Chuyện không nhỏ

Với một xã hội hiện đại như ngày nay, trong tâm thức nhiều người, việc dùng nhà vệ sinh sạch là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới có tới 4,5 tỷ người không được tiếp cận nhà vệ sinh đạt chuẩn an toàn.

Thực tế này dẫn đến một hệ quả đau lòng. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), xấp xỉ 1,8 tỷ người có thể đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm độc từ chất thải nhà vệ sinh. Hiện trạng nhà vệ sinh yếu kém góp phần làm tăng số người tử vong trên thế giới, dù họ mắc những căn bệnh có thể ngăn ngừa được. Cũng do điều kiện vệ sinh không bảo đảm, mỗi năm, có tới hàng trăm nghìn trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tiêu chảy. Thiếu nhà vệ sinh sạch cũng ngăn cản con đường học hành của nhiều bé gái khi đến tuổi dậy thì. Đã từ lâu, thế giới bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề bảo đảm chất lượng nhà vệ sinh. Để đánh giá tầm quan trọng của câu chuyện tế nhị này, LHQ dành riêng ngày 19.11 là “Ngày toilet thế giới”. Tổ chức “World Toilet” cũng được thành lập tại Singapore với những hoạt động bài bản.

Với nhiều quốc gia, câu chuyện không dễ nói trên cũng được Chính phủ khá lưu tâm. Ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhận xét: “Đây là vấn đề không hề nhỏ, thậm chí còn là một khía cạnh quan trọng trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng tại các khu vực đô thị và nông thôn”. Thực tế cho thấy, nhiều nhà vệ sinh tại vùng nông thôn Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh của khách du lịch bởi không bảo đảm sạch sẽ và không đủ lượng giấy. Theo thống kê, hơn 1/4 hộ dân nước này không có công trình phụ sạch trong nhà và chỉ khoảng 60% hộ có toilet xử lý được chất thải. Chính bởi vậy, để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói, đồng thời, nâng cao văn minh xã hội, các nhà lãnh đạo ngày càng ý thức được tầm quan trọng của câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ này. Tại quốc gia có đông dân nhất thế giới, người ta phát động cuộc “Cách mạng nhà vệ sinh”, được thực hiện từ năm 2015 với nguồn vốn từ trung ương đến địa phương lên đến hơn 3.192 triệu USD. Chiến dịch nhằm xóa bỏ ấn tượng xấu của khách du lịch về những nhà vệ sinh công cộng bẩn thỉu ở nước này. Mới gần đây, tỷ phú Bill Gates đã lựa chọn Trung Quốc là nơi tổ chức triển lãm “Nhà vệ sinh trong kỷ nguyên mới”, bởi theo ông, đây là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, ưu tiên cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân. Những bồn cầu trên là thành quả 7 năm nghiên cứu được quỹ của Gates và vợ đổ ra 200 triệu USD tài trợ.

Báo cáo mới nhất của LHQ cho biết, trên thế giới, Ấn Độ là quốc gia có số lượng đông nhất người dân không được tiếp cận điều kiện vệ sinh cơ bản. Khoảng 770 triệu dân đang thiếu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Điều đó dẫn đến hệ lụy là có tới 68 nghìn trẻ em ở đây tử vong mỗi năm do tiêu chảy mà nguyên nhân chủ yếu vì nguồn nước không an toàn. Một sứ mệnh do Thủ tướng Modi khởi xướng mang tên “Ấn Độ sạch” trị giá 50 tỷ USD được đưa ra nhằm xây dựng 111 triệu nhà vệ sinh trong 5 năm. Theo chương trình, mỗi hộ gia đình nông thôn xây dựng nhà vệ sinh sẽ được thưởng 15 nghìn rupee. Tính từ tháng 10.2014 đến nay, đã có hơn 86 triệu nhà vệ sinh được xây trên đất nước 1,25 tỷ dân này. Ấn Độ cũng cho biết, họ đã giảm được số người phải đi vệ sinh ngoài trời từ 550 triệu người năm 2014 xuống còn ít hơn 150 triệu người. Đây quả thực là một nỗ lực lớn bởi theo đánh giá của LHQ, thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu phát triển bền vững về vệ sinh nếu Ấn Độ tụt lại phía sau.

Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều