Cuộc chiến chống hàng giả trên thế giới

(Mặt trận) - Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hàng giả có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất tới 250 tỷ USD mỗi năm. Vậy các quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Hoa Kỳ

Thống kê cho thấy, mỗi năm hàng triệu lô hàng giả đã được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Mặc dù các cơ quan Chính phủ nước này đã cố gắng trấn áp nạn hàng giả nhưng vẫn không thể nắm bắt được hết những sản phẩm giả mạo được nhập vào. Theo Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), những sản phẩm bị giả mạo nhiều nhất thường là các mặt hàng cao cấp bởi chúng có giá trị cao. Những mánh khóe làm hàng giả, hàng nhái hiện nay ngày càng tinh vi khiến cho việc phát hiện ngày càng khó khăn hơn. Người tiêu dùng khó có thể nhận ra những điểm khác biệt giữa sản phẩm thật và sản phẩm làm giả. Với vai trò là thị trường sản xuất đa dạng các mặt hàng cho các công ty trên thế giới, Trung Quốc trở thành nơi sản xuất hàng giả ở mức độ cao. Theo ước tính, có đến khoảng 1,2 tỷ USD trong số 1,7 tỷ USD sản phẩm làm nhái mà Hoa Kỳ thu giữ có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hồng Kông.

 Các loại túi nhái được bán ở một khu chợ của Hoa Kỳ. ­Ảnh: Share America

Dựa trên những thông tin được cung cấp bởi CBP, Wall Street đã đưa ra danh sách 10 sản phẩm bị làm giả nhiều nhất. Danh sách bao gồm: đĩa trò chơi, DVD, CD; nhãn mác hàng hóa; máy vi tính, phụ kiện công nghệ; giày dép; thuốc và các sản phẩm chăm sóc cá nhân; trang phục, phụ kiện thời trang; đồ tiêu dùng điện tử, phụ tùng; đồng hồ, trang sức; túi xách, ví, đồ chơi.

CBP cho biết, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một phần quan trọng trong sứ mệnh thương mại của CBP và nó rất cần thiết trong việc bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác chặt chẽ của CBP với các đối tác thực thi liên bang nhằm mục tiêu phát hiện và bắt giữ các lô hàng có nguy cơ làm giả cao tại các cảng Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả nhất định. Khoảng hơn 25.000 vụ phát hiện sản phẩm giả mạo với trị giá khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm đã được các cơ quan này thực thi để bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Nạn nhân của các vụ làm hàng giả, hàng nhái không chỉ là một cá nhân mà là toàn bộ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất. Do tính chất nghiêm trọng của hình thức tội phạm toàn cầu này mà Chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp để kiểm soát. Những biện pháp mang tính chiến thuật do Trung tâm Điều phối quyền Sở hữu Trí tuệ quốc gia (IPR) là vũ khí chính của Chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc chiến vi phạm bản quyền. Trung tâm IPR đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Tư pháp về Sở hữu Trí tuệ trong việc chia sẻ thông tin, phát triển các sáng kiến và điều phối hành động cưỡng chế, điều tra có liên quan đến tội phạm sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược, IPR đã góp phần lớn trong việc bảo vệ được sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng cũng như nền kinh tế Hoa Kỳ.

 Đồ điện giả bị tịch thu ở Southampton, Hoa Kỳ.  Ảnh: Capital FM

Một ví dụ về hàng giả, hàng nhái xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ gây ra những tác động xấu đến hoạt động tiêu dùng của người dân và nền kinh tế, đó là các thiết bị điện. Mỗi năm có khoảng 300-400 triệu USD thiết bị điện bị làm giả, làm nhái xâm nhập vào Hoa Kỳ. Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Thiết bị điện quốc gia (NEMA), các sản phẩm giả mạo thường có thiết kế, chất liệu, chất lượng kém và khả năng hỏng hóc cao, có thể gây ra thiệt hại về tài sản, thương tích thậm chí tử vong cho con người. NEMA cũng cảnh báo các nhà sản xuất, nhà phân phối và người lắp đặt các thiết bị điện phải chịu trách nhiệm rủi ro về mặt pháp lý đối với việc buôn bán các sản phẩm bị làm giả ngay cả khi chính họ cũng là nạn nhân. Một số sản phẩm điện hay bị làm giả như máy cắt, rơ le điều khiển, công tắc điều khiển, dây nối, bộ nối điện, cầu chì…

Đối với các công ty sản xuất thiết bị điện cần phải có những chiến lược bảo vệ thương hiệu, bao gồm các biện pháp về mặt pháp lý, điều tra và hợp tác với các cơ quan thực thi, thông tin cho người tiêu dùng và sử dụng các phương pháp xác thực dựa trên công nghệ như việc khắc laser. Đối với người tiêu dùng, cần tích cực tìm kiếm thông tin về phòng chống hàng giả để hiểu được chuỗi cung ứng sản phẩm điện, nơi sản xuất và phân phối uy tín. Bên cạnh đó cần phải có sự cộng tác chủ động giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu, người lắp đặt, nhà thầu, các cơ quan thực thi pháp luật và Chính phủ để chống lại nạn làm hàng giả.

Pháp

Ngày 26/2/2014, Thượng viện Pháp đã thông qua Luật Chống hàng giả, mặc dù đạo luật có liên quan đến việc kiểm soát Hải quan và quyền Sở hữu Trí tuệ của Liên minh châu Âu EU, đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Thượng viện Pháp đã đưa ra một Dự thảo Luật về việc Tăng cường chống nạn hàng giả và sau đó luật này đã được thông qua.

  Hàng giả bị tiêu hủy ở Pháp.  Ảnh: Brink News

Theo đó, luật mới quy định về các hành vi vi phạm và việc cải thiện các thiệt hại dân sự đối với các nạn nhân, có tính đến mức độ cao hơn lợi nhuận của đối tượng vi phạm. Thực thi quyền thông tin về hàng giả cần được làm rõ trước khi thi hành án và thủ tục thu giữ sản phẩm vi phạm được đồng bộ với các thủ tục về quyền sở hữu công nghiệp.

Luật Chống hàng giả của Pháp quy định cơ quan Hải quan có quyền thu giữ hàng hóa theo thủ tục hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, lưu chuyển hàng hóa thuộc sở hữu vì các mục đích này. Cơ quan Hải quan có thể thực thi tất cả các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các chỉ dẫn địa lý, do đó có thể hài hòa với luật của Liên minh châu Âu. Không có quy định cụ thể nào đối với trường hợp hàng hóa đến từ “nước thứ 3”, nghĩa là không thuộc Liên minh châu Âu và lưu thông quá cảnh trong Liên minh đến một nước thứ 3 khác.

Luật Chống hàng giả của Pháp cũng bao gồm thủ tục phá hủy hàng giả dưới sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của các nhà khai thác bưu chính, các công ty vận chuyển hàng hóa.

Một ví dụ điển hình về loại hàng hóa dễ bị làm giả nhiều nhất ở Pháp đó là các mặt hàng thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp. Tại Pháp, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thời trang cao cấp chiếm thị phần lớn. Sự gia tăng theo cấp số nhân đã trở thành mối đe dọa đối với các chủ thể kinh doanh.

Những chiếc túi Louis Vuitton bị làm nhái. Ảnh: Luxuo

Hiệp hội Thương hiệu cao cấp của Pháp đã đưa ra chiến dịch chống lại các sản phẩm làm giả, làm nhái, cảnh báo công dân các nước châu Âu về những tổn thất kinh tế bởi hàng giả trong ngành công nghiệp này. Thị trường hàng giả đã xuất hiện khắp nước Pháp và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xa xỉ phẩm và hóa mĩ phẩm, nơi chiếm hơn 130.000 lao động của quốc gia này. Chiến dịch nhằm vào các sản phẩm giả mạo nghiêm trọng, vốn gây thất thu 7,46 tỷ USD mỗi năm và 30.000 việc làm ở Pháp, đã được phát động. Những đối tượng bán hàng giả thường nhắm đến các khách hàng nước ngoài tại các điểm du lịch ở Paris, đồng thời trên các trang thương mại điện tử, số lượng hàng giả cũng đang tăng lên, gây sự khó khăn cho các cơ quan chức năng kiểm soát. Riêng trong năm 2011, Hải quan Pháp đã thu giữ khoảng 8,9 triệu sản phẩm giả mạo túi xách nhãn hiệu Louis Vuitton, đồng hồ Gucci và các mặt hàng thời trang của Christian Dior.

Singapore

Tại Singapore, cơ quan Hải quan giám sát việc thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (IPR) ở khu vực biên giới. Điều này có nghĩa là cơ quan này có quyền bắt giữ hàng hóa bị nghi ngờ, bao gồm hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu. Hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ được quy định trong đạo luật về Nhãn hiệu và Bản quyền.

Hải quan Singapore kết hợp chặt chẽ với Cơ quan Sở hữu Trí tuệ và lực lượng Cảnh sát Singapore, thực thi nhiệm vụ này. Nỗ lực thực thi pháp luật của Hải quan Singapore và các bên liên quan khác đã giúp thu giữ được 30.900 túi xách, giày dép, ví, xâm phạm các nhãn hiệu Louis Vuitton, Furla, Hello Kitty, Hermes, Gucci, Burberry và các mặt hàng thời trang được làm giả vào tháng 4/2013. Cơ quan này cũng thu giữ hơn 78.000 chai rượu Vodka giả và đã tiêu hủy trong tháng 12/2013.

30.944 mặt hàng thời trang bị làm giả, làm nhái xâm phạm bản quyền các nhãn hiệu nổi tiếng đã bị Hải quan Singapore thu giữ.  Ảnh: Singapore Customs

Bên cạnh đó, cảng Singapore là bến cảng sầm uất, nhộn nhịp nhất thế giới và là nơi trung chuyển hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu giữa châu Âu, châu Á. Do tính chất quan trọng này mà Singapore cũng gặp nguy cơ cao trở thành nơi tập kết và trung chuyển hàng giả.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu EU và Singapore (ESFTA) đã có những điều khoản về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Hải quan. Cụ thể, ESFTA sẽ có những hỗ trợ xử lý khi có trường hợp nghi ngờ vi phạm pháp luật Hải quan, đồng thời thúc đẩy việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu có thể liên hệ với Hải quan các nước về việc chống hàng giả. Các doanh nghiệp có thể yêu cầu Hải quan Singapore giám sát và thông báo cho các cơ sở sản xuất hàng hóa bị nghi ngờ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU không nên chỉ dựa vào Hải quan để phát hiện hoặc giám sát những chuyến hàng nhân danh mình mà phải chủ động trong việc theo dõi và hợp tác với cơ quan này.

Liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu ở Singapore, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thận trọng trong việc theo dõi các giao dịch trái phép với các nhãn hiệu đã được đăng ký bản quyền, đối chiếu các chi tiết cần thiết để có thể gửi các thông báo bằng văn bản bắt buộc về hàng hóa vi phạm cho Hải quan Singapore.

Australia

Những hậu quả kinh tế bắt nguồn từ ảnh hưởng của hàng giả, hàng nhái khiến các doanh nghiệp Australia buộc phải cạnh tranh sản phẩm của mình với các phiên bản bất hợp pháp, đồng thời cạnh tranh để tiếp cận các nguồn đầu tư. Các tác động do hàng giả gây ra chủ yếu cản trở sự tăng trưởng các ngành công nghiệp sáng tạo. Cụ thể là 233 triệu USD mỗi năm đối với các trường hợp vi phạm bản quyền phim ảnh; 677 triệu USD bị mất đi do hàng giả trong ngành công nghiệp đồ chơi, phần mềm trò chơi trong năm 2002; 445,7 triệu USD doanh thu bị mất trong ngành công nghiệp phần mềm kinh doanh; 300 triệu USD mỗi năm cũng bị mất do vi phạm nhãn hiệu hàng dệt may, thời trang, giày dép.

 Giày dép giả là một trong những mặt hàng xâm nhập nhiều vào thị trường Australia. Ảnh: Sky News

 Lực lượng tại khu vực biên giới Australia bắt giữ hàng giả.  Ảnh: Thecre

Nhiều doanh nghiệp Australia mất khả năng kinh hoanh, thu hút đầu tư để đổi mới và phát triển sản phẩm mới. Giảm cạnh tranh dẫn đến giá cả cao hơn, độc quyền và phân bố không hiệu quả các nguồn lực trong thị trường. Đồng thời, các sản phẩm vi phạm bản quyền có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Triển vọng phát triển của các thương hiệu Australia cũng trở nên ảm đạm hơn.

Lực lượng Biên giới Australia (ABF) được thành lập vào tháng 7/2015 sau khi sáp nhập cơ quan Hải quan Australia và Bộ Nhập cư và Bảo vệ Biên giới Australia. ABF có nhiệm vụ bảo vệ biên giới và các nghĩa vụ liên quan đến an ninh quốc gia bao gồm việc kiểm soát hàng giả.

Australia có một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ để giải quyết hàng giả nhập khẩu. Tháng 9/2014, Hải quan Australia đã tổ chức các hội thảo về các ý tưởng giúp cải thiện khả năng phát hiện vi phạm sở hữu trí tuệ ở khu vực biên giới. Trong 2 năm 2012-2013, Hải quan nước này đã thu giữ hơn 513.000 sản phẩm hàng hóa bị làm giả với giá trị bán lẻ ước tính 43 triệu USD. Trong giai đoạn 2013-2014, số lượng hàng giả bị tịch thu đã tăng lên gấp đôi là 975.000. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014-2015, số lượng hàng giả thu được chỉ là 560.000 USD.

Trong 9 tháng đầu tiên, lực lượng tại khu vực biên giới Australia đã tổ chức tốt các khóa đào tạo cho các chủ sở hữu thương hiệu để có thêm điều kiện trao đổi thông tin về thương hiệu của mình với cơ quan Hải quan.

Lực lượng Biên phòng Australia thi hành quyền sở hữu trí tuệ, cho phép thu giữ hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ vi phạm nhãn hiệu, bản quyền, các chỉ dẫn liên quan đến các sự kiện thể thao. Chủ sở hữu thương hiệu quan ngại về tình trạng hàng giả làm nhái sản phẩm của mình cần gửi một thông báo lên ABF. Hàng hóa này phải chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan Australia, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng cho mục đích thương mại.

Hàng năm, ABF nhận được trên 600 thông báo từ các chủ sở hữu thương hiệu. Trong năm tài chính 2015-2016, đã có hơn 190.000 mặt hàng bị làm giả, hàng lậu bị tịch thu, trị giá khoảng 17 triệu USD. ABF đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp trong khi thực thi các luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và sự an toàn cho người tiêu dùng Australia.

Thu Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều