Chính sách phát triển nguồn nhân lực ở một số nước - Trung Quốc: Thả con săn sắt bắt con cá rô

Cách đây 8 năm, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, xếp sau Mỹ. Đã từng có nhiều dự báo cho rằng đến khoảng năm 2030, ngôi vị đầu bảng sẽ về tay đất nước gấu trúc. Sự trỗi dậy mãnh liệt đó một phần là nhờ việc áp dụng những chính sách phát triển nguồn nhân lực linh hoạt với thời cuộc, đặc biệt là thu hút nhân tài.

Tầm nhìn xa

Bất kể thời kỳ lãnh đạo nào, Trung Quốc đều hết sức quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước. Với dân số hơn 1 tỷ người, nước này đang sở hữu một nguồn nhân lực vô cùng dồi dào. Làm thế nào để năng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế tri thức là bài toán mà chính quyền Bắc Kinh luôn trăn trở.

Ngay từ năm 2003, trong Đại hội lần thứ XVI của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra Chiến lược tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài nhằm phấn đấu xây dựng một xã hội khá giả toàn diện. Nội dung của chiến lược là: Lấy nhân tài chấn hưng đất nước, xây dựng đội ngũ đông đảo nhân tài có chất lượng cao, kiên trì đổi mới sáng tạo, nỗ lực hình thành cơ chế đánh giá và sử dụng nhân tài một cách khoa học...

5 năm sau, Chính phủ khởi động Kế hoạch Phát triển nhân tài quốc gia trung và dài hạn (2010 - 2020), với mục tiêu phát triển nhân tài bền vững từ gốc, nghĩa là cải cách giáo dục từ mầm non, thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị, phát triển văn hóa cho dân tộc thiểu số và vùng dân tộc. Trong đó, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học được đặt ở vị trí trung tâm. Theo các khảo sát mới nhất, hiện đang có tới 7 trường đại học danh tiếng của Trung Quốc nằm trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Điều này đã góp phần giúp Trung Quốc đào tạo được một lực lượng lao động tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Nguồn nhân lực trình độ cao đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt cuộc sống

Cho đi để nhận lại

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, Trung Quốc cũng không quên thu hút nhân tài từ những du học sinh của mình đang học tập tại nước ngoài. Trước đây, tình trạng chảy máu chất xám diễn ra nhức nhối do các du học sinh Trung Quốc luôn cố tìm cách ở lại quốc gia sở tại để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng đó đang dần đảo ngược. Tất cả là nhờ nhiều biện pháp ứng phó mà Trung Quốc áp dụng, chẳng hạn như đối sách “Brain Loss, Brain Gain” (hiểu nôm na là thả con săn sắt bắt con cá rô). Theo Wikipedia, đối sách này nghĩa là chấp nhận chảy máu chất xám ban đầu để thu lại chất xám về sau, chính phủ khuyến khích học sinh du học và làm việc ở nước ngoài, thậm chí nhập quốc tịch hay kết hôn với người nước ngoài. Sau đó, nhờ khơi gợi niềm kiêu hãnh về bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc, kết hợp với đưa ra những chính sách ưu đãi đặc biệt, Chính phủ đã vận động khá thành công lực lượng trí thức, doanh nhân mang tri thức khoa học, công nghệ cao và tư bản về nước. Hiện những ông lớn Trung Quốc tầm cỡ như Alibaba, Baidu, Tencent nổi tiếng với mảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, đã hút được rất nhiều tài năng công nghệ gốc Hoa từ phương Tây trở về Trung Quốc làm việc.

Không chỉ tập trung vào giới trẻ, các nhà lãnh đạo trong nước còn đặc biệt chú ý tới việc thu hút những chuyên gia, nhà khoa học có tên tuổi là người Trung Quốc, hiện đang làm việc tại nước ngoài trở về quê hương. Đáng kể nhất là dự án với tên gọi “Chương trình hàng nghìn người tài” được triển khai từ năm 2008 với sự phối hợp giữa những cơ quan hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Chương trình trên đặt mục tiêu thu hút 2 nghìn nhân tài về nước trong vòng 5 - 10 năm. Kết quả là số lượng giáo sư hồi hương trong giai đoạn 2008 - 2016 cao gấp 20 lần so với tổng số giáo sư quay lại trong ba thập kỷ từ 1978 - 2008.

Không quên nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Trong Kế hoạch Phát triển nhân tài quốc gia trung và dài hạn (2010 - 2020), Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển văn hóa và nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và vùng dân tộc. Đây là khu vực có nền kinh tế chậm phát triển nên muốn giàu mạnh rất cần nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng. Trung Quốc nhận thức rằng, cán bộ dân tộc thiểu số là nhịp cầu nối quan trọng giữa nhà nước và người dân các dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc. Do thông thạo ngôn ngữ, lịch sử, truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc nên đội ngũ cán bộ trên rất cần được đào tạo để trở thành “tài đức vẹn toàn”. Nhờ đó, họ sẽ có khả năng truyền tải, hướng dẫn, động viên bà con ở địa phương không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tự phát triển trong nền kinh tế thị trường để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Chính vì coi việc đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ mang tính cơ sở và chiến lược nên Trung Quốc rất quan tâm mở các lớp tập huấn, các trường đại học và cao đẳng đào tạo cán bộ dân tộc hay các lớp dân tộc tại các trường này… Thực tế, ngay từ năm 2006, đất nước gấu trúc đã thực thi “Chương trình bồi dưỡng cán bộ người tài cấp cao cốt cán là người dân tộc thiểu số”, tạo điều kiện cho họ được đi học thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Tính đến năm 2009, chương trình trên đã tuyển được 4.700 người, tổng số thạc sĩ và nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ đã lên tới hơn 7.900 người… 

Theo Linh Anh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều