Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Hy vọng cho thỏa thuận đầy đủ?

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đã bước sang ngày thứ ba, kéo dài hơn so với dự kiến. Điều này cho thấy, các nhà đàm phán của hai bên đang nỗ lực tìm kiếm thỏa hiệp, nhằm tiến tới thỏa thuận lớn hơn giúp chấm dứt cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Triển vọng tích cực

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch 2 ngày ban đầu. Đây là lần đầu tiên hai bên ngồi vào bàn đàm phán, kể từ khi các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung nhất trí “đình chiến” trong 90 ngày nhằm tìm kiếm giải pháp cụ thể tại cuộc gặp song phương diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina ngày 1.12.2018.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ngày 8.1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đàm phán đang tiến triển tốt. Trong khi đó, một quan chức có thông tin về cuộc đàm phán mô tả, các cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Tuy nhiên, cho đến nay, quan chức của cả hai bên chưa cung cấp nhiều thông tin về quá trình thương lượng, ngoại trừ một hình ảnh bị rò rỉ từ phòng đàm phán ở trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, sự xuất hiện ngoài dự đoán của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc gặp được tiến hành ở cấp thứ trưởng. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, sự xuất hiện của ông Lưu Hạc cho thấy thiện chí và quyết tâm của Bắc Kinh trong đạt được thỏa thuận với Washington.

Claire Reade, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ về vấn đề Trung Quốc thời Tổng thống Obama cho rằng, việc kéo dài thời gian không đáng ngạc nhiên trong các cuộc đàm phán thương mại, nhất là khi mọi thứ chưa đi đến đâu và hai bên cần phải nói chuyện thêm. Tuy nhiên, bà Reade cũng cho rằng, đây có thể là bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn thử thách sự cương quyết của Mỹ trong một số yêu cầu cụ thể.

Báo Bloomberg cho hay, các cuộc thương lượng được tiến hành theo nhiều nhóm khác nhau trong các lĩnh vực như: Biện pháp phi thuế quan; tài sản trí tuệ, mua bán sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Theo báo Wall Street Journal, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong thu hẹp bất đồng giữa hai bên về các vấn đề thương mại, đặc biệt liên quan đến việc mua bán hàng hóa, dịch vụ của Mỹ và yêu cầu Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nội địa cho các công ty nước ngoài.

Không nhượng bộ “một chiều”

Theo các quan chức từ cả hai phía, ở vòng đàm phán này, vẫn còn những vấn đề gây chia rẽ Washington - Bắc Kinh và trong nội bộ chính quyền Trump. Một trong những thách thức đối với nhóm đàm phán của Mỹ là làm rõ cách thức Trung Quốc thực hiện những cam kết mà Bắc Kinh đã đưa ra, trong đó có việc bảo đảm các công ty và giới chức nước này ngừng ép buộc các đối tác của Mỹ phải chuyển giao công nghệ.

Hiện chính quyền Trump cũng chia rẽ về mức độ Nhà Trắng tăng sức ép nhằm buộc Trung Quốc phải mua thêm sản phẩm nông sản, năng lượng và một số dịch vụ môi giới, ngân hàng, bảo hiểm của Mỹ. Điều này sẽ giúp giải tỏa quan ngại của Tổng thống Trump về tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã thảo luận với Trung Quốc về cam kết Bắc Kinh sẽ mua 1,2 nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa, dịch vụ của Mỹ, mặc dù chưa có khung thời gian cụ thể cho việc mua bán này.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người phụ trách các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, lại cho rằng, đàm phán hiện nay nên tập trung vào những vấn đề mang tính cấu trúc như chính sách hỗ trợ Nhà nước đối với các công ty Trung Quốc và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Quan chức này đang cân nhắc một loạt biện pháp nhằm bảo đảm Bắc Kinh giữ đúng lời hứa trong những vấn đề này, trong đó có việc loại bỏ mức thuế 10% đang áp lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc, ngay khi Bắc Kinh thực hiện cam kết. Một giải pháp khác là Mỹ đình chỉ một số mức thuế, nhưng có thể tái áp đặt nếu Trung Quốc “thất hứa”.

Trước đó, Trung Quốc cũng có nhiều động thái nhượng bộ, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Mỹ như dỡ bỏ biện pháp thuế trả đũa áp lên linh kiện ô tô nhập khẩu, nối lại hoạt động nhập khẩu đậu nành từ Mỹ. Trung Quốc gần đây cũng đã đề xuất dự luật mới về đầu tư nước ngoài, nhằm giải quyết những quan ngại của các công ty nước ngoài khi hoạt động tại nước này. Theo Josh Kallmer, Phó Giám đốc điều hành tại Hội đồng ngành công nghiệp công nghệ thông tin cho biết, đây có thể xem như căn cứ cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh chính sách và hành động liên quan đến chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Michael Wessel, thành viên Ủy ban Quốc hội Mỹ phụ trách quan hệ Mỹ - Trung cho rằng, những cam kết cụ thể đi cùng với số liệu xác thực và cơ chế thực thi tự động nên được đưa vào nội dung thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Mặc dù vậy, chính quyền Bắc Kinh cũng nêu rõ, Trung Quốc sẽ không tìm kiếm giải pháp cho các xung đột thương mại với Mỹ bằng cách đưa ra nhượng bộ vô lý, một chiều; đồng thời cho rằng, bất cứ thỏa thuận nào cũng phải liên quan đến cho và nhận từ cả hai phía. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại đầy đủ trước ngày 1.3, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ nâng mức thuế áp lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Theo Trương Duyên/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều