Chuyên gia Trung Quốc: Bệnh nhân Covid-19 “không triệu chứng” có khả năng lây lan

Theo chuyên gia Trung Quốc, việc tồn tại những ca Covid-19 không triệu chứng đang đem lại những thách thức lớn trong phòng chống dịch.
Sau khi đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh trong nước, giờ đây Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các trường hợp Covid-19 "không triệu chứng". Trong một phát ngôn mới đây, chuyên gia Trung Quốc khẳng định, các ca bệnh này có khả năng gây lây lan dịch bệnh.
Ông Trương Văn Hồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Shanghai Observer

Ông Trương Văn Hồng, Trưởng nhóm chuyên gia cao cấp về Covid-19 của thành phố Thượng Hải trong khi tham gia một cuộc hội thảo liên quan tới SARS và Covid-19 vừa tổ chức chiều 27/3 cho biết, hiện Trung Quốc đã bước vào "hiệp 2" của công tác phòng chống dịch Covid-19 và các ca bệnh không triệu chứng đang trở thành mục tiêu giám sát quan trọng của giai đoạn mới này.

Ông nhận định, SARS-CoV-2 có thể là loại virus "khó đối phó nhất trong lịch sử loài người". Khả năng lây lan của virus này rất mạnh, mặc dù tỷ lệ người trẻ mắc bệnh nặng là rất thấp, nhưng về tổng thể vẫn cao hơn hẳn cúm thường.

Chuyên gia này cho rằng, việc tồn tại những ca Covid-19 không triệu chứng đang đem lại những thách thức lớn trong phòng chống dịch. Giờ đây, sau khi bước vào giai đoạn 2 của quá trình này, vấn đề bệnh nhân không triệu chứng đang nhận được sự quan tâm lớn từ chính quyền trung ương Trung Quốc.

Ông cho biết, những bệnh nhân này có khả năng miễn dịch khá cao, có thể không phát bệnh trong 14 ngày nhiễm virus. Tuy nhiên, thời gian virus tồn tại trong cơ thể những người này có thể lên đến hơn 3 tuần, do vậy họ có khả năng gây lây nhiễm. Nếu các ca bệnh này không được phát hiện và cách ly kịp thời, họ sẽ có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Theo ông, cách tốt nhất để tránh bị lây nhiễm từ các ca bệnh không triệu chứng là phải làm tốt việc phòng hộ cá nhân.

Ông Trương Văn Hồng nhấn mạnh, đây chính là điểm cho thấy sự "ranh mãnh" của virus SARS-CoV-2, do vậy việc thành phố Thượng Hải - nơi ông làm việc quyết định xét nghiệm axit nucleic đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào thành phố này là cần thiết. Việc làm này giúp tầm soát tối đa những ca bệnh không triệu chứng đến từ bên ngoài lãnh thổ.

Trước đó, chuyên gia này từng cho biết, do mỗi quốc gia đang ở từng giai đoạn phòng chống dịch khác nhau, nên hiện nay nhiều nước Âu, Mỹ chỉ mới tập trung vào các ca bệnh có triệu chứng.

Hôm 26/3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng lần đầu tiên nhắc tới nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các ca bệnh "không triệu chứng" trong bối cảnh nước này đang phục hồi nền kinh tế với việc quay trở lại làm việc của người dân trên khắp cả nước./.

Theo Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều