Chuyển đổi số giúp phụ nữ vươn lên trước những thách thức bình đẳng giới

(Mặt trận) - Trên thế giới, các cuộc khủng hoảng tiếp tục gây ra những tổn thất to lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đại dịch Covid-19 và những tác động lâu dài của nó vẫn đang là một trong những thách thức. Nhiều phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc làm, gánh nặng công việc chăm sóc gia đình, con cái. Đối với những phụ nữ có hoàn cảnh sống bấp bênh, nhất là phụ nữ da màu, phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, nông thôn thì thách thức về kinh tế còn khó khăn hơn. Song, với chuyển đổi số hiện nay đang cung cấp những cách tiếp cận mới để trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đóng góp vào tiến trình bình đẳng giới mạnh mẽ hơn.
Bình đẳng giới trong thời kỳ số hóa là một vấn đề đang được quan tâm.
ẢNH: UN TRUST FUND/PHIL BORGES 
Trong những năm qua, phụ nữ làm việc trong các ngành công nghiệp tiếp tục phải chịu đựng những thách thức do đại dịch và thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gây ra, từ tỷ lệ bỏ việc cao kỷ lục đến khoảng cách lương so với nam giới ngày càng tăng. Rõ ràng là chỉ nhận thức được những vấn đề này là không đủ để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa đối với phụ nữ khi tham gia vào thị trường lao động. Điều này đặc biệt đúng với nhiều phụ nữ da màu, những người đang rời bỏ lực lượng lao động ở cấp cao do tính linh hoạt hạn chế, thiếu cơ hội thăng tiến và thiếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ, các công ty có hơn 30% giám đốc điều hành là nữ thường có xu hướng hoạt động tốt hơn các công ty có tỷ lệ lãnh đạo nữ thấp hơn, cũng như những công ty có ít, hoặc không có nữ giám đốc điều hành. Báo cáo “Phụ nữ ở nơi làm việc 2022” của hãng McKinsey cũng cho thấy rằng, các nhà lãnh đạo nữ có nhiều khả năng hơn các đồng nghiệp nam ở các vị trí cấp cao trong việc thể hiện quan điểm công khai về bình đẳng giới và chủng tộc tại nơi làm việc, họ cũng có nhiều khả năng trở thành người cố vấn và tài trợ cho những người phụ nữ khác (đặc biệt là phụ nữ da màu) và họ tận tâm hơn trong việc ủng hộ các chính sách và chương trình thân thiện với nhân viên, có thể giúp thu hút và giữ chân những nữ nhân viên khác trong thời gian dài.

Để tạo ra những nơi làm việc có môi trường bình đẳng và hòa nhập hơn cho phụ nữ nhằm giải quyết những thách thức mà họ đang phải đối mặt, các nhà tuyển dụng cần thay đổi từ cốt lõi để xây dựng môi trường nơi phụ nữ có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là trong môi trường làm việc từ xa và kết hợp hiện nay. Điều này bắt đầu bằng cách hiểu rõ hơn về mục đích của người lao động và điều chỉnh các chiến lược tuyển dụng và chính sách thu hút nhân tài.

Trong các yếu tố giúp thu hẹp khoảng cách về giới là sự gia tăng của quá trình số hóa diễn ra để đối phó với các đợt đóng cửa kéo dài trong thời kỳ đại dịch. Cách tiếp cận thông thường để thu hẹp khoảng cách về giới luôn là tìm kiếm các chiến lược và biện pháp bù đắp cho những bất lợi xã hội của phụ nữ, các biện pháp này không thực sự hiệu quả. Chuyển đổi kỹ thuật số hiện cung cấp những các tiếp cận mới để trao quyền kinh tế cho phụ nữ và có thể đóng góp cho các chiến lược bình đẳng giới ở phạm vi vĩ mô.

Sự gia tăng nhanh chóng của quá trình số hóa là cơ hội duy nhất để mở rộng phạm vi của môi trường làm việc linh hoạt trên quy mô lớn cho phụ nữ. Tuy nhiên, những thành kiến về giới ở lĩnh vực công nghệ đã dẫn đến tỷ lệ phụ nữ ít được đảm nhận các vị trí cao cấp ở lĩnh vực kỹ thuật trong các tổ chức. Các tổ chức phải nắm bắt cơ hội này để phụ nữ tiếp cận kiến thức và thông tin nhằm xây dựng một thế giới kỹ thuật số toàn diện hơn. Để phụ nữ được hưởng lợi đầy đủ từ cuộc cách mạng kỹ thuật số, các tổ chức phải giải quyết các lỗ hổng về kỹ năng bằng cách cung cấp các cơ hội nâng cao kỹ năng cho phụ nữ.

Phụ nữ cần tham gia tích cực hơn vào lực lượng lao động.
ẢNH: OPPORTUNITY DESK 

Bình đẳng giới bao gồm các quyền bình đẳng và khả năng tiếp cận bình đẳng đối với các nguồn lực và cơ hội cho cả phụ nữ và nam giới. Suy nghĩ về bình đẳng giới ở cấp độ rộng hơn, các giải pháp chủ động sẽ giúp con đường tiến tới bình đẳng giới trở nên suôn sẻ hơn.

Trong các tổ chức lớn, nhu cầu của các nhóm nhân viên khác nhau và phải được giải quyết phù hợp. Điều tương tự cũng xảy ra ngay cả trong vấn đề giới tính. Sự hỗ trợ cần thiết đối với nhân viên nữ trong các nhà máy cũng khác với những nhân viên nữ trong môi trường văn phòng và các lợi ích cần được tùy chỉnh dựa trên nhu cầu và thách thức của môi trường làm việc khác nhau.

Xu hướng không phân biệt giới tính đối với các vai trò khác nhau mở ra bức tranh bao quát hơn, một cái nhìn toàn diện bao hàm giá trị, đồng thời đảm bảo tất cả nhân viên đều được quan tâm như nhau. Phong trào hướng tới việc đảm bảo các chính sách không phân biệt giới tính, tập trung vào sức khỏe và phúc lợi trong một môi trường làm việc linh hoạt.

Chuyển đổi số cung cấp cách tiếp cận mới để trao quyền kinh tế
cho phụ nữ. ẢNH: FORBES
Cung cấp các lợi ích như một sự lựa chọn cũng mang lại sự linh hoạt hơn cho nhân viên cả nam lẫn nữ. Hỗ trợ theo yêu cầu của nhân viên nữ làm việc tại thành thị khác các nhân viên làm việc ở nông thôn. Tăng cường các phương pháp làm việc tốt nhất và thay đổi cơ cấu theo hướng bình đẳng giới sẽ giúp lồng ghép cách tiếp cận bình đẳng giới trong tất cả các chính sách và biện pháp mà một tổ chức có thể thực hiện. Điều này sẽ khuyến khích phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực do nam giới vốn chiếm số đông và hỗ trợ các lao động nữ đang làm mẹ có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ tiếp tục mở ra tương lai mới với nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ tham gia vào thị trường lao động theo lịch trình làm việc linh hoạt hơn, khả năng làm việc từ xa. Chính điều này cũng giúp phụ nữ và nam giới kết hợp được việc đảm bảo hoàn thành công việc và nghĩa vụ đối với gia đình.

Một nền kinh tế tri thức sẽ yêu cầu người lao động được trang bị nhiều loại kỹ năng hơn, bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Phụ nữ không thể bị bỏ lại phía sau trong lực lượng lao động chuyên sâu về kỹ thuật số và họ phải đảm bảo trang bị các kỹ năng cần thiết để thành công trong mô hình công nghệ mới hiện nay. Tăng cường các kỹ năng cho phụ nữ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giới.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng hướng tới chủ đề “Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”. Chủ đề này phù hợp với chủ đề ưu tiên của Phiên họp thứ 67 của Ủy ban Vị thế Phụ nữ trực thuộc Liên hợp quốc (diễn ra từ ngày 6-17/3), đó là “Đổi mới, thay đổi công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.

Liên hợp quốc công nhận và tôn vinh những phụ nữ và trẻ em gái đang đấu tranh cho sự tiến bộ của công nghệ và giáo dục kỹ thuật số. Phiên họp của Ủy ban Vị thế Phụ nữ đánh giá tác động của khoảng cách về giới trong lĩnh vực kỹ thuật số đối với sự gia tăng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Sự kiện này cũng nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong không gian kỹ thuật số và giải quyết vấn đề bạo lực giới trên cơ sở công nghệ thông tin và trực tuyến.

Đưa sự tham gia của phụ nữ và các nhóm bị thiệt thòi khác vào lĩnh vực công nghệ dẫn đến nhiều giải pháp sáng tạo hơn và có tiềm năng lớn hơn cho những đổi mới đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Ngược lại, sự thiếu hòa nhập của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ sẽ dẫn tới những tổn thất lớn hơn. Theo báo cáo Tổng quan về giới năm 2022 của Liên hợp quốc, việc loại trừ phụ nữ khỏi lĩnh vực kỹ thuật số đã làm giảm 1 nghìn tỷ USD từ GDP của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm qua, con số này sẽ tăng lên tới 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 nếu chúng ta không có hành động gì để thay đổi.

Cách tiếp cận có tính đến giới đối với đổi mới, công nghệ và giáo dục kỹ thuật số có thể nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em gái về quyền của họ. Những tiến bộ trong công nghệ - kỹ thuật số sẽ mang đến những cơ hội to lớn để giải quyết các thách thức về vấn đề phát triển con người, nhân đạo cũng như để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự năm 2030. Để đối mặt với những thách thức về bất bình đẳng giới trong cuộc cách mạng kỹ thuật số đòi hỏi sự phát triển toàn diện, những thay đổi về công nghệ cũng như giáo dục, nhằm đảm bảo một tương lai bền vững và bình đẳng.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều