn là một cách để bảo tồn và nâng cao bản sắc văn hóa của sinh viên (ở đây là sinh viên gốc Thổ Nhĩ Kỳ).

Theo đánh giá, người nhập cư ở Đức ngày càng hòa nhập tốt hơn. Từ năm 2007, tỉ lệ người nhập cư có việc làm tăng 5%, mức tăng cao nhất trong OECD. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, nhất là trong giáo dục đào tạo. Vấn đề khó khăn là tỉ lệ thanh thiếu niên gốc nước ngoài trình độ đọc, viết tiếng Đức kém khá cao. Hơn 30% thanh niên nước ngoài từ 20 - 29 tuổi không qua đào tạo nghề nghiệp. Gia tăng tỉ lệ tham gia vào hệ thống giáo dục đào tạo của nhóm đối tượng này là một mục tiêu quan trọng của Chính phủ Liên bang3. Tuy vậy, Đức vẫn phải thừa nhận chính sách đa văn hóa đã thất bại.

Sự thất bại của chính sách đa văn hóa

Tại Hội nghị của các đảng viên trẻ Liên minh Dân chủ Cơ đốc ngày 16/10/2010, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố chính sách đa văn hóa của nước này đã hoàn toàn thất bại. Bà Merkel cũng cho rằng làn sóng nhập cư ồ ạt đã cản trở sự phát triển của nền kinh tế Đức, mặc dù nước này rất cần các chuyên gia chứ không phải là những lao động chỉ nhằm thu lợi kinh tế tại Đức4.

Đa văn hóa là một hiện tượng xã hội có từ thuở xa xưa. Khi có các nền văn hóa tiếp xúc và tiếp biến với nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng đa văn hóa. Nhưng chỉ đến xã hội ngày nay, đa văn hóa mới trở thành một lý thuyết, thậm chí một cương lĩnh hành động. Nó bắt nguồn từ xã hội đa văn hóa của Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) giữa những năm 60 thế kỉ 205. Ngược lại với Bắc Mỹ, các nước châu Âu vốn hình thành và phát triển trên cơ sở dân tộc - quốc gia, văn hóa đơn nhất đã khó khăn hơn nhiều trong quá trình thừa nhận một xã hội đa văn hóa.

Thứ nhất, về khái niệm của người Đức, đa văn hóa được coi là một khái niệm tự do và nhân đạo khi cho phép người di cư giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc của họ nhưng phải cam kết trung thành với Nhà nước Đức. Khi thừa nhận một nền văn hóa của các cá nhân tồn tại song song với nền văn hóa Đức, chính người Đức đã không lường được điều này dẫn tới một số lượng lớn người nhập cư không thể nói tiếng Đức và không chia sẻ các giá trị của Đức và châu Âu.

Căn nguyên sâu xa là ở chỗ người Đức không muốn, hay chính xác hơn là không biết làm thế nào để đồng hóa người nước ngoài về mặt văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và đạo đức. Đây chỉ là cách để trốn tránh câu hỏi: giá trị Đức là gì và người nước ngoài phải làm gì để thực sự trở thành người Đức? Sau Thế chiến II, cụm từ “văn hóa thống trị” bị tránh nhắc đến trong một nỗ lực chung xóa đi ấn tượng về đệ tam đế chế, về một dân tộc “thượng đẳng” hiếu chiến; đồng thời vấn đề bản sắc, giá trị văn hóa, dân tộc cũng ít được đề cập. Nước Đức nỗ lực định hình lại hình ảnh của mình, tích cực hội nhập vào Liên minh Châu Âu, hướng đến một giá trị châu Âu để tránh đối đầu với câu hỏi về chủ nghĩa dân tộc. Do đó đa văn hóa trở thành một con đường dễ đi cho Chính phủ. Người nhập cư được giữ lại bản sắc văn hóa của mình nhưng phải chấp nhận luật pháp Đức, thề trung thành với Nhà nước Đức. Điều này dẫn đến tồn tại trong xã hội những nhóm, cộng đồng thiểu số sống trong những khu ổ chuột trung thành với những giá trị của mình, không sẵn sàng và không thể hòa nhập vào xã hội và văn hóa sở tại, điển hình là người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kì. Chính sách đa văn hóa như là một biện pháp “chấp nhận” hiện thực của Đức nhằm mua được lòng trung thành của người nhập cư nhưng thực tế chứng minh đã đem lại hiệu quả ngược do một số cộng đồng nhập cư không thể và không muốn hòa nhập vào văn hóa Đức.

Thứ hai, vấn đề nguồn gốc dân tộc. Trong khi chính sách đa văn hóa của Mỹ, Canada, Australia thành công thì mô hình đa văn hóa của Đức nói riêng, châu Âu nói chung lại thất bại, người nhập cư vẫn là người nhập cư còn người Đức vẫn là người Đức. Thực tế, quan điểm về dân tộc của châu Âu khác xa so với quan điểm của các quốc gia hiện đại kiểu mới. Là một quốc gia trẻ, vùng đất hứa của những người tìm kiếm vận may trên khắp thế giới, nước Mỹ về bản chất là một quốc gia của những người nhập cư, với nền văn hóa chủ đạo hay nền văn hóa thống trị mà người nhập cư phải hội nhập. Do đó, khi nhắc tới Mỹ, người ta vẫn nghĩ tới một quốc gia đa văn hóa. Bất cứ ai cũng có thể trở thành người Mỹ miễn là họ chấp nhận ngôn ngữ và nền văn hóa thống trị của quốc gia này. Chính sách này tạo cơ hội cho người nhập cư có thể giữ được bản sắc văn hóa riêng nhưng bắt buộc họ phải tuân theo một số giá trị chung. Mọi người nhập cư đều có thể nhập quốc tịch Mỹ với một điều kiện là họ phải cam kết trung thành với nước Mỹ và tuân thủ những giá trị chung của Mỹ.

Châu Âu có lịch sử phát triển lâu đời. Bên cạnh việc chia sẻ giá trị châu Âu nói chung, mỗi quốc gia có lịch sử và giá trị văn hóa của riêng mình. Việc sở hữu quốc tịch Đức, nói tiếng Đức và thích nghi với các giá trị bản địa không khiến một người trở thành người Đức. Một người chỉ có thể là người Đức nếu có bố mẹ, hay bố hoặc mẹ mang dòng máu Đức, có nghĩa là chia sẻ nguồn gốc, cùng chung lịch sử, văn hóa - điều mà một người nhập cư không bao giờ có được. Sự hỗ trợ của chính quyền dành cho người nhập cư đã biến thành sự ác cảm trong công chúng bản địa đối với một số nhóm nhập cư và dân tộc thiểu số. Về phía người nhập cư, được phép giữ bản sắc văn hóa của mình tạo điều kiện cho họ co lại trong ốc đảo riêng, trở nên xa rời nền văn hóa Đức. Hình thành những khu vực riêng của cộng đồng nhập cư ở các thành phố Đức. Đây cũng là thực trạng chung ở các nước châu Âu khác. Thậm chí một số người Hồi giáo còn tham gia vào các phong trào khủng bố chống lại châu Âu. Như vậy, mô hình đa văn hóa được đưa vào thực hiện như một chiến lược của các chính trị gia. Có vẻ như ngay cả khi đó, các ý tưởng đa văn hóa đã trở thành nạn nhân của một số vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc, nghèo đói, gia tăng tỉ lệ tội phạm và tình trạng thất nghiệp, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố...6.

Thứ ba, về tôn giáo, Đức là cái nôi của đạo Tin lành với cuộc cải cách tôn giáo lịch sử của Luther Martin. Những truyền thống, niềm tin, giá trị lễ hội tôn giáo được tự hào, gìn giữ, tiếp nối bởi cộng đồng và mỗi người dân Đức. Điều này là tương tự trong các tôn giáo khác. Tuy vậy, cộng đồng nhập cư lớn nhất trong nước Đức là người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kì. Mặc dù trên thế giới hiện có 57 quốc gia theo đạo Hồi, nhưng người Hồi giáo không được định danh đầu tiên bằng quốc gia - dân tộc mà bằng tôn giáo, tức là yếu tố quốc gia - dân tộc bị đặt xuống dưới yếu tố tôn giáo, ngược lại với tất cả các tôn giáo khác. Và những giá trị này đối với người Hồi giáo hầu như không thể thay đổi. Đại đa số những người Hồi giáo đã định cư lâu năm ở châu Âu có những giá trị không chỉ khác biệt mà còn trái ngược với châu Âu. Những kinh nghiệm thực của châu Âu về người Hồi giáo hầu hết đều rất tiêu cực. Phần lớn người Hồi giáo sống cô lập với phần còn lại của châu Âu trong những khu phố Hồi giáo, không hòa nhập vào xã hội và văn hóa sở tại. Mặc dù là người nhập cư song họ không chấp nhận thay đổi để phù hợp mà họ đòi hỏi xã hội sở tại phải điều chỉnh cho phù hợp với mình. Chẳng hạn nước Đức đã cho phép nữ giáo viên người Hồi giáo mang khăn trùm đầu khi lên lớp và có những nhượng bộ khác về nghi lễ cầu nguyện… Con số thất nghiệp trong người nhập cư lớn hơn người bản địa, họ sống bằng trợ cấp xã hội do đó mức sống thấp hơn, trong những khu vực văn hóa biệt lập gây ra mặc cảm, sự hằn học về vị thế xã hội thấp kém đồng thời khó khăn trong hòa nhập xã hội, nhất là đối với những thế hệ người Hồi giáo sinh ra và lớn lên tại Đức. Không những vậy, thế hệ Hồi giáo trẻ này thường là những người chống đối Tây phương cực đoan nhất. Sự kiện tấn công khủng bố 9/11 ở Mỹ được lên kế hoạch bởi những người di cư Hồi giáo ở châu Âu, có người sinh ra ở Đức, có người đã sống ở đó nhiều năm liền. Muhammad Atta, kẻ tấn công trên máy bay, cùng Ramzi bin al-Shibh, Ziad Jarrah, Said Bahaji và Marwan al-Shehhi đã sinh sống ở Đức từ 5 đến 8 năm. Bahaji được sinh ra ở Đức.

Theo New York Times, ước tính trong năm 2014, có hơn 4.000 người Hồi giáo đã bỏ châu Âu để tới Syria để gia nhập IS. Một nghịch lý nhưng không khó giải thích là trong khi những người Hồi giáo ở Trung Đông chạy sang nương nhờ châu Âu vì muốn có một cuộc sống no ấm và an toàn, thì nhiều người Hồi giáo, nhất là thanh niên vốn có cuộc sống dư dả ở châu Âu lại quay sang Syria vì muốn tìm một nơi chốn họ thuộc về. Nơi đó, đối với họ, không phải là một châu Âu đa dạng và cởi mở7.

Định hướng mới về đa văn hóa của Chính phủ Đức

Nước Đức đã hai lần lập kỉ lục về đón nhận người nhập cư (năm 1992: 438.000 người; năm 2015 đón gần 1 triệu người từ Syria, Iraq, Iran, Bờ Biển Ngà, Guinea-Bissau… và nhiều quốc gia khác đến định cư). Theo một quan chức phụ trách ở Vụ Hội nhập (Ủy ban Chính phủ Liên bang Đức về Nhập cư, Di cư và Hội nhập, Bộ Ngoại giao Đức), mỗi ngày có khoảng 10.000 người đứng ở cửa biên giới xin tị nạn vào nước này8. Năm 2016, do chế độ tị nạn và trợ cấp xã hội rộng rãi, dòng người tị nạn vẫn tiếp tục đổ đến Đức. Dù muốn hay không, những cộng đồng người nhập cư đã dần dần tạo ra những biến đổi trong xã hội Đức.

Sau phát biểu chỉ trích chính sách đa văn hóa năm 2010, ngày 14/12/2015, bà Merkel đã nhìn nhận chính sách đa văn hóa là một sự giả dối9. Nếu khái niệm đa văn hóa được kêu gọi áp dụng để các nhóm cộng đồng trong xã hội Đức có thể sống hạnh phúc bên nhau, thì mong muốn người nhập cư nhanh chóng học tiếng Đức, đồng hóa với các giá trị và văn hóa Đức và tôn trọng luật pháp nước Đức đã hoàn toàn thất bại. Tình trạng dòng người tị nạn ồ ạt đổ đến châu Âu nói chung, Liên bang Đức nói riêng và những vụ quấy rối tình dục dịp Giáng sinh 2015, tấn công khủng bố năm 2016... Ở Đức đã khiến vấn đề hội nhập người nhập cư trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bà Merkel đã trở nên cứng rắn hơn trong việc trục xuất những người không đủ tiêu chuẩn tị nạn, đồng thời ủng hộ việc cấm khăn che mặt hoàn toàn của người Hồi giáo10.

Chính phủ của bà Merkel đã nỗ lực xây dựng và thông qua gói dự luật hội nhập cho người di cư, tạo điều kiện cho người di cư và người tị nạn có việc làm và hội nhập vào nền kinh tế, văn hóa, xã hội của Đức. Dự luật này đồng thời gắn trách nhiệm của họ trong quá trình hội nhập vào xã hội Đức, hi vọng người di cư sẽ nắm bắt được cơ hội để hội nhập thành công. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Andrea Nahles và Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere, hội nhập là một yêu cầu và đồng thời là một nghĩa vụ mà người nhập cư phải nỗ lực thực hiện. Luật mới sẽ xác định hỗ trợ nhà nước đối với người nhập cư, đồng thời yêu cầu những nghĩa vụ của họ. Luật cũng nêu ra chi tiết những hậu quả pháp lý mà người tị nạn phải chịu nếu không nỗ lực học tiếng Đức và không trở thành một bộ phận của xã hội Đức. Dự kiến, Hạ viện Đức sẽ thảo luận và thông qua luật vào tháng 7/2017. Như vậy, người di cư phải chấp nhận, tôn trọng nền văn hóa bản địa Đức, hòa nhập trở thành nghĩa vụ của họ.

Người tị nạn phải học tiếng Đức và tham gia khóa đào tạo hội nhập 3 năm. Nếu một người xin tị nạn muốn có giấy phép cư trú, người đó phải chứng minh mình đủ kiến thức về tiếng Đức và có thể kiếm đủ tiền để tự nuôi thân. Một người tị nạn có tiếng Đức đạt mức độ xuất sắc sẽ được cấp thị thực vĩnh viễn trong vòng 3 năm. Các thủ tục thông thường đòi hỏi ứng viên phải sống ở Đức ít nhất là 5 năm trước khi nộp đơn xin thị thực vĩnh viễn. Đối với trẻ em tị nạn, những lớp học đặc biệt được mở tại các trường tiểu học. Trẻ được dạy về tiếng Đức, về cuộc sống và những giá trị cần tôn trọng ở Đức.

Luật mới cũng trao thêm quyền cho các tiểu bang trong việc xác định nơi người nhập cư có thể sống. Quy định này sẽ giúp tránh tình trạng người nhập cư tập trung quá đông ở các khu vực nhất định. Với những người tị nạn không muốn tham gia các chương trình hội nhập như khóa học tiếng Đức, các hỗ trợ sẽ bị giảm.

Bên cạnh đó, Đức cũng có những chương trình để giúp người nhập cư thực sự hiểu và tham gia vào xã hội Đức như các chương trình kết nối văn hóa, đặc biệt là một chương trình truyền hình song ngữ Arab - Đức có tên “Marhaba”, nghĩa là “Chào mừng”, nhằm tạo cầu nối văn hóa giúp người nhập cư hòa nhập, đã được lên sóng. Ở đó, khách mời sẽ là những người nhập cư mới tới Đức, trao đổi mọi thứ về cuộc sống mới với người dân, từ cách người Tây Âu ăn mừng Giáng sinh cho tới những câu chuyện lớn lao hơn như là tự do tôn giáo, khác biệt văn hóa, bình đẳng giới11. Người nhập cư phải xác định mình sẽ tham gia vào một xã hội nơi xúc xích, thịt lợn là một món ăn dân tộc, đất nước được lãnh đạo bởi một người phụ nữ - con gái của một mục sư Tin lành đã đề cao lòng vị tha, nhân ái của Thiên Chúa giáo và cũng được tin là người bảo vệ các giá trị châu Âu, cũng như người dân ở đây có nhiều thói quen và văn hóa khác biệt, nhất là đối với người Hồi giáo12.

Như vậy, việc thừa nhận sự thất bại của chính sách đa văn hóa và cuộc khủng hoảng nhập cư đã thúc đẩy Chính phủ của bà Merkel tìm ra một lối đi mới để bảo vệ đất nước và công dân Đức, bảo vệ nền văn hóa của mình và cả phần lớn những người tị nạn vô tội khác ở Đức. Với chính sách thắt chặt tị nạn, nhập cư và những yêu cầu, hỗ trợ người tị nạn hội nhập vào văn hóa, xã hội Đức, nước này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm: từ chỗ giữ lại văn hóa của mình và thề trung thành với Nhà nước đã tiến tới yêu cầu hòa nhập vào vào văn hóa, xã hội Đức, chung sống hòa bình và hòa hợp, tránh những trường hợp tự cô lập khỏi văn hóa bản địa. Mặt khác, có thể nhìn nhận đây là biến chuyển lớn trong việc thừa nhận Đức là đất nước đa văn hóa vì với những chính sách như vậy, người nhập cư sẽ trở thành một bộ phận của xã hội Đức. Ở một góc nhìn khác, nhập cư sẽ làm nước Đức thay đổi mạnh mẽ về mặt nhân chủng học: sau một vài thập kỷ nữa, người Đức sẽ có thêm nhiều gốc gác.

ThS. Trần Thị Khánh Hà

Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn tham khảo:

1. Luật Quốc tịch thể hiện rất rõ, CHLB Đức không phải một đất nước nhập cư như Mĩ. Nếu Mĩ cho phép trẻ sơ sinh ra đời trên nước Mĩ được nhập quốc tịch thì theo Điều 4 Luật Quốc tịch Đức, trẻ em sinh ra tại Đức được mang quốc tịch Đức với một số điều kiện khá khắt khe.

2. Đức là một trong những quốc gia xét duyệt hồ sơ định cư khó nhất thế giới, người nhập cư muốn vào Đức phải trải qua nhiều vòng xét duyệt khác nhau.

3. https://www.tatsachen-ueber-deutschland.de/vi/loai/xa-hoi/kien-tao-nhap-cu.

4. Đức: Chính sách “đa văn hóa” thất bại, http://tgvn.com.vn/duc-chinh-sachda-van-hoa-that-bai-17294.html, 24/10/2010.

5. Xem thêm: Nicolas Journet (Nhật Anh dịch), Đa văn hóa như một lý thuyết xã hội hiện đại, http://www.vanhoahoc.vn/nghiencuu/ly-luan-van-hoa-hoc/llvhh-nhung-van-de-chung/2297-nicolas-journet-da-van-hoa-nhu-la-mot-ly-thuyet-xa-hoi-hien-dai.html, ngày 1/10/2012.

9. Multiculturalism is a sham, says Angela Merkel, https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2015/12/14/angelamerkel-multiculturalism-is-a-sham/, December 14, 2015.

10. Merkel sụt hy vọng tái đắc cử sau vụ tấn công Berlin, http://vneconomy.vn/the-gioi/merkel-sut-hy-vong-tai-dac-cu-sau-vu-tancong-berlin-20161221095620174.htm, ngày 21/12/2016.

11. Đức ra mắt chương trình truyền hình dành cho người nhập cư, http://vtv.vn/tin-tuc/duc-ra-mat-chuong-trinh-truyen-hinhdanh-cho-nguoi-nhap-cu-20160114093125056.htm, 14/1/2016.

12. Nước Đức: Khi niềm tin bị đánh cắp, http://baoquocte.vn/nuoc-duc-khi-niem-tin-bi-danh-cap-41887.html, ngày 29/12/2016.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều