Đại án tham nhũng rúng động Indonesia

Các nhà điều tra cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto nằm trong số hàng chục chính trị gia dính líu tới bê bối nâng giá thẻ căn cước điện tử (e-ID) trong dự án cấp thẻ mới cho công dân, gây thất thoát của nhà nước khoảng 170 triệu USD.

 Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto. Ảnh: Reuters

170 triệu USD và khoảng 80 người liên quan

Tối 19.11, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto bị bắt và đưa thẳng từ bệnh viện đến trung tâm giam giữ cấp 1 Đông Jakarta thuộc Ủy ban chống tham nhũng Indonesia (KPK).

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi ông Setya Novanto sắp bị liệt vào danh sách bị truy nã sau khi liên tục phớt lờ lệnh triệu tập để thẩm vấn của KPK. Theo Jakarta Post, tính đến ngày 16.11, KPK đã triệu tập ông Setya Novanto ít nhất 11 lần với tư cách nhân chứng và người bị tình nghi trong vụ án. Ngoài ra, ông biến mất khi lực lượng chức năng đột kích vào nhà riêng ở thủ đô Jakarta hôm 15.11. Chủ tịch Hạ viện Indonesia xuất hiện trong vòng 24 giờ sau đó tại một bệnh viện ở Jakarta và cho biết, ông gặp tai nạn. Ngày 19.11, sau khi các bác sĩ xác nhận, ông Setya Novanto đủ sức khỏe để thẩm vấn, KPK đã tiến hành bắt giữ. Ông sẽ bị giam giữ trong 20 ngày để thẩm vấn.

Về đại án tham nhũng rúng động Indonesia, cảnh sát cho biết, có khoảng 80 người, chủ yếu là các nghị sĩ và một số công ty liên quan. Theo Tân Hoa Xã, ngoài Chủ tịch Hạ viện Indonesia, KPK cũng đã bắt giữ 4 nghi can khác, bao gồm 2 quan chức Bộ Nội vụ, 1 doanh nhân, 1 nghị sĩ quốc hội.

Các cá nhân và công ty này đã lợi dụng việc đưa hệ thống thẻ căn cước điện tử vào hoạt động năm 2011-2012 để biển thủ hơn 1/3 số tiền trong khoản ngân sách 576 triệu USD. Riêng ông Setya Novanto bị cáo buộc bỏ túi lên đến 50 triệu USD trong số tiền thuộc dự án dành cho cho 255 triệu người dân Indonesia nói trên.

Ông Setya Novanto là một chính trị gia có ảnh hưởng của Đảng Golkar - đảng lớn thứ hai ở Indonesia. Ông bị cáo buộc liên quan đến một số vụ tham nhũng kể từ năm 1999 nhưng chưa bao giờ bị kết tội.

Năm 2015, ông bị cáo buộc tống tiền, đòi cổ phần trị giá 1,8 tỉ USD từ công ty Freeport McMoran của Mỹ để đổi lấy việc công ty này được tiếp tục hoạt động tại tỉnh Tây Papua. Ông Setya Novanto bị buộc phải từ chức Chủ tịch Hạ viện năm 2015 nhưng nhanh chóng lấy lại tư cách nghị sỹ và được phục chức chưa đầy một năm sau đó.

Dấu hiệu tốt về cam kết chống tham nhũng

Ông Tobias Basuki - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Jakarta - chia sẻ với The Australian: “Việc ông Setya Novanto bị giam giữ là dấu hiệu tốt cho một cam kết lớn hơn, đặc biệt là từ Tổng thống về việc thẳng tay quét sạch tham nhũng”.

Đề cập tới việc Chủ tịch Hạ viện bị bắt giữ, Tổng thống Joko Widodo hôm 20.11 đề nghị ông Setya Novanto “theo đúng trình tự pháp lý”. Phó Tổng thống Jusuf Kalla - thành viên Đảng Golkar - cũng đưa ra bình luận tương tự.

Trong chiều 21.11, một hội đồng của Quốc hội Indonesia đã tổ chức cuộc gặp lãnh đạo từ 10 đảng phái chính trị để thảo luận về việc cần làm khi ông Setya Novanto bị bắt giữ. Cùng ngày, một cuộc họp riêng rẽ khác cũng được các thành viên ban lãnh đạo trung ương đảng Golkar tổ chức để thảo luận về việc chỉ định người tạm thời thay thế vị trí Chủ tịch Hạ viện và chủ tịch tạm thời của Golkar.

Theo Hà Liên/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều