Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc và tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 18 đến 24-10-2017) với chủ đề “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đại hội đưa ra những quyết sách chiến lược trên cơ sở đổi mới tư duy, cách tiếp cận và sự sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước, xây dựng Trung Quốc thành một “cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, tươi đẹp”.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, phía trước) tại phiên bế mạc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 24-10 - Nguồn: baotintuc.vn

Những quan điểm tư tưởng chỉ đạo, những nguyên tắc cơ bản

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những thay đổi sâu sắc và đang diễn biến phức tạp: Trung Quốc đang đẩy mạnh công cuộc “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” sẽ kết thúc vào năm 2020, cũng là năm hoàn thành mục tiêu phấn đấu “một trăm năm thứ nhất” (1921 - 2020), tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu “một trăm năm thứ hai (1949 - 2049), đến giữa thế kỷ XXI hoàn thành công cuộc hiện đại hóa đất nước, “thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”.

Trong Nghị quyết của Đại hội XIX về việc thông qua “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII” do Tổng Bí thư Tập Cận Bình trình bày, “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” được khẳng định là “kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, nhân dân các dân tộc trong toàn quốc, là tuyên ngôn chính trị và cương lĩnh hành động để Đảng đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc trong cả nước kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, là văn kiện có tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác”(1). Trong “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi)” được thông qua tại Đại hội XIX đã quy định: “Tư tưởng Tập Cận bình và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới đã cùng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học tạo thành kim chỉ nam hành động của Đảng”(2). Đại hội yêu cầu toàn Đảng lấy tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tính tự giác và tính kiên định trong học tập, quán triệt tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới trong toàn bộ quá trình xây dựng, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” là sự khái quát hoạt động lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc. Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XVIII do Tổng Bí thư Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội XIX tập trung nêu rõ những quan điểm tư tưởng chỉ đạo, những nguyên tắc lớn trong quá trình phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, và những đường lối, chính sách sẽ thực hiện trong thời gian tới về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, thống nhất đất nước, đối ngoại và xây dựng Đảng.

“Tư tưởng Tập cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” đã thể hiện trong chỉ đạo chiến lược công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc như sau:

Một là, xác định rõ con đường xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, nhằm thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, trên cơ sở hoàn thành công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả (giữa năm 2020), trong 30 năm tiếp sau đó chia thành hai giai đoạn: từ năm 2031 - 2035 cơ bản hoàn thành, và từ năm 2035 đến giữa thế kỷ XXI hoàn thành công cuộc hiện đại hóa, xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.

Hai là, xác định rõ mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc trong thời đại mới là mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng lên của nhân dân với sự phát triển không cân đối, không đầy đủ. Do vậy cần kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, toàn thể nhân dân cùng giàu có.

Ba là, xác định rõ việc kết hợp phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái trong một thể thống nhất (ngũ vị nhất thể); thực hiện chiến lược “bốn toàn diện”(3); kiên định niềm tin đối với đường lối, lý luận, chế độ, văn hóa.

Bốn là, xác định rõ mục tiêu chung của việc thực hiện toàn diện cải cách theo chiều sâu là hoàn thiện và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý nhà nước.

Năm là, xác định rõ mục tiêu chung của việc thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật là nhằm xây dựng hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, xác định rõ mục tiêu xây dựng quân đội trong thời đại mới thành một quân đội nhân dân hùng mạnh (cường quân) hàng đầu trên thế giới.

Bảy là, xác định rõ “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” phải thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, thúc đẩy việc xây dựng “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”.

Tám là, xác định rõ đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đưa ra yêu cầu chung về xây dựng Đảng trong thời đại mới, nêu bật vị trí quan trọng của công tác chính trị trong xây dựng Đảng.

Những phương châm, sách lược cơ bản để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại

- Xây dựng một hệ thống kinh tế hiện đại. Đại hội XIX đưa ra những quan điểm mới về phát triển, chủ trương xây dựng một hệ thống kinh tế hiện đại. Với quan điểm “phát triển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương giải phóng và phát triển sức sản xuất, tiếp tục phương hướng cải cách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh. Xuất phát từ nhận định kinh tế Trung Quốc “đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao”, đang chuyển đổi phương thức phát triển, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng, Đại hội XIX cho rằng, xây dựng một hệ thống kinh tế hiện đại là đòi hỏi cấp bách để vượt qua mọi trở lực và là mục tiêu chiến lược trong phát triển của Trung Quốc. Nhằm thực hiện mục tiêu tổng thể đó, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung thực hiện các giải pháp lớn: Thứ nhất, đi sâu cải cách quan hệ cung cầu, coi việc nâng cao chất lượng của hệ thống cung cầu là “hướng tấn công chủ yếu”; đề cao chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, thúc đẩy quá trình xây dựng Trung Quốc thành một “quốc gia sáng tạo”, coi sáng tạo là động lực hàng đầu thúc đẩy phát triển, là điểm tựa chiến lược của công cuộc xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại. Thứ ba, thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn. Coi vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề căn bản hệ trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, giải quyết vấn đề tam nông là trọng điểm trong trọng điểm công tác của toàn Đảng. Thứ tư, thực hiện chiến lược phát triển khoa học một cách hài hòa. Thứ năm, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Cải cách thể chế kinh tế phải lấy việc hoàn thiện chế độ quyền sở hữu tài sản và thị trường hóa phân bổ nguồn lực làm trọng điểm, nhằm khích lệ quyền sở hữu tài sản có hiệu quả, nguồn lực lao động tự do, giá cả phản ứng linh hoạt, cạnh tranh công bằng, trật tự, doanh nghiệp mạnh thì thắng, doanh nghiệp yếu bị đào thải. Hoàn thiện các thể chế quản lý tài sản nhà nước, cải cách thể chế kinh doanh ủy quyền vốn nhà nước, đẩy nhanh tối ưu hóa bố cục, điều chỉnh kết cấu, tái cơ cấu chiến lược kinh tế nhà nước, thúc đẩy duy trì và tăng giá trị tài sản nhà nước, thúc đẩy nguồn vốn nhà nước phát triển ngày càng lớn mạnh và hiệu quả, quy mô lớn, phòng, chống hiệu quả sự thất thoát tài sản nhà nước. Đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế sở hữu hỗn hợp, xây dựng doanh nghiệp tầm hàng đầu thế giới có sức cạnh tranh toàn cầu. Thứ sáu, thúc đẩy hình thành một cục diện mở cửa mới. Lấy “Vành đai, Con đường” làm trọng điểm, coi trọng cả nhập khẩu và xuất khẩu, tôn trọng nguyên tắc cùng hòa, cùng làm, cùng hưởng, tăng cường hợp tác về năng lực sáng tạo, hình thành một cục diện mở, kết nối giữa lục địa với hải ngoại, giữa trong nước và ngoài nước, cùng hướng tới nhau và hỗ trợ nhau giữa hai vùng miền Đông và miền Tây. Tất cả đều nhằm mục tiêu giải phóng và phát triển sức sản xuất, kích thích sáng tạo và sức mạnh phát triển, tập trung thục hiện sự phát triển có chất lượng, hiệu quả hơn, công bằng, bền vững hơn.

- “Kiện toàn hệ thống chế độ nhân dân làm chủ, phát triển chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIX khẳng định, Trung Quốc “là nhà nước xã hội chủ nghĩa chuyên chính dân chủ nhân dân trên cơ sở liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo... Phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa có nghĩa là phải thể hiện ý chí của nhân dân, bảo đảm lợi ích của nhân dân, cổ vũ sức sáng tạo của nhân dân, sử dụng hệ thống các chế độ bảo đảm vai trò làm chủ của nhân dân”. Để đạt được điều đó, trước hết, phải quán triệt nguyên tắc thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, quản lý đất nước theo pháp luật. Thứ hai, tăng cường bảo đảm chế độ làm chủ của nhân dân. Thứ ba, phát huy vai trò quan trọng của dân chủ hiệp thương xã hội chủ nghĩa, tăng cường xây dựng chế độ dân chủ hiệp thương, hình thành trình tự chế độ và thực tiễn tham gia hoàn chỉnh, bảo đảm nhân dân được hưởng quyền tham gia rộng rãi, liên tục, sâu sắc trong đời sống chính trị thường ngày. Thứ tư, đưa việc quản lý đất nước theo pháp luật đi vào chiều sâu, thúc đẩy lập pháp khoa học, chấp pháp nghiêm khắc, tư pháp công minh, toàn dân tuân thủ pháp luật. Thứ năm, đưa cải cách bộ máy và thể chế hành chính vào chiều sâu, chuyển đổi chức năng của chính quyền, xây dựng chính phủ mang chức năng phục vụ được lòng dân. Thứ sáu, củng cố và phát triển mặt trận thống nhất yêu nước, đoàn kết các giới nhân sĩ và kiều bào hải ngoại vào sự nghiệp “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”.

- “Kiên định tự tin về văn hóa, thúc đẩy văn hóa xã hội chủ nghĩa phát triển phong phú, phồn vinh”, xây dựng Trung Quốc trở thành “cường quốc về văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc phải được tiến hành với sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác, tuân thủ lập trường văn hóa Trung Hoa, đứng vững trên hiện thực Trung Quốc đương đại, kết hợp với điều kiện của thời đại ngày nay, phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, theo hướng hiện đại hóa, hướng ra thế giới, hướng tới tương lai, thúc đẩy văn minh tinh thần và văn minh vật chất phát triển hài hòa... Các giải pháp lớn được vận dụng, trước hết, Đảng phải nắm chắc quyền lãnh đạo về công tác ý thức hệ. Hình thái ý thức hệ quyết định phương hướng tiến lên và con đường phát triển của văn hóa. Thứ hai, giáo dục và đưa quan niệm giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống. Thứ ba, tăng cường xây dựng tư tưởng đạo đức. Thứ tư, phát triển một nền văn học nghệ thuật phong phú. Thứ năm, thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa.

- “Nâng cao trình độ bảo đảm và cải thiện dân sinh, tăng cường và sáng tạo quản lý xã hội”. Lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống tươi đẹp, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, để thành quả cải cách phát triển đến với toàn thể nhân dân nhiều hơn, công bằng hơn, hướng tới thực hiện toàn thể nhân dân cùng giàu có. Những giải pháp lớn được đề xuất tại Đại hội XIX trong lĩnh vực phát triển xã hội và quản lý xã hội, một là, “ưu tiên phát triển sự nghiệp giáo dục”, cho rằng “cường quốc giáo dục là công trình nền tảng của công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Hai là, nâng cao chất lượng việc làm và mức thu nhập của nhân dân. Việc làm là vấn đề dân sinh lớn nhất. Trung Quốc chủ trương chiến lược ưu tiên giải quyết việc làm, tích cực thực hiện các chính sách về việc làm, nhất là triển khai trên quy mô lớn việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, chú trọng giải quyết các mâu thuẫn có tính kết cấu trong vấn đề việc làm, khuyến khích khởi nghiệp thúc đẩy việc làm... Ba là, tăng cường xây dựng hệ thống an sinh xã hội. Bốn là, kiên quyết thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm đến năm 2020 tất cả người nghèo (theo tiêu chuẩn quy định hiện nay) ở nông thôn trong cả nước Trung Quốc đều thoát nghèo, loại bỏ huyện nghèo khó, giải quyết tình trạng nghèo khó mang tính vùng miền, thực sự đạt tới “thoát nghèo thật, thật thoát nghèo”. Năm là, thực thi chiến lược “toàn dân Trung Quốc khỏe mạnh”. Hoàn thiện các chính sách sức khỏe của quốc dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện và thường xuyên. Sáu là, tạo ra một mô hình quản lý xã hội cùng xây dựng, cùng quản lý, cùng hưởng thụ. Bảy là, bảo vệ an ninh quốc gia có hiệu quả, hoàn thiện chiến lược an ninh quốc gia và chính sách an ninh quốc gia, kiên quyết bảo vệ an ninh chính trị quốc gia, thúc đẩy đồng bộ các mặt công tác về an ninh.

- “Đẩy nhanh cải cách thể chế văn minh sinh thái, xây dựng Trung Quốc tươi đẹp”. Xuất phát từ quan niệm “con người và giới tự nhiên là một cộng đồng cùng chung sinh mệnh”, Trung Quốc chủ trương loài người phải tôn trọng giới tự nhiên, thuận theo giới tự nhiên, bảo hộ giới tự nhiên. Phương châm đề ra là phải ưu tiên tiết kiệm, ưu tiên bảo vệ, chủ yếu là khôi phục một phương thức sản xuất, một lối sống tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, trả lại cho giới tự nhiên sự yên tĩnh, hài hòa và tươi đẹp. Các giải pháp được thực hiện nhằm đạt tới mục tiêu trên là thúc đẩy “phát triển xanh”; giải quyết các vấn đề nổi cộm về môi trường; tăng cường bảo vệ hệ thống sinh thái; cải cách thể chế giám sát quản lý môi trường sinh thái.

- “Kiên trì đi theo con đường xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng và quân đội toàn diện”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIX nêu rõ: công cuộc xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc đang đứng trên khởi điểm lịch sử mới. Trước sự thay đổi sâu sắc của môi trường an ninh quốc gia, trước yêu cầu thời đại xây dựng đất nước giàu mạnh và quân đội hùng mạnh, cần phải quán triệt toàn diện tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh của Đảng trong thời đại mới, quán triệt phương châm chiến lược quân sự trong tình hình mới, xây dựng lực lượng lục quân, hải quân, không quân, tên lửa và lực lượng chi viện chiến lược hiện đại hóa, hùng mạnh; thiết lập cơ quan chỉ huy tác chiến chiến liên hợp chiến khu vững mạnh, hiệu quả cao, xây dựng hệ thống tác chiến hiện đại đặc sắc Trung Quốc có thể đảm nhận nhiệm vụ lịch sử trong thời đại mới mà Đảng và nhân dân giao phó. Bảo đảm đến năm 2020, cơ bản thực hiện cơ khí hóa, thông tin hóa đạt chuyển biến quan trọng, năng lực chiến lược được nâng cao rõ rệt. Phấn đấu đến năm 2035, cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, đến giữa thế kỷ XXI hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện quân đội nhân dân thực sự trở thành quân đội hàng đầu thế giới. Tăng cường giáo dục quốc phòng toàn dân, củng cố khối đoàn kết giữa quân đội với chính quyền, giữa quân đội với nhân dân, tạo nên sức mạnh thực hiện giấc mơ Trung Quốc, giấc mộng quân đội hùng mạnh.

- Tiếp tục thực hiện đường lối “một quốc gia hai chế độ”. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rõ: “Nguyên tắc một nước Trung Quốc là cơ sở chính trị của quan hệ hai bờ (eo biển Đài Loan). “Nhận thức chung 92” thể hiện nguyên tắc một nước Trung Quốc đã xác định rõ bản chất của quan hệ hai bờ, là then chốt bảo đảm cho quan hệ hai bờ phát triển trong hòa bình”(4). “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, quyết không để tái diễn bi kịch đất nước bị chia cắt”.

- “Kiên trì con đường phát triển hòa bình, thúc đẩy xây dựng cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”. Trung Quốc cam kết sẽ giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, cùng thắng, tuân thủ tôn chỉ chính sách ngoại giao bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy cùng phát triển; phát triển hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, công bằng, chính nghĩa, hợp tác cùng thắng. Trung Quốc tuyên bố thực thi chính sách quốc phòng có tính chất phòng ngự, không bành trướng, bá quyền. Trung Quốc chủ trương thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, thúc đẩy tự do thương mại, hợp tác quản lý toàn cầu trên nguyên tắc cùng bàn, cùng làm, cùng hưởng, trong đó Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của một nước lớn. Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế theo chiến lược “Vành đai, Con đường”.

- “Kiên định quản lý Đảng một cách toàn diện, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo của Đảng”. Công tác xây dựng Đảng là nội dung quan trọng hàng đầu của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vấn đề được đặt ra là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới, do vậy Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng phải có khí thế mới, hành động mới. Đảng muốn đoàn kết dẫn dắt nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại, thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại, thực hiện giấc mộng vĩ đại, thì nhất định phải kiên trì và hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng, nhất định phải xây dựng Đảng kiên cường, mạnh mẽ hơn”. “Toàn Đảng phải tỉnh táo nhận thức được rằng Đảng đang đứng trước môi trường cầm quyền phức tạp, những nhân tố ảnh hưởng tới tính tiên phong của Đảng, làm suy giảm tính trong sạch của Đảng cũng rất phức tạp, những vấn đề bức xúc tồn tại trong Đảng, như tư tưởng lệch lạc, tổ chức lệch lạc, tác phong lệch lạc... tới nay vẫn chưa được giải quyết cơ bản. Phải nhận thức sâu sắc tính chất lâu dài và phức tạp của những thử thách đối với sự cầm quyền mà Đảng đang phải vượt qua...; nhận thức sâu sắc tính gay gắt và cam go của những nguy cơ mà Đảng đang phải đối mặt, như nguy cơ tinh thần buông xuôi, năng lực yếu kém, xa rời quần chúng, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực...”.

Trước tình hình, nhiệm vụ mới trong thời đại mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương: phải kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý Đảng chặt chẽ toàn diện, thúc đẩy toàn diện công tác xây dựng Đảng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, tác phong, kỷ luật..., thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng đi vào chiều sâu, không ngừng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc thành một chính đảng mác-xít cầm quyền đầy sức sống, luôn đứng trên tuyến đầu của thời đại, được nhân dân hết lòng ủng hộ, dũng cảm tự cải cách, vượt qua mọi thử thách.

Những giải pháp lớn được thực thi trong công tác xây dựng Đảng nhằm đạt được mục tiêu trên: Một là, đặt công tác xây dựng chính trị lên vị trí hàng đầu. Hai là, trang bị tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới cho toàn Đảng. Ba là, xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hóa, chất lượng cao. Bốn là, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Năm là, chỉnh đốn tác phong và thực hiện nghiêm túc kỷ luật của Đảng. Sáu là, “giành thắng lợi áp đảo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Bảy là, kiện toàn hệ thống giám sát của Đảng và Nhà nước. Tám là, tăng cường toàn diện bản lĩnh cầm quyền của một chính đảng lớn tại một quốc gia rộng lớn với hơn 1,3 tỷ dân.

Đại hội XIX đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc như một sự kiện chính trị quan trọng bởi đã đưa tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới cùng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tạo thành hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong quá trình cải cách và phát triển của Trung Quốc thời gian tới./.

-----------------------------------------------------

(1) Finance. jrj.com.cn/2017/10/24154123277531.shtml

(2) http://news.xinhuanet.com/policitics/19cpc/ 2017-10/c_1121850042.htm

(3) Đó là xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thực hiện toàn diện cải cách theo chiều sâu, thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật, quản lý Đảng chặt chẽ một cách toàn diện

(4) “Nhận thức chung 92”: năm 1992 hai bên đạt được cách nói chung là “một nước Trung Quốc”, nhưng mỗi bên có cách biểu đạt riêng về nội dung nhận thức đó

Theo Nguyễn Huy Quý - PGS, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều