Cuộc sống 'không nghỉ hưu' của người cao tuổi Nhật Bản

Trong chiếc áo sơ mi đã cũ, đôi tay hơi run run, ông Koichi Kashiwa cầm cốc lên nhấp một ngụm cà phê và nhớ lại cuộc sống trước đây, khi ông còn điều hành một công ty xuất bản nhỏ ở Tokyo.
 Người cao tuổi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm ngoái, người đàn ông 76 tuổi này đã bị đột quỵ nhẹ và ảnh hưởng tới khả năng vận động. Bất chấp sức khỏe suy giảm, Kashiwa vẫn không ngừng làm việc. Ông đang chờ cuộc gọi thông báo về ca làm việc ngày mai tại một công trường xây dựng – nơi ông sẽ đảm nhiệm công việc điều phối giao thông.

Kashiwa chia sẻ trong suốt 30 năm làm nghề xuất bản, ông đã kiếm được 205.700 USD tiền bản quyền nhờ một số tựa sách hấp dẫn. Từ đó, ông vung tiền vào đồ cổ, các sở thích khác và dần trở nên chi tiêu hoang phí. Ở độ tuổi 50, ông Kashiwa bắt đầu “nướng” tiền vào trò cá cược đua ngựa, đánh dấu sự kết thúc của những năm tháng vinh quang trong cuộc đời ông. Tiền tiết kiệm của Kashiwa cũng dần cạn kiệt. Ông nợ nần chồng chất và bị cơ quan thuế tịch thu tài sản. Khi bước sang tuổi 65, Kashiwa lâm vào cảnh túng thiếu.

“Tôi đã phải làm một công việc nào đó. Tôi cần phải tìm một nguồn thu nhập. Thật khó để tìm việc làm đối với một người không có gì ngoài kinh nghiệm xuất bản. Vì vậy, tôi đã chọn công việc điều phối giao thông”, ông nói.

Ông Kashiwa chỉ là một trong số hàng triệu người đã nghỉ hưu ở Nhật Bản đang kiếm sống nhờ những công việc được trả lương thấp, không ổn định và đòi hỏi thể chất cao - như nhân viên bảo vệ, quét dọn trong bối cảnh thiếu lao động trầm trọng ở quốc gia đang già đi nhanh nhất thế giới.

Mặc dù chính phủ đã khuyến khích người cao niên Nhật Bản làm việc lâu hơn để hỗ trợ hệ thống an sinh xã hội dưới áp lực nhân khẩu học, nhưng liệu họ có thể duy trì sinh kế và động lực dưới hàng loạt cơ hội hiện nay hay không vẫn là một vấn đề. Theo giới chuyên gia, chính sách này có thể duy trì, song cũng có thể phá vỡ nền kinh tế Nhật Bản trong những năm tới.

Vào tháng trước, Bộ Nội vụ lần đầu công bố số liệu cho thấy những người từ 75 tuổi trở lên chiếm hơn 15% tổng dân số Nhật Bản, khi tỷ lệ này ở mức kỷ lục 29,1% - cao nhất thế giới. Con số này dự kiến sẽ đạt 38,4% vào năm 2065 khi dân số tiếp tục giảm. Trong khi đó, số người trên 65 tuổi vẫn làm việc tăng năm thứ 18 liên tiếp, đạt 9,09 triệu người, tương đương 13,5% dân số lao động. Tại Nhật Bản, trên 50% người trong độ tuổi từ 65 đến 69 vẫn đang làm việc.

Bà Miho Fujinami - Phó giáo sư tại Đại học Chiba Keizai, chuyên gia về việc làm người cao tuổi - cho biết: “Hầu hết các nền kinh tế phát triển đang già đi, nhưng không nhanh như Nhật Bản. Đồng thời, các số liệu thống kê đã chỉ ra rằng mức độ sẵn sàng làm việc của những người lớn tuổi Nhật Bản cao hơn so với một số quốc gia phương Tây.”

Theo Báo cáo thường niên của Văn phòng Nội các về Hiệp hội Người cao tuổi trong năm tài chính 2021, 40,2% người trên 60 tuổi ở Nhật Bản vẫn muốn làm việc, cao hơn 3 quốc gia được khảo sát khác là Mỹ, Đức và Thụy Điển.

Khát khao tiếp tục làm việc của một số người lao động cũng phù hợp với kế hoạch “làm việc suốt đời” của Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, việc cho phép người lao động làm việc trong những năm tuổi già giúp thúc đẩy cải cách thị trường lao động, bù đắp tỷ lệ sinh thấp, chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao của quốc gia này.

Trong khi hầu hết các công ty Nhật Bản đã ra quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, bản sửa đổi luật có hiệu lực vào năm 2013 hiện yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc cho đến 65 tuổi – thời điểm người lao động đủ điều kiện nhận trợ cấp lương hưu nhà nước. Chính sách này tiếp tục được sửa đổi vào năm 2021, khuyến khích các doanh nghiệp đảm bảo cơ hội làm việc cho nhân viên đến khi họ 70 tuổi, bằng cách bãi bỏ hoặc nâng tuổi nghỉ hưu, thuê lại nhân viên theo hợp đồng sau khi nghỉ hưu hoặc giao một số nhiệm vụ nhất định cho các cá nhân.

Tuy nhiên trên thực tế, người lao động lớn tuổi có rất ít kinh nghiệm ngoài vai trò mà họ từng đảm nhận trong các công ty trước đó. Đây là bất lợi lớn khi nhóm tuổi này tham gia vào thị trường lao động. Thật vậy, vào năm 2020, 76,5% người từ 65 tuổi trở được thuê làm những công việc lương thấp, không ổn định. Con số này đã tăng lên 2,27 triệu người so với một thập kỷ trước.

 Sự bùng nổ trong ngành xây dựng trong những năm gần đây đã khiến nhu cầu thuê nhân viên bảo vệ gia tăng ở Nhật Bản. Ảnh: Getty
Sau khi rời công việc tại một công ty cung cấp dịch vụ y tế nước ngoài, ông Tetsuro Kanzaki,67 tuổi, đã chuyển sang làm công việc trông nom chung cư. Hiện ông làm việc 6 ngày/tuần tại một khu dân cư cao 24 tầng ở trung tâm Tokyo, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Công việc thường xuyên là kiểm tra và dọn dẹp căn hộ, giải quyết thắc mắc của cư dân và bất kỳ vấn đề nào khác phát sinh trong tòa nhà.

Theo điều tra dân số quốc gia, năm 2015, có khoảng 150.000 người đang làm công việc tương tự ông Kanzaki, với độ tuổi trung bình là 53,5 tuổi. Hầu hết làm việc bán thời gian hoặc được thuê theo hợp đồng.

Bên cạnh sự bất an về tài chính, ông Kanzaki tin rằng có nhiều lý do khác khiến người cao tuổi ở Nhật Bản lựa chọn tiếp tục làm việc, như họ có quá nhiều thời gian, trong khi lại có rất ít việc để làm vì không có sở thích hay bạn bè.

“Tôi cảm thấy đó là một sự khác biệt lớn về quan điểm so với các quốc gia phương Tây, nơi mọi người thường mong được nghỉ hưu và tự do”, Kanzaki nói và cho biết vẫn có giới hạn về độ tuổi có thể làm việc.

Tại Nhật Bản, có khoảng 590.000 “keibiin” (nhân viên bảo vệ) – công việc này bao gồm các nhiệm vụ kiểm tra và điều phối giao thông như ông Kashiwa. Đây là nghề có nhu cầu cao với số lượng tăng đều trong những năm qua, trong bối cảnh ngành xây dựng đang bùng nổ. Tuy nhiên, 67% người lao động trong lĩnh vực này trên 50 tuổi, trong khi gần 18% trong số họ từ 70 tuổi trở lên.

Song “keibiin” được đánh giá là một công việc khó khăn ngay cả đối với những người lao động trẻ. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức chịu đựng tốt khi phải đứng nhiều giờ liên tục, dù mưa hay nắng, bên các công trường xây dựng. Tuy nhiên, Kashiwa cho biết công việc của ông cũng có những cơ hội tốt.

“Bạn có thể gặp gỡ tất cả những người có hoàn cảnh khác nhau. Và đứng cả ngày cũng giúp bạn khỏe mạnh hơn. Tôi bị bệnh tiểu đường, nhưng bác sĩ của tôi đã rất ngạc nhiên khi tôi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ vì chỉ số của tôi rất tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi muốn làm người điều phối giao thông cho đến khi chết”, ông chia sẻ.

Vân Khánh/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều