Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen giao thông tại các thành phố lớn

Theo báo cáo của TomTom NV (một tổ chức chuyên về công nghệ định vị) công bố ngày 8/2, gần 2 năm sau khi các biện pháp phong tỏa nhằm chống đại dịch COVID-19 bắt đầu được áp dụng, giao thông trong các thành phố trên thế giới vẫn chưa trở lại mức bình thường. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy đại dịch đã thay đổi thói quen làm việc, tiêu dùng và sinh hoạt như thế nào.
 Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở trung tâm thủ đô London, Anh trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
TomTom NV đã thống kê số liệu chi tiết về các xu hướng giao thông tại 404 thành phố ở 58 quốc gia trong năm 2021 và đưa ra Chỉ số Giao thông thường niên lần thứ 11, cho thấy tỷ lệ xảy ra tắc đường trên thế giới (phép đo hoạt động di chuyển của mọi người và phương tiện) trong năm 2021 thấp hơn 10% so với trong năm 2019, chủ yếu do những thay đổi trong thói quen làm việc do dịch bệnh. Khi mà làm tại nhà, hội nghị trực tuyến và giờ làm việc linh hoạt trở thành tiêu chuẩn mới đối với nhiều công ty, tắc đường vào giờ cao điểm đã giảm trung bình 19% trong năm 2021 so với năm 2019.

Tuy nhiên, nhiều thành phố đã chứng kiến lưu lượng giao thông thay đổi trong năm, từ mức đặc biệt thấp khi các biện pháp hạn chế có hiệu lực, đến mức đặc biệt cao khi các biện pháp được dỡ bỏ. Nói cách khác, thế giới đang di chuyển với tốc độ của dịch và sự xuất hiện của các biến thể.

Các nhân tố khác, như các điều kiện thời tiết cực đoan, cũng góp phần khiến tắc nghẽn giao thông ghi nhận những mức cao kỷ lục. Tháng 2/2021, tắc đường theo giờ đã lên đến mức cao nhất tại 1/4 số thành phố được nghiên cứu. Những mức tăng cao nhất thế giới được ghi nhận tại thủ đô Kiev của Ukraine là 235%, tại thủ đô Vácsava của Ba Lan là 220% và tại thành phố Cincinnati (Mỹ) là 241%, chủ yếu do tuyết.

Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tỷ lệ tắc đường trung bình ở mức 62%, là thành phố bị tắc đường nhiều nhất trong năm 2021. Trong khi đó, thành phố Bengaluru ở Ấn Độ và thủ đô Manila của Philippines là hai thành phố chứng kiến tắc đường nhiều nhất trong năm 2019, với tỷ lệ lên tới 71%, nay đã giảm xuống vị trí thứ 10 và 18 trong năm 2021.

Lần đầu tiên TomTom sử dụng dữ liệu giao thông và một phương pháp luận của các học giả tại Đại học Công nghệ Graz để đánh giá tác động môi trường của tình trạng gia tăng tắc đường và tác động của khí thải tại 4 thủ đô ở châu Âu. Tại London (Anh), đã ghi nhận 14,8 megatonnes (Mt) khí thải CO2 từ giao thông đường bộ trong năm 2021, trong đó 15% (tứ 2,2 Mt) chủ yếu được phát thải trong lúc tắc đường. Tại Paris (Pháp), Berlin (Đức) và Amsterdam (Hà Lan), con số trên lần lượt là 1,85 Mt (tăng 13,5%), 0,42 Mt (tăng 10,5%) và 0,06Mt (tăng 7%). 

Trong đại dịch, việc sử dụng phương tiện di chuyển mới đang ngày càng phổ biến, e-scooter và xe đạp tăng mạnh, nhờ những làn đường dành riêng cho xe đạp tại nhiều thành phố. Bên cạnh đó, phương tiện giao thông công cộng cũng giảm sức hút khi người tham gia giao thông ưu tiên sử dụng xe riêng, coi đây là cách an toàn hơn để đảm bảo giãn cách xã hội. Nhưng chính việc tăng sử dụng xe ô tô riêng đã làm gia tăng tắc đường ở nhiều nơi khi các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Một đặc điểm khác là sự bùng nổ của thương mại điện tử đã giúp giảm giao thông vào giờ cao điểm. Chuyên gia Ralf Peter Schäfer của TomTom VN, nhận định: "Khủng hoảng dịch COVID-19 như chất xúc tác, đẩy nhanh tốc độ thay đổi cách thức tiêu dùng của chúng ta".

Theo TomTom NV, năm 2021 cũng chứng kiến nhiều chương trình của các địa phương giúp thay đổi cách chúng ta di chuyển. Nhiều thành phố như Paris hay các thành phố ở Tây Ban Nha đã ra quyết định giảm giới hạn tốc độ từ 50km/h xuống còn 30km/h, trong khi Vùng thải khí thấp (LEZ) đang được hơn 240 thành phố châu Âu áp dụng. Dữ liệu của TomTom cho thấy việc mở rộng Vùng thải khí siêu thấp (ULEZ) ở London đã cho phép giảm khí thải PM (45%) và NOx (54%).

Bàn về cách giảm tắc đường, ông Ralf-Peter Schäfer cho rằng phát triển hạ tầng đường bộ và tăng khả năng lưu thông trên đường không phải là giải pháp. Theo ông, thay đổi cách hành xử và các mô hình giao thông có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Các biện pháp nhằm giảm giao thông vào giờ cao điểm có thể giúp cải thiện đáng kể tình hình, bằng chứng là đại dịch đã cho thấy điều này. Cung cấp thông tin giao thông cập nhật hơn cho tài xế và các cơ quan chức năng trong ngành giao thông có thể giúp giải tỏa nút thắt tắc đường kịp thời và quản lý tắc nghẽn tốt hơn.

Ông Ralf-Peter Schäfer khẳng định: "Cần thay đổi mô thức giao thông: dành phần đường lớn hơn cho xe đạp và các phương tiện công cộng. Đây là nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi đầu tư lớn và những quyết định chính trị táo bạo, và cũng cần thời gian".

Theo Bích Liên (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều