Đoàn kết quốc tế - Nền tảng cho mối quan hệ giữa các dân tộc trong thế kỉ XXI

(Mặt trận) - Đoàn kết là một trong những giá trị căn bản, phổ quát và là nền tảng cho mối quan hệ giữa con người với con người trong thế kỷ này và xa hơn nữa.

Với Nghị quyết 60/209 (ngày 22/12/2005), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 20 tháng 12 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại. Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc thúc đẩy các chương trình phát triển quốc tế, như các chương trình hành động của những hội nghị quốc tế và các hiệp định đa phương. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để thúc đẩy sự hiểu biết toàn cầu về giá trị của tình đoàn kết con người.

 Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của sự đoàn kết trong việc hướng tới xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Daughtersofwisdom.org.

Khái niệm về sự đoàn kết đã xác định các công việc của Liên hợp quốc kể từ khi ngày này được ra đời. Việc sáng lập của Liên hợp quốc đã gắn kết các dân tộc và các quốc gia trên thế giới với nhau, thúc đẩy hòa bình, nhân quyền và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức được thành lập dựa trên một tiền đề cơ bản của sự hợp nhất và hòa hợp giữa các quốc gia, thể hiện một khái niệm đoàn kết “để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Đoàn kết được xác định là một trong những giá trị nền tảng trong các quan hệ quốc tế ở thế kỷ XXI; theo đó, những người phải chịu thiệt thòi nhất hoặc những người được hưởng lợi ít nhất xứng đáng được hưởng sự giúp đỡ đặc quyền hơn. Xuất phát từ nhận thức và thực tế đó, Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại được kỷ niệm nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy một nền văn hóa đoàn kết và tinh thần sẻ chia trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Trước đó, với Nghị quyết 57/265 (ngày 20/12/2002), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập Quỹ Đoàn kết thế giới, được tạo ra vào tháng 2/2003, với chức năng là một nguồn quỹ dành để hỗ trợ đặc biệt của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Mục tiêu của Quỹ này được dùng để xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển con người, xã hội ở các nước đang phát triển, đặc biệt trong phân khúc dân số nghèo nhất.

Trên cơ sở bình đẳng và công bằng xã hội, đoàn kết quốc tế chia sẻ nghĩa vụ chung giữa tất cả các thành viên trong xã hội cũng như trong cộng đồng thế giới, quan hệ đối tác và hợp tác giữa các tác nhân phát triển là các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự.

 Đoàn kết quốc tế là nền tảng cho mối quan hệ giữa các dân tộc trong thế kỉ XXI. Ảnh: Askideas.com

Vào ngày 20/12/2013, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ, các nhà lãnh đạo thế giới đã tái khẳng định cam kết của họ đối với hòa bình, an ninh thế giới, các quyền con người và quản trị tốt. Các nhà lãnh đạo đã đồng ý triển khai thực hiện một tập hợp các mục tiêu có thời hạn, được gói gọn là các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó bao gồm việc xóa đói giảm nghèo cùng cực, phòng chống một số bệnh, giảm thiểu tệ nạn xã hội và đảm bảo bền vững về môi trường vào năm 2015. Đồng thời, họ cũng nhận ra rằng, để đạt được những mục tiêu này, tất cả chúng ta cần phải tôn trọng lẫn nhau và chấp nhận chia sẻ trách nhiệm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức của sự bất bình đẳng ngày càng tăng, việc tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế là không thể thiếu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tất cả chúng ta đều giữ một vai trò nhất định để loại bỏ các thách thức về kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội hiện nay và tất cả chúng ta cần phải đóng góp trong khả năng của mình để bảo đảm phát triển bền vững. Theo Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đây là bản chất của công lý, công bằng và bình đẳng và cũng là ý nghĩa của sự đoàn kết.

Vào ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại, chính phủ các nước sẽ được nhắc nhở về những cam kết với các hiệp định quốc tế về sự cần thiết phải đoàn kết nhân loại như một sáng kiến để chiến đấu chống lại đói nghèo. Mọi người sẽ được khuyến khích tranh luận về cách thức để thúc đẩy tình đoàn kết và tìm ra nhiều phương pháp sáng tạo để giúp xóa đói giảm nghèo.

Các hoạt động có thể thực hiện bao gồm việc thúc đẩy các chiến dịch về các vấn đề như:

- Cấm nổ mìn.

- Cải thiện sức khỏe của người dân và đảm bảo rằng thuốc sẽ đến tay những người có nhu cầu.

- Nỗ lực cứu trợ để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng của thảm họa tự nhiên hoặc nhân tạo.

- Phổ cập giáo dục.

- Chiến đấu chống lại đói nghèo, tham nhũng và khủng bố.

Ngày này được thúc đẩy thông qua tất cả các hình thức truyền thông, bao gồm các bài báo, tạp chí, diễn văn tại các sự kiện chính thức và các trang web từ các nhóm, cá nhân, các tổ chức cam kết đoàn kết toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Chúng ta có thể đạt được các mục tiêu nếu mọi người đều cùng tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, các chính sách và các chương trình nhằm xác định một tương lai chung. Các cam kết không có phương tiện hành động cũng giống như những từ ngữ không có ý nghĩa gì”.

“Nhân Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại, tôi kêu gọi tất cả các công dân của thế giới cùng đoàn kết như là một gia đình lớn để cùng giúp chúng tôi thúc đẩy sự đoàn kết và để đạt được các mục tiêu chung của tất cả chúng ta”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại là dịp để phản ánh về cách mỗi người trong chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với hành động của mình trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, chúng ta hãy thực hiện những bước đầu tiên ngay từ hôm nay, kể cả khi nó là quá nhỏ mà không ai có thể nhận thấy. Nhưng nếu tất cả chúng ta cùng nhau thực hiện những bước nhỏ như vậy hàng ngày, thì trong thời gian không xa, chúng ta có thể tiến tới một tương lai tươi sáng hơn.

Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại dành để:

- Ăn mừng sự đoàn kết của các dân tộc trên thế giới;

- Nhắc nhở các chính phủ phải tôn trọng cam kết của mình về những thỏa thuận quốc tế;

-Nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của sự đoàn kết;

- Khuyến khích các cuộc tranh luận về cách thúc đẩy tình đoàn kết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, bao gồm cả việc xóa đói giảm nghèo;

- Hành động để khuyến khích các sáng kiến mới trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Hồng Nhung (Nguồn: United Nation)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều