Cuộc chiến chống nghèo đói đầu tiên tại Mỹ sau hơn nửa thế kỷ

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ hay Luật cứu trợ COVID-19 vừa được Tổng thống Biden ký phê chuẩn được đánh giá là đạo luật chống đói nghèo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong hơn 50 năm qua tại Mỹ.  
 Tổng thống Joe Biden ký đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, trị giá 1,9 ngàn tỷ USD. Ảnh: Reuters
Theo trang Vox, 57 năm trước, Lyndon Johnson - tổng thống đảng Dân chủ nổi tiếng là một nhân vật trung dung, thông báo rằng chính phủ của ông phát động “cuộc chiến vô điều kiện chống nghèo đói ở Mỹ”.

Sau thời Tổng thống Lyndon Johnson, cuộc chiến chống đói nghèo là một tập hợp các sáng kiến như: Medicare, Medicaid; phiếu thực phẩm; hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em (WIC); bữa sáng ở trường, chương trình về nhà ở… Đó là một bước ngoặt đã định hình lại cuộc sống của người Mỹ trong những thập niên sau đó và tới tận thời điểm này.

Với việc đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1,9 ngàn tỷ USD vừa được ký phê chuẩn ngày 11/3, một tổng thống Dân chủ khác, cũng nổi tiếng là người ôn hòa, đang đặt dấu ấn của mình lên các chính sách của nước Mỹ.

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ hay Luật cứu trợ COVID-19, đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua và được Tổng thống Biden ký ban hành, được đánh giá là đạo luật chống đói nghèo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong hơn 50 năm qua tại Mỹ.  

 Tổng thống Joe Biden ký đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, trị giá 1,9 ngàn tỷ USD. Ảnh: Reuters
Trong Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP), ngân phiếu 1.400 USD sẽ được gửi cho người lớn và trẻ em phụ thuộc; trợ cấp thất nghiệp liên bang được tăng thêm đến tháng 9/2021. Kế hoạch này cũng tăng tín thuế trẻ em cho năm 2021, trợ cấp giúp những người có thu nhập thấp ở các bang đã không mở rộng mua bảo hiểm y tế; cung cấp hỗ trợ mua nhà cho những người có nguy cơ vô gia cư, và thúc đẩy Tiền miễn giảm thuế đặc biệt (EITC) cho người lớn không có con.

Cuộc tấn công vào nghèo đói

Cuộc chiến chống nghèo đói của Tổng thống Lyndon Johnson đã ghi dấu ấn trong ký ức lịch sử. Năm 1960, tỉ lệ nghèo đói trong tiêu dùng ở Mỹ là 30,8%, đến năm 1972, giảm xuống 16,4%. Những nỗ lực của Tổng thống Johnson dường như là đòn bẩy chính giúp giảm tỷ lệ nghèo xuống gần một nửa.

Theo trang Vox, Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ của Tổng thống Biden sẽ là cuộc tấn công đáng kể nhất của chính phủ liên bang đối với nạn nghèo đói kể từ thời cựu Tổng thống Lyndon Johnson.

Nhưng có một lời cảnh báo: Nếu cuộc tấn công đó bắt đầu và kết thúc bằng dự luật kích thích, trong đó các biện pháp chống đói nghèo lớn nhất chỉ là tạm thời, thì đạo luật này cũng sẽ chỉ đưa ra những cải tiến nhất thời. Tuy nhiên, nếu ông Biden và các đồng minh trong Quốc hội có thể đặt những mục tiêu dài hạn hơn dựa trên đạo luật thì họ có cơ hội tạo ra một dấu ấn về giải quyết tình trạng nghèo đói, giống như Lyndon Johnson đã làm được từ nhiều thập niên trước.

 Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: AP
Sau nhiều năm vận động bởi các nhóm tiến bộ và các tổ chức tư vấn, Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ đã trở thành một khoản trợ cấp trẻ em mạnh mẽ ở Mỹ - điều mà nhiều quốc gia giàu có đã thực hiện. Trợ cấp trẻ em theo đạo luật vừa được ký ngày 11/3 sẽ chuyển đổi khoản tín thuế trẻ em hiện có thành khoản trợ cấp lên đến 3.600 USD hàng năm cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống và 3.000 USD hàng năm cho những em từ 6 đến 17 tuổi. Khoản tín dụng mở rộng không chỉ hào phóng hơn (so với hiện tại chỉ tối đa 2.000 USD), mà còn bao gồm các gia đình nghèo vốn không đủ điều kiện nhận đủ 2.000 USD/năm theo quy định hiện hành.

Nhưng tín thuế trẻ em không phải là chính sách chống đói nghèo duy nhất trong gói kích cầu.

Chi phiếu kích thích trị giá 1.400 USD – điểm dễ thấy nhất trong luật cứu trợ - sẽ làm giảm tỷ lệ đói nghèo hơn nữa. Sau đó là việc mở rộng Tiền miễn giảm thuế đặc biệt (EITC) trong một năm, giúp tăng gấp 3 lần lợi ích của người lao động thu nhập thấp không có con; cộng với khoản trợ cấp thất nghiệp thưởng thêm là 300 USD/tuần cho đến ngày 6/9/2021.

Những điều khoản khác ít được biết đến trong luật cũng phần lớn mang lại lợi ích cho người nghèo: như mở rộng khoản trợ cấp Obamacare khổng lồ; quyền lợi tem phiếu thực phẩm mở rộng; hỗ trợ cho thuê nhà khẩn cấp và mở rộng phiếu (voucher) mua nhà; tăng cường chương trình phúc lợi của các tiểu bang.

Đó là một chương trình đem lại nhiều lợi ích. Một phân tích của Viện Đô thị Mỹ về gói kích thích mới nhất cho thấy, tỷ lệ nghèo ở trẻ em vào năm 2021 sẽ giảm hơn 52%, với chi phiếu 1.400 USD và tín thuế trẻ em. Tỷ lệ nghèo nói chung, ở cả người lớn và trẻ em, sẽ giảm 1/3, đưa 16 triệu người thoát nghèo.

Năm 2022 sẽ cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiến xa đến mức nào trong cuộc chiến chống nghèo đói. Ảnh: AP 
Những mục tiêu bền vững

Chúng ta có thể chắc chắn rằng cuộc chiến chống đói nghèo lần thứ hai sẽ giúp cuộc sống của hàng triệu gia đình Mỹ đang sống trong hoặc cận nghèo sẽ dễ thở hơn rất nhiều trong năm 2021.

Nhưng một cuộc chiến lâu bền chống lại đói nghèo lại đòi hỏi những chương trình lâu dài. Và nếu Tổng thống Biden quyết định đặt mục tiêu tham vọng hơn, ông có thể cắt giảm tỷ lệ nghèo đi một nửa.

Ông Biden đã gợi ý rằng khoản tín thuế trẻ em tăng lên sẽ được duy trì; EITC mở rộng và tín dụng chăm sóc trẻ em và người phụ thuộc cũng có thể được chuyển thành vĩnh viễn...

Nhưng Tổng thống Biden còn có thể làm được nhiều hơn thế. Ông có thể vượt ra ngoài các điều khoản hỗ trợ tiền thuê nhà trong dự luật kích thích và khôi phục đề xuất khi tranh cử của mình về quyền lợi nhà ở.

Tổng thống Biden đã bắt đầu cuộc chiến chống đói nghèo lần thứ hai, và ông chỉ có một khung thời gian ngắn để xúc tiến cuộc chiến đó. Năm 2022 sẽ cho thấy chính quyền của ông có thể tiến xa đến mức nào trong việc xây dựng một Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ mang tính bước ngoặt.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều