Di cư để tìm kiếm cơ hội

Ngày 09-10-2017 tại Xin-ga-po, Ngân hàng Thế giới (WB) họp báo công bố báo cáo “Di cư để tìm kiếm cơ hội” về di cư trong khu vực ASEAN. Buổi họp báo được truyền hình trực tiếp đến các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

 Báo cáo “Di cư để tìm kiếm cơ hội” chú trọng phân tích các rào cản, thách thức mà lao động di cư phải đối mặt trong khu vực

Theo Báo cáo, tình hình di cư trong nội khối ASEAN đã tăng đáng kể trong giai đoạn 1995 - 2015, biến Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái Lan trở thành trung tâm di cư với tổng số 6,5 triệu người di cư, chiếm 96% tổng số lao động di cư trong khối. Đối tượng lao động tay nghề thấp và thường không được nhắc đến di chuyển từ nước này sang nước khác trong khối ASEAN để tìm kiếm cơ hội kinh tế, chủ yếu là tìm việc trong ngành xây dựng, trồng trọt và làm việc tại gia đình.

Báo cáo “Di cư để tìm kiếm cơ hội” phân tích các thách thức mà lao động di cư phải đối mặt trong khu vực, trong đó chú trọng tới các rào cản đối với di cư. Có công việc được trả lương cao hơn nhưng người lao động không phải lúc nào cũng có thể nắm bắt được các cơ hội sẵn có đó. Báo cáo cũng đề cập những thiệt hại đi kèm khi các cơ hội bị đánh mất, như đối tượng lao động tay nghề thấp và ít được thống kê trong khu vực sang các nước khác tìm kiến cơ hội việc làm trong các ngành xây dựng, trồng trọt, làm việc tại gia.

Cộng đồng kinh tế ASEAN tuy đã thực hiện một số bước để tạo cơ hội cho lao động di chuyển trong khu vực, nhưng các quy định này mới chỉ điều chỉnh trong phạm vi một số ngành, nghề yêu cầu có kỹ năng, như bác sỹ, nha sỹ, y tá, kỹ sư, kiếm trúc sư, kế toán, nhân viên du lịch. Những ngành nghề này chỉ chiếm khoảng 5% số việc làm trong khu vực.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận định: “Nếu có chính sách đúng đắn, các nước có lao động xuất khẩu sẽ thu được lợi ích kinh tế và bảo vệ được lao động của mình. Và nếu phối hợp tốt chính sách nhập cư với chính sách kinh tế, các nước tiếp nhận có thể bù đắp được thiếu hụt nhân công và thúc đẩy phát triển kinh tế”. Kết quả tính toán cho thấy, nếu con số tăng thuần lao động nhập cư là 10% thì sẽ kéo theo GDP tăng 1,1%. Tại Thái Lan, nếu không có lao động nhập cư, GDP sẽ giảm 0,75%.

Các nước có thể áp dụng nhiều chính sách để tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát các cơ quan tuyển dụng lao động. Phi-líp-pin đã có một hệ thống hỗ trợ lao động rất phát triển và các nước khác có thể học hỏi mô hình này. In-đô-nê-xi-a cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan và đơn giản hóa thủ tục. Việt Nam có thể cần phải xây dựng chiến lược quốc gia xuất khẩu lao động trong quá trình đổi mới… Nếu các nước đơn giản hóa thủ tục thì người lao động sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Ông Mauro Testaverde, Chuyên gia kinh tế, Trưởng ban An sinh xã hội và việc làm toàn cầu (WB), chủ biên Báo cáo đánh giá: “Dù đến nước nào trong Khối thì lao động cũng phải chi một khoản chi phí bằng vài lần lương trung bình cả năm. Nếu cải tiến thủ tục nhập cư thì sẽ giảm được các khoản chi phí đắt đỏ cho người lao động trong tương lai, giúp các nước đáp ứng được đòi hỏi trên thị trường lao động của mình”.

Báo cáo “Di cư để tìm kiếm cơ hội” đề xuất một số giải pháp chính sách để giảm bớt những rào cản, đem lại lợi ích cho cả nước xuất khẩu lao động và nước tiếp nhận, bao gồm: cung cấp thông tin cho lao động di trú về các cơ hội việc làm, tổ chức các chương trình định hướng cho lao động di trú để bổ sung kinh nghiệm khi làm việc ở nước ngoài, khớp nối giữa bộ máy tiếp nhận người di trú với nhu cầu của thị trường lao động. Báo cáo nêu luận điểm các nước tiếp nhận cần hướng tới xây dựng những cơ chế quản lý di trú thích ứng với nhu cầu của nền kinh tế nước mình cũng như phù hợp với các chính sách trong nước. Về phần mình, các nước xuất khẩu lao động cần tìm được sự cân bằng giữa việc bảo vệ cho người đi xuất khẩu lao động và các đòi hỏi về duy trì tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cho rằng, đã đến lúc các quốc gia Đông Nam Á cần bảo đảm để chính sách di trú của mình đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh tế ngày càng tăng của khu vực.

Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 là một bước tiến đáng kể hướng tới hội nhập khu vực sâu rộng hơn và cũng bao hàm những giải pháp khuyến khích dịch chuyển lao động trong khu vực. Tuy nhiên cần những giải pháp táo bạo hơn nữa để hiện thực hóa những lợi ích to lớn hơn cho bản thân người lao động di trú cũng như cho nước xuất khẩu lẫn nước tiếp nhận lao động.

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều