Điều gì trong cục diện thế giới đón đợi chúng ta trong năm 2019?

Trong một thế giới với tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, dự báo chính xác triển vọng tình hình quả là một việc hết sức khó khăn. Dù vậy, căn cứ vào những sự kiện, hiện tượng, chiều hướng diễn ra trong vài ba năm trở lại đây cũng như những quy luật vận động của thế giới suốt chiều dài lịch sử có thể hình dung được cục diện năm 2019, chí ít là ở mức chấm phá.

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra như một ván cờ chưa phân thắng bại - Nguồn: baodautu.vn

1- Dân ta có câu “có thực mới vực được đạo”, trước hết chúng ta hãy phỏng đoán những chiều hướng có thể xảy ra trong nền kinh tế thế giới. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019 sẽ sụt giảm. Chẳng hạn như hồi tháng 10-2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm 2018 - 2019 xuống còn 3,7% so với mức dự báo vào tháng 7-2018 là 3,9%. Nguyên nhân chủ yếu là những căng thẳng trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Mỹ không chỉ với nền kinh tế lớn thứ hai là Trung Quốc mà còn với cả nhiều nền kinh tế khác, như Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)...

Nền kinh tế Mỹ vốn khởi sắc từ khi ông Đô-nan Trăm lên làm Tổng thống, tuy nhiên trong năm 2019 nước Mỹ cũng sẽ đối mặt với một số khó khăn vì những biện pháp kích thích kinh tế sẽ giảm dần tác dụng; lãi suất tăng, thâm hụt ngân sách lớn (một phần quan trọng do giảm thuế doanh thu để kích thích tăng trưởng) và những hệ lụy của cuộc tranh chấp thương mại với nhiều nước sẽ tác động ngược chiều theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”.

Ngoài ra, cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các nền kinh tế lớn, như Trung Quốc đang đứng trước không ít thách thức; kinh tế châu Âu ít nhiều sẽ chịu tác động của sự kiện Brexit và những xáo trộn nội bộ ở một số nước như câu chuyện bội chi ngân sách của I-ta-li-a trái với chủ trương của EU...

Một thách thức khác rất đáng quan tâm là những xáo động về tài chính - tiền tệ. Cũng dưới tác động của những tranh chấp thương mại, tỷ giá hối đoái, thị trường chứng khoán, lãi suất ngân hàng... đều chứa đựng nhiều sự bất trắc, thậm chí không loại trừ nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tiền tệ nếu tính rằng, Mỹ đã từng cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ”.

Giá cả trên thị trường thế giới, nhất là giá dầu thô và giá vàng sẽ chập chờn không chỉ do tác động của quy luật cung - cầu mà còn do những căng thẳng kinh tế - thương mại và chính trị - an ninh trên thế giới, như Mỹ cấm vận I-ran trở lại, một số nước ồ ạt tích lũy vàng, có ý định chuyển sang thanh toán bằng nội tệ các đồng tiền khác thay vì đồng đô-la Mỹ phòng khi đồng tiền này xáo động...

Trước những biến động lớn trên, các “luật chơi”, kể cả những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như cơ cấu thị trường, bạn hàng đều sẽ chịu sức ép thay đổi.

Ngoài ra, còn cần tính đến các vấn đề khác, như liệu cuộc tranh chấp kinh tế - thương mại hiện nay, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng hoặc có thể đi tới thỏa hiệp nào đó không? Liệu thế giới có rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy thoái kinh tế mới không? Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động thế nào tới nền kinh tế thế giới?

Qua một số diễn biến gần đây, nhất là tại Hội nghị Cấp cao G20 ở Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na), Mỹ và Trung Quốc đã đi tới thỏa hiệp tạm thời là Mỹ chưa tăng thêm thuế suất đánh vào hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 1-2019 để hai bên tiến hành đàm phán, song chắc rằng cuộc mặc cả sẽ cam go và kéo dài vì bản thân các vấn đề được mang ra thương lượng đã quá nhiều và phức tạp, hơn thế nữa “cuộc chiến” giữa các nước này mang tính toàn diện và ở tầm chiến lược, liên quan tới vị trí trên “bàn cờ quốc tế” chứ không riêng về thương mại.

Về nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bùng nổ vào năm 2008, hệ thống tài chính - ngân hàng đã được củng cố một bước; trước mắt, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn tuy có sụt giảm so với năm 2018 song chưa có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng; những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng rộng khắp trên thế giới nên có thể tránh được hiểm họa một cuộc khủng hoảng mới bùng phát...

Dù sao, những nhân tố bất định sẽ gia tăng đòi hỏi các nước, nhất là những nước với nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới phải theo dõi sát sao để kịp thời ứng phó.

2- Một khía cạnh khác cần được quan tâm là nội tình nhiều nước, nhất là các nước lớn và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong số các nước lớn, đáng chú ý nhất là nội tình nước Mỹ - một siêu cường hàng đầu có ảnh hưởng không ít tới cục diện chung trên thế giới. Trong và sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nội bộ nước Mỹ ngày càng phân hóa; kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2018, với việc Đảng Dân chủ chiếm được đa số trong Hạ viện sẽ càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa các nhánh quyền lực khác nhau. Cục diện mới đó sẽ làm cho quá trình ban hành quyết sách ở Mỹ càng khó đoán định, nhất là năm tới Mỹ sẽ bước vào giai đoạn “tiền tranh cử” tổng thống.

Ở châu Âu, Thủ tướng Đức A. Méc-ken tuyên bố sẽ không tranh cử vị trí thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa; liên minh cầm quyền giữa Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà A. Méc-ken với Đảng Dân chủ xã hội (SDP) vốn ở trạng thái “đồng sàng dị mộng” sẽ đối mặt với những thách thức mới. Với nước Anh, dù Brexit có theo hướng “mềm” hay “cứng” (tức là có hay không có hiệp định tổng thể với EU) thì chính trường nước này vẫn sẽ ẩn chứa nhiều bất an.

Tại nhiều nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po sẽ diễn ra các cuộc bầu cử hoặc chuyển giao chính quyền, trong đó Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ma-ha-thia Mô-ha-mát khi trúng cử hồi tháng 5-2018 đã tuyên bố sau hai năm sẽ nhượng chức cho người khác; ở Xin-ga-po đã bắt đầu quá trình chuẩn bị người thay thế Thủ tướng Lý Hiển Long. Những diễn biến trên ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới xu hướng chính sách đối nội và đối ngoại của các nước liên quan.

3- Về tình hình các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là cục diện Đông Á nói chung và trên Biển Đông nói riêng cũng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Liên quan tới Biển Đông, dự đoán những xu hướng diễn biến sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc vào tháng 7-2016 sẽ tiếp tục. Đặc trưng của tình hình đó là: Trung Quốc, một mặt, kiên quyết không chấp nhận, không thi hành phán quyết; mặt khác, sẽ đẩy mạnh việc bồi đắp, tôn tạo cũng như sự hiện diện, kể cả về quân sự ở những nơi chiếm được trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như trong phạm vi “đường lưỡi bò” tự tạo, đi đôi với nhiều biện pháp “cương - nhu” khác nhau nhằm tranh thủ các nước trong khu vực, trong đó có việc đẩy mạnh quan hệ với Phi-líp-pin, thúc đẩy thỏa thuận về “khai thác chung” với nước này và cả Bru-nây, chấp nhận đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) đi đôi với việc mạnh mẽ phản đối sự can dự của các nước bên ngoài, nhất là Mỹ. Cuộc tranh cãi và những hành động phô trương sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc có phần gia tăng, đan xen với những động thái hòa dịu mà việc nối lại cơ chế tham vấn giữa hai nước về ngoại giao và quân sự là một biểu hiện.

Nếu như lâu nay châu Á - Thái Bình Dương nổi lên như một khu vực trọng tâm của thế giới, thì gần đây sáng kiến về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đã được đề cập trong nhiều văn kiện, phát ngôn chính thức của “bộ tứ” Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-lia và Ấn Độ. Chắc rằng trong năm 2019, nội hàm, thể chế và lộ trình thực hiện ý tưởng đó sẽ biến thành những dự án, những động thái cụ thể hơn và sẽ trở thành một chủ đề “nóng” ở khu vực và trên thế giới. Liệu sáng kiến này có lấn lướt các thể chế đa phương vốn tồn tại trong khu vực, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) không? Sự hưởng ứng của các nước hữu quan ra sao? Cục diện cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc sẽ thế nào? Đó sẽ là một trong những vấn đề thời sự nổi bật trong năm 2019.

Năm 2018 chứng kiến nhiều diễn biến đầy kịch tính trên bán đảo Triều Tiên, nổi lên là các cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai miền cũng như giữa Tổng thống Mỹ Đ. Trăm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un. Trong khi quan hệ hai miền có nhiều chuyển động theo hướng hòa dịu thì cuộc “mặc cả” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là vấn đề vũ khí tên lửa - hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên còn chưa ngã ngũ. Hy vọng rằng, năm 2019 sẽ chứng kiến những tiến triển tích cực hơn, chí ít là không quay lại điểm xuất phát.

Ngoài ra, liên quan tới khu vực Trung Cận Đông, cuộc chiến Xy-ri có thể sẽ dịu bớt với lợi thế thuộc về Chính quyền của Tổng thống B.A. Át-xát được Nga hỗ trợ, cùng với tuyên bố rút lĩnh Mỹ ra khỏi Xy-ri của ông Đ. Trăm song “mớ bòng bong” mâu thuẫn, xung đột giữa I-xra-en với Pa-le-xtin, giữa I-ran cũng như Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và một số nước trong khu vực, giữa Ca-ta với các nước vùng Vịnh Péc-xích, nội chiến ở Áp-ga-ni-xtan và Y-ê-men... sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lúc nóng, lúc nguội.

Tình hình Nam Mỹ có thể chưa yên hẳn với những khó khăn kinh tế - tài chính và những biểu hiện thoái trào của làn sóng cánh tả ở nhiều nước.

4- Phức tạp nhất là cục diện cạnh tranh giữa các nước lớn. Cục diện này phản ánh quy luật khách quan về sự phát triển không đồng đều của các quốc gia, đưa tới sự chuyển dịch sức mạnh của các nước, tạo ra cuộc rượt đuổi giữa “cường quốc cũ” với “cường quốc mới nổi”. Bước vào thế kỷ XXI, cục diện ấy đã bộc lộ rõ khi Mỹ gặp nhiều khó khăn do sa lầy trong các cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa” nhằm giành vị trí trung tâm trên chính trường quốc tế vào giữa thế kỷ XXI.

Sau chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm coi Trung Quốc và Nga là những đối thủ chủ yếu, phát động cuộc cạnh tranh toàn diện về chính trị, quân sự - an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ... nhằm làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cũng vì mục tiêu chiến lược đó, Mỹ đòi hỏi các đồng minh chia sẻ gánh nặng cả về quốc phòng lẫn kinh tế, xét lại các thể chế và thỏa thuận đa phương được coi là “không công bằng” với mình. Trong bối cảnh mới đó, các nước vừa tìm cách dàn xếp với Mỹ, vừa tìm kiếm những tập hợp lực lượng mới có lợi cho mình.

Chắc chắn rằng, cục diện này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2019 với những kịch bản khác nhau, cạnh tranh đan xen với dàn xếp.

Có thể nói, những gì đã diễn ra trong hai, ba năm gần đây cho thấy, cục diện thế giới đã sang trang; trong buổi giao thời giữa cái mới và cái cũ đan xen, cọ xát lẫn nhau làm nảy sinh nhiều tình huống bất an và bất định. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải theo dõi sát sao, dự báo chiều hướng phát triển để có đối sách thích hợp. Mục tiêu cơ bản vẫn là kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tiếp tục thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế với sự cơ động, linh hoạt nhiều hơn nữa vì mục tiêu tối thượng là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ tối đa điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển, không ngừng nâng cao uy tín, vai trò của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Hồ Vũ/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều