Dấu hiệu cảnh báo khi một đám đông trở nên chật chội một cách nguy hiểm

Nếu như bạn ở trong một đám đông và người xung quanh ở sát đến mức họ có thể chạm vào người bạn, điều đó có nghĩa là đám đông đang quá chật chội.
 Hình minh họa mật độ đám đông để xem xét tính an toàn. Ảnh: GKStill International
Theo G. Keith Still – một giáo sư về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk (Mỹ), cũng là người đứng đầu công ty tư vấn GKStill International chuyên đào tạo những người tổ chức sự kiện cách nhận biết nguy cơ trong đám đông, những đám đông đặc kín người như lễ hội Halloween tại thủ đô Hàn Quốc vừa qua hay thảm kịch tại lễ hội Astroworld ở Houston (Mỹ) hồi tháng 11/2021 đã khiến nhiều người thương vong.

Chuyên gia nghiên cứu về hành vi đám đông hơn 30 năm này cho biết ban tổ chức có thể giúp ngăn chặn tình trạng xô lấn, chen đẩy nhau trong đám đông bằng cách cập nhật và kiểm soát mật độ người theo từng thời điểm cũng như điều tiết dòng người tới khu vực.

Mật độ đám đông có thể được tính toán theo số lượng người trên một mét vuông (m2). Ví dụ, 3 người/m2 là mật độ thường thấy trong các quán bar, câu lạc bộ đêm trước thời kỳ COVID-19. Những người nhỏ con hoặc trẻ tuổi thì có thể chiếm không gian không nhiều như người trưởng thành hoặc to lớn, song theo quy định đặt ra, 5 người/m2 mang đến cảm giác không thoải mái. Nếu số người từ 6 trở lên, đám đông có khả năng gây nguy hiểm.

"Khi cơ thể chạm vào nhau, năng lượng và mật độ cao đó có thể làm phát sinh những đợt sóng và gây ra hiệu ứng domino nếu như có người ngã", Giáo sư Still chỉ ra.

Con phố hẹp chật cứng người dự lễ hội Halloween trong đêm thảm kịch Itaewon ngày 29/10. Ảnh: Twitter 
Một dấu hiệu cho thấy đám đông trở nên quá dày đặc là “hiệu ứng cánh đồng lúa”, nơi mọi người bị đẩy không thể kiểm soát hoặc trôi theo biển người. Ví dụ điển hình cho hiệu ứng này là đám đông trong buổi biểu diễn ca nhạc Oasis năm 2005 ở Manchester, Anh. Một biển người đã tạo sóng tràn về phía sân khấu.

Việc đảm bảo đám đông không trở nên quá dày đặc phụ thuộc vào góc nhìn, nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào người quan sát đứng từ trên cao hay ngang với đám đông. Tuy nhiên, dù là góc nhìn nào, dấu hiệu đầu tiên mà các nhà tổ chức cần phải nắm được đó là khoảng cách giữa người với người.

Trong các lớp học đảm bảo an toàn của đám đông, Giáo sư Still khuyến khích những người tổ chức sự kiện dán những hình ảnh về khoảng cách đám đông an toàn trong phòng quản lý hay thậm chí là trên bàn của người phát nhạc để có thể có những hình ảnh đối chiếu khi cần thiết.

Chìa khóa để ngăn chặn thảm kịch là các nhà tổ chức phải kiểm soát mật độ đám đông. Nếu như mật độ bắt đầu trở nên dày đặc, hãy làm chậm hoặc ngưng hẳn dòng người tiến vào khu vực. Nếu như để đám đông trở nên quá chật chội, việc giảm số người sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Trong trường hợp đám đông bị dồn nén, ban tổ chức, người biểu diễn cần dừng lại và yêu cầu tất cả mọi người lùi lại. Trước đây đã có những nghệ sĩ như nhóm A$AP Rocky và Linkin Park đã phải dừng việc trình diễn và đưa ra yêu cầu tương tự.

Sau những thảm họa liên quan đến đám đông như một vụ hỗn chiến tại sân vận động bóng đá Hillsborough vào năm 1989, vụ cháy hộp đêm Station vào năm 2003 và một vụ giẫm đạp tại hộp đêm E2 cùng năm, nhiều tòa án đã thông qua các quy định liên quan đến đám đông và yêu cầu cấp phép cho những người quản lý đám đông thực hiện các quy tắc an toàn.

Trong sự kiện Astroworld, ban tổ chức đã thuê một đội ngũ quản lý sự cố, có kinh nghiệm trong việc bảo vệ sự kiện, được cấp phép để hỗ trợ quản lý đám đông và an ninh tại hiện trường xảy ra sự cố.

Chuyên gia Still khuyến cáo nếu bạn đang ở trong một đám đông, một cách để giữ mình an toàn là khi thấy không có đủ không gian cá nhân, hãy tìm cách thoát khỏi đám đông đó.

Amy Cox, nhà tổ chức các lễ hội và sự kiện, đang là phó chủ tịch Deep South Entertainment, cho biết cô có một quy tắc cánh tay đơn giản khi tham gia sự kiện: “Đối với tôi, nếu như có thể đặt tay lên hông một cách thoải mái mà không chạm vào ai khác thì không gian đó mới an toàn”.

Bảo Hà/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều