Cuộc chung sống không dễ dàng

Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tiếp tục nêu bật sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Điều này cũng báo hiệu cuộc chung sống chính trị khó khăn giữa Tổng thống Cộng hòa với Hạ viện Dân chủ trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Rào cản cho nghị trình đối nội

Với việc giành lại Hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa lần đầu tiên trong 8 năm qua (chiếm 230/435 ghế), đảng Dân chủ giờ đây có vai trò lớn hơn trong việc thiết lập chính sách chi tiêu và soạn thảo luật, cũng như tăng cường giám sát hoạt động của chính quyền và tác động đến chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng. Bà Nancy Pelosi, người dự kiến trở thành Chủ tịch Hạ viện, gửi lời cảm ơn đến người ủng hộ với tuyên bố: “Ngày mai sẽ là một ngày mới ở nước Mỹ”.

Về đối nội, chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt là việc thúc đẩy dự luật y tế thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare), chính sách nhập cư cứng rắn, tham vọng xây dựng bức tường an ninh ở biên giới với Mexico… vốn đã khó khăn, nay có thể rơi vào bế tắc hoàn toàn. Mâu thuẫn hai đảng sẽ tăng lên khi phe Dân chủ đóng vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách chi tiêu và soạn thảo luật.

­­­Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng có thể mở đường cho loạt cuộc điều tra do các nghị sĩ đảng này dẫn đầu nhằm vào Tổng thống Trump, từ hoạt động kinh doanh của ông Trump và gia đình tới những cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Với việc kiểm soát Hạ viện, phe Dân chủ có thể vừa giám sát vừa bảo vệ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cùng với đó là tổ chức các cuộc điều tra khác nhắm vào ông Trump và phụ tá.

Trong lĩnh vực kinh tế, giới chuyên gia cho rằng với một cơ quan lập pháp chia rẽ từ đầu năm tới, và khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 trong quá trình “chạy đà”, sự phân cực ở Washington đồng nghĩa với việc các dự luật về kinh tế sẽ khó có thể được thông qua.

Bà Nancy Vanden Houten, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết: “Phe Dân chủ chắc chắn sẽ chống lại mọi ý định cắt giảm thuế thêm nữa. Chúng ta sẽ chứng kiến cảnh bế tắc trong nhiều vấn đề, dù vẫn có cơ hội đạt thỏa thuận về một gói hạ tầng khiêm tốn”.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất, Tổng thống Trump - người từng cảnh báo rằng phe Dân chủ sẽ “phá hỏng nền kinh tế Mỹ” - giờ đây đã có hai “kẻ tội đồ” để đổ lỗi nếu xảy ra suy thoái, đó là Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, và Chủ tịch FED Jerome Powell. Bà Vanden Houten dự báo: “Nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ dễ bị tổn thương hơn trong một năm tới”.

Những chuyển hướng đối ngoại

Nhìn chung trong lĩnh vực đối ngoại, chính sách của Mỹ sẽ không có thay đổi mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, nhiều khả năng Quốc hội khóa mới sẽ buộc Nhà Trắng giảm bớt mối quan tâm ở Trung Đông để tập trung hơn vào các vấn đề an ninh phi truyền thống ở châu Á, vốn phần lớn bị lưỡng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ qua, như tái khẳng định cam kết của Mỹ với các cấu trúc khu vực ở châu Á như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), cũng như cam kết với các đồng minh truyền thống như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc; quan tâm hơn đến vấn đề chống biến đổi khí hậu, chống cướp biển, khủng bố ở Đông Nam Á... Quốc hội cũng sẽ yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump làm rõ nội hàm chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được thực hiện chính xác như thế nào và mục tiêu cuối cùng là gì, cũng như việc dành nguồn lực triển khai thực hiện chiến lược này.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ không có điều chỉnh lớn vì đang có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa 2 đảng về việc cần thiết phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Có chăng là Quốc hội do phe Dân chủ kiểm soát sẽ tăng cường chất vấn Nhà Trắng về mặt lợi và hại của các cuộc chiến thương mại hiện nay với Trung Quốc.

Chính sách của Washington với Bình Nhưỡng được dự báo cũng không có nhiều thay đổi vì nhiều đảng viên Dân chủ cấp tiến muốn duy trì bầu không khí hòa dịu hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ thảo luận với Bình Nhưỡng và không muốn chặn giải pháp ngoại giao với quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, phe Dân chủ sẽ yêu cầu chính quyền cung cấp thêm thông tin về nội dung các cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, do lo ngại ông Trump quá hào hứng đạt được “thỏa thuận vĩ đại” đến mức nhượng bộ Bình Nhưỡng quá nhiều.

Trong mối quan hệ với Iran, đảng Dân chủ đã rất bất bình với quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đạt được năm 2015. Tuy nhiên, ít có khả năng họ sẽ thay đổi được chính sách này khi đảng Cộng hòa vẫn nắm kiểm soát Thượng viện. Hơn nữa, các nhà lập pháp Mỹ vẫn cẩn trọng trong việc thân thiện với Iran bởi Israel không hề hài lòng với viễn cảnh này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hợp tác chặt chẽ với đảng Cộng hòa và mối quan hệ gắn kết với Tel Aviv vẫn là ưu tiên của cả đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ.

Theo Quỳnh Vũ/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều