Cuộc chiến chống đói nghèo ở các quốc gia châu Phi

(Mặt trận) - Năm 2030, là mốc thời điểm cuối cùng mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đề ra để đạt được mục tiêu xóa bỏ đói nghèo ở châu Phi. Mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực này, nhưng số lượng người nghèo đói vẫn ở mức cao. Cuộc chiến chống đói nghèo ở “lục địa đen” vẫn còn dai dẳng.

Người nghèo là trọng tâm của nỗ lực toàn cầu chống đói nghèo từ năm 2015. Tiến bộ quan trọng đã được ghi nhận là tỷ lệ người dân sống dưới mức 1,25 USD/ngày đã giảm một nửa trong 20 năm qua. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu của UNICEF công bố năm 2015, khoảng 47% người dân ở vùng châu Phi hạ Sahara hay SSA vẫn sống dưới mức 1,25 USD/ngày. Báo cáo định nghĩa và phân tích đói nghèo dưới hình thức sự thiếu hụt liên quan đến các yếu tố như y tế, vệ sinh, lương thực, nước sạch và giáo dục. Dựa trên những dữ liệu sẵn có của 30 nước SSA, báo cáo cho biết có 86% trẻ em dưới 18 tuổi sống thiếu một trong các yếu tố sinh hoạt cần thiết và 247 triệu trẻ em trong số đó sống thiếu 2 hoặc nhiều hơn các yếu tố này. 87 triệu trẻ em thiếu đến 4 hay 5 yếu tố cơ bản, được xác định là các điều kiện vệ sinh cần thiết, vaccine, nước sạch và giáo dục.

 Điều kiện sống nghèo nàn của người dân châu Phi (Ảnh: Flickr)

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người nghèo ở châu Phi đã giảm từ 56% năm 1990 xuống còn 43% vào năm 2012. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số không kiểm soát nên số lượng người nghèo lại càng tăng. Việc xóa đói giảm nghèo đã diễn ra rất chậm ở các quốc gia nghèo nhất, ở các vùng nông thôn tình trạng đói nghèo vẫn phổ biến mặc dù khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã được thu hẹp.

Một số khía cạnh phi tiền tệ đã được cải thiện nhưng vẫn là các thách thức lớn ở các quốc gia châu Phi. So với năm 1995, tỷ lệ biết chữ ở người lớn tăng lên 4%, khoảng cách về giới đang thu hẹp dần. Tỷ lệ trẻ sơ sinh sống lâu hơn 6 năm tăng lên và tỷ lệ suy dinh dưỡng mãn tính ở trẻ dưới 5 tuổi giảm 6% xuống còn 39%. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể về số trẻ được đi học nhưng chất lượng giáo dục còn thấp, có hơn 2 trong số 5 người lớn vẫn còn mù chữ.

 Trẻ em nghèo đói ở châu Phi (Ảnh: Children Intenational)

Thế giới mà cụ thể là các nước giàu đã viện trợ cho các quốc gia châu Phi từ nhiều năm qua. 135 tỷ USD đã được các nước phát triển nhất trên thế giới dành viện trợ chính thức cho người nghèo ở châu Phi trong năm 2014. Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2014 “Tài trợ cho tương lai của châu Phi: Cuộc chiến chống đói nghèo”, phần lớn các nhà tài trợ không đáp ứng được các cam kết viện trợ của họ. Mặc dù chính phủ một số nước đã có những nỗ lực đẩy mạnh viện trợ như Anh, Nhật, Đức và Na Uy, nhưng một số quốc gia như Pháp, Canada, Australia và Hà Lan… hoạt động này đã giảm sút rõ rệt. Liên minh châu Âu đã giảm 52,5 tỷ USD trong cam kết viện trợ của mình cho châu Phi vào năm 2013.

Thêm vào đó, khoản viện trợ không đủ cho các quốc gia đói nghèo nhất. Chỉ 1/3 các khoản viện trợ được chuyển tới các nước kém phát triển nhất.

Chính phủ các nước châu Phi đã không ưu tiên chi cho những yếu tố thiết yếu có thể cứu sống người dân và đẩy mạnh cuộc chiến chống đói nghèo. Chỉ có 6/43 quốc gia kém phát triển ở châu lục này đạt được các mục tiêu về các khoản chi cho y tế, 8 quốc gia đạt mục tiêu về phát triển nông nghiệp.

Việc thế giới đang nỗ lực giúp đỡ người nghèo ở châu Phi bằng những khoản viện trợ đến hàng tỷ USD lại gặp phải những ý kiến trái chiều từ các nhà kinh tế trên thế giới. Nhiều lập luận cho rằng, việc viện trợ của các nước giàu có thể đang làm hỏng chính phủ các quốc gia châu Phi và làm chậm lại sự tăng trưởng của họ. Để việc viện trợ thực sự đem lại hiệu quả xóa đói giảm nghèo mà không làm ảnh hưởng tới động lực phát triển của các quốc gia châu Phi thì những quy tắc lỗi thời về việc viện trợ cần phải sửa đổi. Các thức đo lường sự hỗ trợ phát triển chính thức phải được tinh chế và cải tiến. Kể từ năm 2000, 250 tỷ USD hay 1/6 tổng số tiền viện trợ do các chính phủ báo cáo không có liên quan đến việc chuyển các khoản tiền thực sang các nước đang phát triển.

Năm 2016, Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới đã thông qua việc hình thành Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và “Chương trình Khu vực” trị giá 40,5 triệu USD để tiến hành dự án “Điều tra việc làm hài hòa và hiện đại hóa điều kiện sống” cho người dân ở các nước Tây Phi.

Ngân hàng Thế giới làm việc với Ủy ban Liên minh Tiền tệ và Kinh tế Tây Phi (WAEMU) để tiến hành việc khảo sát điều kiện sống ở các quốc gia Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinea Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo. Giai đoạn khảo sát đầu tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2017, giai đoạn 2 dự kiến vào năm 2020.

Rachid Benmessaoud, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Nigeria đồng thời là Giám đốc Điều phối Chương trình Hội nhập Khu vực Tây Phi cho biết: “Hiểu rõ những gì đang diễn ra là bước đầu tiên để xóa đói giảm nghèo”. “Những nỗ lực chống đói nghèo từ lâu đã gặp những trở ngại bởi sự hạn chế về dữ liệu. Nếu không có thông tin chính xác về số lượng người nghèo, họ đang ở đâu và kiếm sống bằng cách nào thì thật khó để thiết kế các chính sách và cung cấp các nguồn lực cần thiết để cải thiện cuộc sống của người dân”.

Dự án của WAEMU sẽ giúp Cục Thống kê ở 8 nước thành viên thu thập thông tin về điều kiện sống của các hộ gia đình, bao gồm thông tin về thu nhập, việc làm và điều kiện sinh hoạt của người dân: Người dân làm việc ở đâu, như thế nào; việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; giáo dục và y tế; đặc điểm dân số; vệ sinh và cung cấp nước cũng được thu thập thông tin.

Để dự án tiến hành thuận lợi, các công cụ điều tra sẽ được sử dụng hài hòa, tăng cường hiệu suất thu thập dữ liệu, cải thiện chất lượng dữ liệu và so sánh theo thời gian và giữa các quốc gia, tăng cường độ chính xác của việc thu thập dữ liệu và cải thiện khả năng truy cập dữ liệu bằng cách công khai thông tin trong vòng 6-12 tháng sau khi hoàn tất công việc thu thập. Dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan thống kê quốc gia tham gia và dựa vào các bài đánh giá độc lập để đảm bảo chất lượng dữ liệu.

Các thông tin trong cuộc điều tra điều kiện sống của người dân châu Phi sẽ tạo thành nền tảng cho việc xây dựng hàng loạt các chính sách và chương trình. Các cuộc điều tra được thiết kế tốt rất quan trọng trong việc thu thập thông tin chính xác, giúp hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, giám phát lạm phát, tạo ra các số liệu thống kê, mục tiêu đầu tư và cải thiện dịch vụ cho những người dân nghèo khổ ở lục địa đen.

 Phát triển nông nghiệp tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân (Ảnh: United Nations Foundation)

Bên cạnh những hỗ trợ của các nước trên thế giới, chính các quốc gia châu Phi cần có những nỗ lực trong cuộc chiến này. Trước hết chi tiêu công của các chính phủ cần được hướng tới mục tiêu chống đói nghèo. Bởi chi cho nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm bền vững và cơ hội kinh doanh hiệu quả, giúp đảm bảo tương lai cho hàng triệu người thông qua tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ các nước châu Phi cần đáp ứng các cam kết về y tế, giáo dục và chi tiêu cho nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, trang bị những công cụ để giải quyết các cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng.

Để xóa đói giảm nghèo, loại bỏ bất bình đẳng và thay đổi những suy nghĩ trong việc sinh đẻ có kế hoạch ở châu Phi, thì trước hết cần thiết phải đầu tư giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, giáo dục đóng vai trò “trung tâm tuyệt đối” trong cuộc chiến chống đói nghèo tại khu vực.

Thông qua giáo dục, những người phụ nữ sẽ có kỹ năng và kiến thức cơ bản, trẻ em gái sẽ kết hôn muộn hơn và tự tin yêu cầu được chăm sóc y tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mình.

Hồng Nhung dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều