Cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp (CSA) tại CHLB Đức

(Mặt trận) - Nền nông nghiệp truyền thống ở châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức. Các trang trại nhỏ khó có thể cạnh tranh bởi chi phí sản xuất thường cao hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, môi trường cũng phải chịu đựng nhiều thiệt hại như việc canh tác cây độc canh và sử dụng thuốc trừ sâu quá mức dẫn đến các vấn đề về ô nhiễm và đe dọa đến sự đa dạng sinh học.

Tuy nhiên ở Đức, một giải pháp cũ lại trở nên hữu hiệu, đó là Cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp (Community supported agriculture - CSA). Giải pháp này kết nối chặt chẽ nhà sản xuất với người tiêu dùng và giúp thuận lợi cho việc canh tác hữu cơ.

 Trang trại CSA ở Neuruppin, Brandenburg. Ảnh: Foodmetres

Khái niệm CSA

Cuộc hành trình của thực phẩm, từ siêu thị cho đến các món ăn trên bàn ăn là vô cùng phức tạp. Rất hiếm khi người ta mất một chút thời gian để xem xét nguồn gốc và quá trình canh tác của thực phẩm, thứ mà có thể dễ dàng được tạo ra bằng cách thiết lập một sự phân phối hiện đại. Do đó, cà chua được nhập khẩu từ Marốc, và ớt được nhập khẩu từ Israel, mặc dù cả hai loại quả này đều có thể được sản xuất ở Đức. Để chống lại xu hướng nhập khẩu sản phẩm, đặc biệt là đối với thuốc trừ sâu, nhiều trang trại ở Đức đã thực hiện các hoạt động liên quan đến tình đoàn kết và hỗ trợ nông nghiệp.

Cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp (CSA) hay Nông nghiệp hỗ trợ bởi cộng đồng là một mô hình kinh tế nông nghiệp và phân phối lương thực dựa trên địa phương, trực tiếp liên kết nông dân và người tiêu dùng. Người nông dân và một nhóm người tiêu dùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro (như việc thất thu) và các chi phí liên quan đến sản xuất lương thực dựa trên thỏa thuận.

Phương pháp này là một phần của một phong trào xã hội đang phát triển, khuyến khích các công dân đô thị và nông thôn cùng chia sẻ trách nhiệm đối với đất trồng thực phẩm cũng như cách thức sản xuất lương thực của họ. Nói một cách đơn giản, CSA là sự hợp tác giữa các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng. Các thành viên của CSA phải trả trước một khoản tiền (vào đầu năm),  để tài trợ cho việc mua hạt giống và thiết bị, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo thu nhập cơ bản cho người nông dân. Đổi lại, người tiêu dùng sẽ nhận được rau, trái cây, thảo dược, hoa tươi theo mùa (chủ yếu là hàng tuần) trong suốt mùa vụ.

Không giống như hình thức nông nghiệp thông thường, trong đó người nông dân phải chịu rủi ro trong mùa vụ do thời tiết, sâu bệnh hay việc tiêu thụ trên thị trường, thì trong CSA toàn bộ cộng đồng sẽ cùng chia sẻ với người nông dân về cả lợi ích và những rủi ro đó. Sự hợp tác này mang lại sự công bằng hơn cho người nông dân, đồng thời giảm bớt một số gắng nặng và sự không cân bằng của thị trường.

CSA thường tập trung vào việc sản xuất các loại thực phẩm chất lượng cao cho cộng đồng địa phương, khuyến khích các thực tiễn canh tác tốt hơn về mặt sinh thái như các phương pháp trồng hữu cơ hoặc sinh học. Loại hình canh tác này cũng làm giảm tối đa lượng chất thải thực phẩm bằng cách sản xuất lượng lương thực cần thiết, với dư lượng không sử dụng tối thiểu. Nhưng CSA có lẽ được biết đến nhiều nhất vì nó làm tăng mối liên kết giữa công dân thành thị với đất đai trồng trọt và khuyến khích sự hợp tác giữa các cộng đồng nông thôn và đô thị. Các thành viên có thể thăm trang trại CSA của họ và giúp hoạch định cũng như thu hoạch mùa màng.

Du khách đến thăm quan trang trại của CSA ở Neuruppin (Brandenburg). Ảnh: Foodmetres

Nhiều trang trại CSA cũng tổ chức các ngày tham quan thực địa, lễ hội thu hoạch hoặc các sự kiện đặc biệt khác như các cuộc hội thảo để phổ biến kiến thức cho các thành viên về nông nghiệp bền vững và lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Các hoạt động này mang mọi người xích lại gần hơn với nhau trong suốt mùa vụ. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có được một tiếng nói mới trong việc phát triển, chế biến và phân phối nguồn lương thực của mình.

Bốn ý tưởng cơ bản của CSA:

1. Quan hệ đối tác: Sự hợp tác này được tạo ra bởi cam kết chung để nông dân có thể cung cấp cho người tiêu dùng những thực phẩm được sản xuất trong mỗi mùa.

2. Thúc đẩy trao đổi địa phương: Quan hệ đối tác dựa trên cơ sở địa phương giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng là một phần của một cách tiếp cận tích cực để tái định cư nền kinh tế.

3. Đoàn kết: hợp tác dựa trên tình đoàn kết giữa các bên và liên quan đến:

Chia sẻ lợi ích hoặc cùng chịu thiệt hại trong việc sản xuất tự nhiên của các mùa, bên cạnh đó cũng tôn trọng môi trường, di sản văn hoá, thiên nhiên và sức khoẻ.

Đạt được mức giá hợp lý trên thị trường, ổn định cuộc sống cho những người nông dân và gia đình họ.

4. Nhà sản xuất / người tiêu dùng: dựa trên sự giao dịch trực tiếp giữa người với người, kết nối bởi lòng tin, không qua trung gian hay phân chia cấp bậc và không bị phụ thuộc.

CSA trên toàn thế giới

Khái niệm về CSA đang ngày càng phổ biến và tăng trưởng đáng kể ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: versdeterre-terredevert.com

Câu chuyện về CSA bắt đầu vào những năm 1960 khi một cộng đồng phụ nữ ở Nhật Bản lo lắng về sự gia tăng lương thực nhập khẩu, công nghiệp hóa trong nông nghiệp và sử dụng hóa học nông nghiệp. Họ đã bắt đầu các dự án CSA đầu tiên, được gọi là “teikei” bằng tiếng Nhật. Dự án này hợp tác giữa nông dân canh tác hữu cơ và các hộ gia đình.

Vào những năm 80, ý tưởng này đã lan rộng tới Hoa Kỳ, và từ đó được gọi là “Community Supported Agriculture” (CSA). CSA ở châu Âu bắt đầu tại Thụy Sĩ và đã lan rộng tới Pháp, Ý, Hà Lan và Đức trong những thập kỷ qua.

Ngày nay, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến và số lượng CSA đang tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới, CSA đã nhận được sự chú ý lớn và đang trải qua sự tăng trưởng đáng kể ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đức, hiện đã có 100 trang trại CSA và 80 đang được phát triển.

Thực hiện đổi mới

Các công dân đô thị và nông thôn cùng chia sẻ trách nhiệm đối với đất trồng thực phẩm cũng như cách thức sản xuất lương thực Ảnh: one.org

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Frankfurt, mô hình CSA được coi là một “sự đổi mới xã hội”. Nó không những đưa ra một mô hình kinh tế đảm bảo cho các trang trại đã được thành lập mà còn cho cả những người mới tham gia vào ngành nông nghiệp.

Thêm vào đó, sự liên kết giữa người nông dân và người tiêu dùng cũng là một điều mới mẻ. Bởi chúng ta đều biết rằng cho đến tận thế kỷ 19, sự phổ biến trong các gia đình nông dân vẫn là hợp tác cùng nhau trong việc đảm bảo kế sinh nhai.  

Cộng đồng nông nghiệp Brandenburg tại Berlin là một cộng đồng nông nghiệp mới nổi nhưng đã đạt nhiều hiệu quả. Trong khi trang trại CSA đầu tiên ở Đức là Buschberghof gần Hamburg được bắt đầu vào năm 1988 với khái niệm “nông nghiệp đoàn kết”, thì trang trại đầu tiên ở Brandenburg đã tiếp nhận ý tưởng này vào năm 2004. Từ năm 2012, các trang trại CSA ở Brandenburg đã phát triển nhanh chóng lên đến 11 trang trại, cung cấp thực phẩm hữu cơ cho khoảng 600 hộ gia đình.

Các trang trại đều mang đến một sự đa dạng của cây trồng (bao gồm cả các cây quý hiếm và lâu đời), cung cấp chủ yếu là thực phẩm tươi chưa qua chế biến như rau, thảo dược, trái cây và trứng. Hầu hết các trang trại CSA ở Brandenburg đều có các hình thức thu nhập và hoạt động khác nhau như tiếp thị trực tiếp trên thị trường hàng tuần, cung cấp lương thực cho các nhà hàng, các chương trình giáo dục hoặc chăm sóc nông nghiệp.

Các trang trại CSA ở Brandenburg chủ yếu nằm ở các vùng nông thôn, một số trong số đó cũng nằm ở các vùng ven hoặc ngoại ô với khoảng cách từ 20 - 120 km đến trung tâm Berlin. Chúng  cung cấp thực phẩm cho cả người tiêu dùng ở thành thị và tại địa phương.

Cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp cũng có những mục đích và hình thức đa dạng. Trong đó, một số dự án đã kết hợp việc sử dụng đất sáng tạo để giúp giải quyết các vấn đề xã hội ở khu vực thành thị. Các trang trại CSA có thể được hiểu là hình thức tiếp thị trực tiếp, đặc biệt cung cấp thực phẩm tươi sống của khu vực chủ yếu từ nền nông nghiệp hữu cơ. Nhiều trang trại đã được chứng nhận về các tiêu chuẩn hữu cơ và phù hợp với ý tưởng ban đầu về nông nghiệp hữu cơ dựa trên chu kỳ sinh học cũng như chu kỳ kinh tế của khu vực bao gồm cả việc sản xuất và tiêu dùng trong khu vực. Bằng cách này, khoảng cách vận chuyển giữa các nơi sản xuất và tiêu thụ sẽ được rút ngắn, tạo ra mối quan hệ gần gũi giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

CSA làm việc như thế nào

Các thành viên CSA và người nông dân làm việc cùng nhau để thu hoạch mùa màng và phân phối thực phẩm. Người tiêu dùng sẽ nhận được những sản phẩm sạch, tươi sống thu hoạch trực tiếp từ trang trại hàng tuần. Ảnh: care2.com

Một quy tắc ở tất cả các trang trại đó là người tiêu dùng phải trả một khoản đóng góp hàng tháng cho nông dân. Ví dụ như tại trang trại Dresden, khoản đóng góp hàng tháng là 60 euro cho mỗi tháng. Người nông dân sẽ sử dụng những đóng góp tài chính này để trang trải các chi phí dự kiến trong mùa vụ bao gồm chi phí lao động, hạt giống, các trang thiết bị và vật tư. Đổi lại, người tiêu dùng ủng hộ hình thức nông nghiệp này sẽ nhận được một phần sản phẩm thu hoạch hàng tuần trong suốt mùa vụ như trái cây tươi, rau quả và các mặt hàng bổ sung mà nông dân phải cung cấp như trứng, pho mát hay bánh mì.

Các thành viên và người nông dân thường làm việc cùng nhau để thu hoạch mùa màng và phân phối thực phẩm. Thức ăn thu hoạch được chia thành nhiều phần đựng trong nhiều thùng khác nhau và phân phối cho các thành viên thông qua các địa điểm được lựa chọn. Những thùng thực phẩm này có thể được trực tiếp thu gom hoặc gửi đến một điểm thu gom được chỉ định, thường là hiên nhà của một thành viên hoặc ngay tại trang trại đó.

Các dự án của CSA phụ thuộc vào mức độ khác nhau của các tình nguyện viên thành viên làm việc trong trang trại và đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau. Nhiều trang trại của CSA không thể tồn tại nếu không có “nhóm nòng cốt” những tình nguyện viên cam kết giúp quản lý các địa điểm phân phối, lên kế hoạch thu hoạch và tuyển dụng thành viên mới. Bằng cách đảm nhận những trách nhiệm này, các nhóm nòng cốt đã giúp đỡ nông dân tập trung vào việc sản xuất lương thực và chăm sóc đất đai.

Sự đa dạng về thực phẩm

Các trang trại CSA đều có sự da dạng sinh học tuyệt vời. Ảnh: dw.com

Các trang trại CSA rất đa dạng, thường trồng trên 40 loại rau, thảo mộc và trái cây khác nhau. Một số trang trại cũng cung cấp thịt, trứng, mật ong và các sản phẩm khác. Ví dụ, trang trại Buschberghof có thể cung cấp cho người tiêu dùng tất cả những gì mà một đơn vị nông nghiệp có thể sản xuất được như các loại rau, khoai tây, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, xúc xích, gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, sữa chua, phô mai tươi, phô mai mềm và phô mai cứng. Nhà máy của trang trại sản xuất 13 loại bánh mì, được nướng mỗi tuần một lần. Do đó, các thành viên chỉ cần mua thêm vài thứ, có thể là mì, gạo, tiêu, muối, dầu và mù tạt… còn lại tất cả các thực phẩm khác đều có thể thu hoạch từ trang trại.

Mỗi tuần các thùng chứa đầy các sản phẩm khác nhau, cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Để làm việc theo cách thân thiện với môi trường nhất có thể, tính mùa vụ của sản phẩm đã được xem xét kĩ lưỡng. Trong mùa đông, nông dân sẽ trồng các loại bắp cải và củ cải đường khác nhau. Còn vào mùa hè, nông dân trồng nhiều loại rau xà lách. Do đó, nông dân có thể tránh việc sử dụng các biện pháp kiểm soát khí hậu và hoá chất nhân tạo. Sự thay đổi giữa các sản phẩm theo mùa cũng khuyến khích người tiêu dùng có thể sáng tạo trong việc chế biến các món ăn mới độc đáo.

Mang lại lợi ích cho cộng đồng

CSA mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, giúp kết nối chặt chẽ người nông dân và người tiêu dùng. Ảnh: aricmcbay.org

Trao đổi tập thể là chìa khóa cho việc thành công của CSA. Người nông dân không phải cạnh tranh, mà là kết nối, còn người tiêu dùng không những tự giúp chính mình trong việc lựa chọn các mặt hàng mà còn giúp giải quyết các vấn đề trong việc sản xuất. Bên cạnh đó, cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp không chỉ mang đến lợi ích cho những người nông dân, mà còn giúp ích trong việc bảo vệ môi trường và chống lại thời tiết khắc nghiệt gây ra bởi sự thay đổi khí hậu.

Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên mùa màng hàng năm có thể bị thất thu. Tuy nhiên với sự đóng góp hàng tháng của các thành viên, những người nông dân trong cộng đồng CSA sẽ nhận được sự an toàn và bảo vệ họ khỏi những tổn thất nghiêm trọng. Đây là một trong những rủi ro mà các thành viên phải chấp nhận khi đầu tư. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ thực sự là một vấn đề, bởi nếu mùa thu hoạch của một cây trồng bị tổn hại, người tiêu dùng sẽ nhận được một lượng lớn hơn sản phẩm từ một vụ thu hoạch thành công. Thông qua việc sử dụng một bộ đệm tài chính như vậy, người nông dân có thể sáng tạo thêm nhiều hình thức canh tác mới mà không hề gây tổn thất về mặt kinh tế.

Hơn thế nữa, tình đoàn kết có nghĩa là cộng đồng, người nông dân cũng mời những người tiêu dùng tham gia vào quá trình canh tác và thu hoạch. Những lời mời như vậy được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, bản tin, blog, các buổi hội thảo hay các buổi họp báo. Nhiều bàn tay giúp đỡ sẽ luôn luôn tìm ra một nhiệm vụ mới, ví dụ như trong việc bảo vệ thời tiết cho cây cà chua hoặc gieo hạt giống thảo mộc. Đối với nhiều người dân thành thị, CSA không chỉ mang lại nguồn cung cấp bảo đảm cho các sản phẩm tươi sống mà còn đem đến sự thú vị cho cuộc sống văn phòng nhàm chán hàng ngày.

Ngoài ra, các thành viên đóng góp cho sự đoàn kết trong nông nghiệp đều phải thực hiện các biện pháp bảo tồn môi trường phù hợp. Vậy nên, CSA không chỉ mang lại lợi ích con người mà còn đem lại sự bền vững cho thiên nhiên. Chuỗi những lợi ích này đều có được thông qua sự đóng góp của người tiêu dùng hàng tháng.

URGENCI, Mạng lưới Hỗ trợ Nông nghiệp Cộng đồng quốc tế, mô tả CSA như một sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và người dân địa phương. Nó là một khuôn khổ để truyền cảm hứng cho cộng đồng làm việc với nông dân địa phương của mình, đem lại nhiều lợi ích và kết nối mọi người với đất đai, nơi thực phẩm của họ được vun trồng. CSA còn có thể được coi là sự đổi mới xã hội và đưa ra một mô hình kinh tế bền vững cho các trang trại đã được thiết lập cũng như những người mới tham gia vào nông nghiệp.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều