Đẩy mạnh vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng

(Mặt trận) - Trong xã hội hiện đại, phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí có vai trò và tiếng nói lớn tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Cuộc chiến chống tham nhũng chính là một trong những vấn đề được chính phủ, chính đảng và người dân khắp các quốc gia trên thế giới quan tâm và báo chí là một trong những vũ khí hữu ích cho cuộc chiến chống tham nhũng.

 Báo chí có vai trò lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng. ẢNH: HINDUSTAN TIMES

Sẽ không có công lý nếu mọi người dân không được biết chính xác những gì đang diễn ra quanh họ. Báo chí thực hiện hành động đầu tiên để duy trì công lý trong xã hội, đó là công bố cho tất cả người dân biết những gì đang xảy ra.

Báo chí là công cụ duy trì công bằng xã hội, nó không bị ràng buộc bởi các định nghĩa học thuật hoặc định nghĩa chính sách về tham nhũng. Từ việc xem xét các định nghĩa học thuật có thể thấy, tham nhũng bao gồm bất cứ điều gì góp phần gây nên sự phân rã của xã hội. Định nghĩa cũng đề cập đến những người có hành vi tham nhũng dưới bất cứ hình thức phạm tội nào.

Báo chí có thể cung cấp cho tất cả mọi người nhận thức về tác động tiêu cực của tham nhũng đến xã hội và báo chí cũng đóng vai trò là một trong những thành phần cơ bản nhất trong chiến lược chống tham nhũng của toàn xã hội. Các nhà báo, biên tập viên và nhà xuất bản đóng vai trò là tiếng nói để truyền cảm hứng cho sự thay đổi tích cực trong xã hội.

Một cuộc thảo luận về chủ đề tham nhũng đã đưa ra nhận định rằng, không thể có “viên đạn bạc” để thay đổi vấn đề chống tham nhũng, hầu hết ý kiến đồng ý rằng họ nhận thấy sự thay đổi về văn hóa trong suốt cuộc đời họ, phương tiện truyền thông đặc biệt là báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đối đầu với những điều kiện xã hội có lợi và bất lợi. Và đương nhiên, khi con người gặp điều kiện tích cực và như họ mong muốn, họ sẽ thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Thay đổi bắt đầu từ các phương tiện truyền thông và lan đến toàn xã hội. Đặc biệt, bởi tính chất của báo chí là luôn luôn mới mẻ, do đó sự thay đổi sẽ diễn ra khá nhanh chóng. Một ví dụ được đưa ra đó là tại Đông Timor vào năm 2011, trong khi Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy tạo áp lực lên các nhà báo, các bài báo vẫn viết về những câu chuyện anh hùng cũ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì cuộc chiến tranh đã thực sự kết thúc. Vào tháng 2/2011, có khoảng 2 câu chuyện viết về chủ đề tham nhũng được đưa ra mỗi tháng. Mỗi câu chuyện này mang lại ít nhất một cơ hội để nâng cao nhận thức về vấn đề chống tham nhũng trong cộng đồng mà không cần phải có bất kỳ phân tích quan trọng nào.

Sau thời gian 2 năm, các nhà báo ở Đông Timor đã viết khoảng 40 câu chuyện tin tức liên quan đến tham nhũng mỗi tuần. Họ đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy đối với người dân cả nước và là một tiếng nói hiệu quả thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Có thể nói, báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong nỗ lực chống tham nhũng nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ những thứ gây ra sự suy đồi trong xã hội. Đông Timor là một ví dụ điển hình của việc báo chí là tiếng nói truyền cảm hứng cho sự thay đổi tích cực.

Các chương trình và chiến dịch phòng, chống tham nhũng có thành công hay không phụ thuộc vào các yếu tố: kiến thức, thông tin, lãnh đạo và hành động tập thể. Báo chí theo dõi chất lượng các chương trình, chiến dịch; đưa ra các vấn đề liên quan đến tham nhũng để công chúng thảo luận; truyền tải các ý kiến với các quan điểm tranh luận khác nhau. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc công khai những hành vi tham nhũng, góp phần làm nóng lên trong cộng đồng; đồng thời đề xuất các giải pháp và khẳng định sức mạnh của nhân dân trong phòng và chống tham nhũng.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James D. Wolfensohn từng nói: “Tự do báo chí không phải là một thứ xa xỉ. Tự do báo chí là cốt lõi của sự phát triển công bằng bởi nếu những người dân nghèo không có tiếng nói, họ không có quyền biểu lộ ý chí, nguyện vọng, nếu tham nhũng không bị phơi bày thì không có công bằng thực tế. Chúng ta không thể xây dựng được sự đồng thuận làm tiền đề cho những thay đổi tích cực trong xã hội” và “Xã hội dân sự và báo chí là các yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì sự minh bạch trong một xã hội chống gian lận và tham nhũng. Thật vậy, đó là hai thành tố thiết yếu nhất trong việc loại bỏ tham nhũng có hệ thống trong các tổ chức công”.

Một ví dụ về vai trò của báo chí trong phòng và chống tham nhũng có thể thấy được tại Nigeria (Châu Phi). Báo chí tại quốc gia này đã từng bước nâng cao hiệu quả phòng và chống tham nhũng bằng việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về các vụ việc liên quan đến tham nhũng; huy động sức mạnh toàn dân trong thực hành chống tham nhũng; ca ngợi những hành động dũng cảm thông qua các bài báo; xây dựng các chương trình và chiến dịch nhất quán để thay đổi thái độ và văn hóa của người dân.

Báo chí Nigeria như một cơ quan giám sát các hoạt động của Chính phủ, bảo vệ lợi ích công cộng bằng cách công khai các trường hợp lạm dụng quyền lực và các hành vi tham nhũng của quan chức nước này. Điều đó đã đảm bảo được trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của Chính phủ và các phe phái khác. Bằng cách thảo luận các vấn đề và đưa ý kiến người dân vào các chương trình nghị sự công cộng, báo chí Nigeria đã thu hút sự quan tâm của toàn dân vào các vấn đề trong xã hội. Hơn thế nữa, dưới sức mạnh của truyền thông, các chính trị gia của quốc gia này cần xem xét lại các luật và chính sách hiện hành. Những điều này đã và đang diễn ra kể từ khi Tổng thống Muhammadu Buhari phát động cuộc chiến chống tham nhũng.

Trong những năm vừa qua vương quốc 5,5 triệu dân Đan Mạch đã liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng “Những quốc gia minh bạch nhất thế giới” do Tổ chức Transparency International xếp hạng. Ở Đan Mạch, sự minh bạch không có ngoại lệ, chính vì thế việc phòng và chống tham nhũng của vương quốc này luôn có hiệu quả cao và được nhiều quốc gia khác học tập kinh nghiệm.

Đan Mạch được coi là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, hối lộ và các hành vi tham nhũng khác không là trở ngại đối với kinh doanh. Bộ luật hình sự Đan Mạch ngăn cấm hối lộ (cả chủ động và thụ động) và hầu hết các hình thức vi phạm tham nhũng khác có trong các công ước chống tham nhũng quốc tế. Không có sự phân biệt giữa hối lộ và các hình thức tặng quà vì mục đích lợi ích.

Đan Mạch có ngành Tư pháp độc lập với các ngành khác của chính phủ và luôn được đánh giá cao về tính công bằng. Các công ty có đủ sự tin cậy vào tính hiệu quả của khung pháp lý để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh. Các khoản hối lộ hay khoản thanh toán bất thường để đổi lấy những thuận lợi đều không phổ biến trong xã hội Đan Mạch. Việc thực hiện một hợp đồng mất 485 ngày, nhanh hơn đáng kể so với các quốc gia có thu nhập cao khác trong khối OECD. Đan Mạch đã ký Công ước New York năm 1958 và là thành viên của Trung tâm Quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID). Trong những năm gần đây, không có tranh chấp lớn về đầu tư vào Đan Mạch được ghi nhận.

Cảnh sát Đan Mạch không bị ảnh hưởng bởi tham nhũng, họ nhận được mức độ tin cậy rộng rãi từ các tổ chức và người dân. Độ tin cậy của các dịch vụ an ninh để bảo vệ các công ty khỏi tội phạm được đánh giá rất cao. Chính phủ Đan Mạch có cơ chế hiệu quả để điều tra và trừng phạt việc lạm dụng quyền lực và tham nhũng của cảnh sát. Các cuộc thăm dò ý kiến công khai cho thấy rằng dịch vụ an ninh được coi là dịch vụ ít có dấu hiệu tham nhũng nhất của Đan Mạch.

Hình phạt đối với tội hối lộ theo Bộ luật hình sự Đan Mạch có thể bao gồm phạt tiền và lên đến 6 năm tù. Chính phủ Đan Mạch thi hành luật chống tham nhũng hiệu quả. Không có sự phân biệt giữa hành vi hối lộ với các khoản thanh toán bất thường, các hình thức tặng quà vì mục đích. Sau khi bị OECD chỉ trích các khoản thanh toán tạo thuận lợi, Giám đốc cơ quan công tố của Đan Mạch đã chỉ thị cho tất cả công tố viên coi các khoản này là cấu thành tội phạm hối lộ. Đạo luật về các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền và tài trợ khủng bố đòi hỏi các tổ chức tài chính phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho công tố viên liên quan đến tội phạm kinh tế và tội phạm quốc tế.

Các phương tiện truyền thông của Đan Mạch đóng vai trò trung tâm trong việc phát hiện những vụ bê bối chính trị. Các trường hợp nghi ngờ gian lận thường được các cơ quan truyền thông phát hiện và sau đó các cơ quan công quyền có liên quan vào cuộc. Môi trường truyền thông của Đan Mạch là một trong những môi trường tự do nhất trên thế giới. Các cơ quan truyền thông đặc biệt là báo chí có vai trò quan trọng trong xã hội dân sự khi phát hiện ra các trường hợp tham nhũng, hối lộ.

Báo chí hiện đại không thể thiếu sự kết nối với phương tiện truyền thông xã hội và mạng xã hội trong các nỗ lực chống tham nhũng. Khi công nghệ truyền thông tiếp tục phát triển và khi các thiết bị di động ngày càng chiếm ưu thế trong việc tiếp cận thông tin thì các phương tiện truyền thông xã hội cùng báo chí cần có sự kết nối nhiều hơn nữa. Hội nghị tìm kiếm liên minh chống tham nhũng quốc tế (ICHA) được tổ chức bởi Ngân hàng Thế giới đã bàn đến tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong phòng và chống tham nhũng. Phương tiện truyền thông xã hội phục vụ 2 mục đích riêng biệt là phân tích, bình luận, vận động và điều tra, tìm kiếm thông tin từ công chúng. Truyền thông xã hội sẽ thực sự hữu ích trong cuộc chiến chống tham nhũng khi kết hợp với báo chí. Báo chí cần tận dụng và kết hợp với truyền thông xã hội một cách hiệu quả hơn nữa.

Hồng Nhung biên dịch

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều