COVID-19 lây lan nhanh vì hàng tỷ người không có nước sạch rửa tay

Tình trạng không được tiếp cận với nguồn nước và điều kiện vệ sinh cơ bản là một ví dụ cho thấy những ảnh hưởng có thể dẫn đến chết người từ sự bất bình đẳng do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và không có xà phòng khiến hàng tỷ người dễ tổn thương trước đại dịch. Ảnh: ORF

Khoảng 3 tỷ người không có nguồn nước sạch và xà phòng tại nhà, cũng như 4 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước kéo dài 1 tháng trong một năm là kết luận của Ủy ban Nước của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 10/8.

Theo báo Hindustantimes, cứ 5 người trên thế giới thì có 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chính điều này đã làm suy yếu nỗ lực kiềm chế đại dịch COVID-19 của toàn thế giới.

Rửa tay thường xuyên là một trong những biện pháp được coi là hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 vì đường lây nhiễm chính của virus SARS-CoV-2 là qua giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp.

Tuy nhiên, thế giới vẫn còn 3 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước và xà phòng.

“Đây là một tình cảnh nguy hiểm đối với những người không có nước sạch và được vệ sinh an toàn. Vấn nạn thiếu sự đầu tư vốn dĩ tồn tại hàng chục năm qua đã khiến hàng tỷ người dễ gặp tổn thương trước đại dịch và chúng ta đang chứng kiến hậu quả”, Chủ tịch Ủy ban Nước của LHQ Gilbert F. Houngbo trả lời phỏng vấn.

Theo LHQ, tính đến năm 2030, thế giới cần chi 6,7 nghìn tỷ USD để xây dựng các cơ sở hạ tầng nước không chỉ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vấn đề vệ sinh mà còn giải quyết những vấn đề kéo dài như đại dịch.

Một số công ty đã bước đầu đẩy mạnh trong việc đề xuất giải pháp cho vấn đề khẩn cấp này. Tập đoàn Lixil Group của Nhật Bản, sở hữu các thương hiệu như American Standard và Grohe, đã làm việc với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác khác để tạo ra một thiết bị rửa tay chỉ cần một lượng nhỏ nước trong bình. Với 1 triệu USD đầu tư, công ty này sẽ cung cấp miễn phí 500.000 thiết bị để phục vụ 2,5 triệu người Ấn Độ trước khi bắt đầu bán lẻ.

Clarissa Brocklehurst, giảng viên của Viện Nước tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), nhận định đây là một giải pháp nhanh và có hiệu quả ngắn hạn để giúp thế giới chống lại đại dịch, nhưng cần phải đầu tư bền vững hơn, cụ thể như lắp đặt nước máy cho nhiều hộ dân hơn.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều