Đổi múi giờ ở châu Âu: Kiếm tìm đồng thuận

 “Ngày tháng Mười, chưa cười đã tối”… Thực tế trên rất đúng với những nước có vị trí ở gần hai cực của Trái Đất. Với những quốc gia này, cảm giác đêm dài, ngày ngắn vào mùa đông thực sự rõ rệt. Để thuận tiện, thông lệ đổi giờ theo mùa đã được nhiều nước áp dụng từ hơn 100 năm nay, trong đó có cả Liên minh châu Âu.

Lợi hay hại

Là vùng lãnh thổ rộng thứ 7 thế giới, diện tích của 28 nước thành viên EU trải dài trên 3 múi giờ. Bởi vậy, nhiều quốc gia như Phần Lan, nằm gần cực Bắc, những khoảng thời gian như mùa đông, mặt trời chỉ chiếu sáng trong vài tiếng, trong khi mùa hè, ánh nắng gần như xuất hiện liên tục. Căn cứ vào thực tế đó, quy ước giờ ánh sáng, tiết kiệm năng lượng được áp dụng ngay từ Thế chiến I, nhằm mục đích giúp các nhà máy có thêm thời gian để làm việc. Cho đến những năm đầu thập kỷ 80, các nước EU áp dụng đồng loạt quy định này.

Theo đó, toàn bộ các thành viên EU sẽ chỉnh giờ sớm lên một tiếng vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và lùi lại một tiếng vào Chủ nhật cuối của tháng 10 hàng năm. Có thể thấy, những điều chỉnh như vậy mang lại khá nhiều lợi ích cho kinh tế và đời sống. Khi thông lệ trên được áp dụng hơn 100 năm trước, hệ thống chiếu sáng cho mỗi nhà còn nghèo nàn nên việc đổi giờ thời gian ban ngày phần nào hỗ trợ cho sinh hoạt của người dân. Việc lùi thêm 1 giờ đồng hồ vào mùa hè khiến ánh sáng ban ngày kéo dài hơn, các hoạt động ngoài trời vào buổi tối cũng diễn ra được nhiều hơn.

Chẳng hạn ở Anh, vào tháng 6, tháng 7 hàng năm, mặt trời lặn hẳn vào lúc 10 giờ tối, thuận lợi cho các hoạt động thường nhật của người dân, từ ăn uống, giải trí đến mua sắm. Những yếu tố này kích thích tăng trưởng trong nhóm ngành dịch vụ. Thống kê cho thấy, khi đổi giờ mùa hè, chi tiêu tiêu dùng tăng từ 2 - 5% so với khi chuyển lại giờ chuẩn. Việc chỉnh giờ cũng được coi là mang lại lợi ích trong việc tiết kiệm năng lượng. Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2015 còn chỉ rõ, việc kéo dài thời gian ban ngày giúp tiết kiệm tới 59 triệu USD chi phí xã hội do ánh sáng ban ngày giúp giảm… tỷ lệ tội phạm.

Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại khiến con người nhận thấy những bất ổn trong việc điều chỉnh lại giờ giấc. Ngày nay, nhiều ý kiến cho rằng yếu tố tiết kiệm điện đã không còn. Những ý kiến phản đối nêu nhiều minh họa về mặt trái như thay đổi nhịp sinh học của con người. Thậm chí, có nhiều trường hợp gặp nghiêm trọng thực sự về sức khỏe. Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, gây tai nạn giao thông hay giảm năng suất lao động… là những dẫn chứng được đưa ra.

Cần cân nhắc

Tranh luận về giờ giấc trong các nước thành viên châu Âu - tồn tại nhiều năm nay. Do đó, hồi cuối tháng 8, lần đầu tiên, EU chủ trương đề xuất hủy bỏ thông lệ trên. Khảo sát mới đây nhất cho thấy, 84% số người được hỏi ủng hộ việc bãi bỏ quy định đổi giờ. Nhiều nhà tư vấn cũng cho rằng, những ảnh hưởng của việc đổi giờ tới chu kỳ sinh học của con người đang nhiều hơn con người nghĩ. Vào ngày 29.10 vừa qua, các nước thành viên EU đã nhóm họp về  vấn đề trên. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chưa đạt được đồng thuận. Ủy ban châu Âu muốn các thành viên phải đưa ra quyết định của mình, chọn múi giờ mùa đông hay mùa hè vào tháng 4 năm sau.

Trong khi đó Áo, nước Chủ tịch luân phiên EU nêu quan điểm, còn quá sớm để các nước quyết định giữ múi giờ nào. Theo Bộ trưởng Giao thông nước này, ông Nobert Hofer, EU cần đạt được một thỏa thuận cụ thể bởi hiện nay rất ít nước đặt niềm tin vào khả năng ngừng việc đổi múi giờ vào năm sau. Nếu các nhà lập pháp và các nước EU đều đồng nhất bỏ quy định trên, mỗi nước sẽ tự lựa chọn duy trì giờ mùa hè hoặc mùa đông trong suốt cả năm. Trên thực tế, ngoài các nước thuộc liên minh, các quốc gia khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus… cũng đã ngừng đổi giờ. Và có thể, để có được kết luận cuối cùng, người ta vẫn cần đến một cuộc tranh luận công khai nhằm đi đến một sự đồng thuận.

Theo Ngọc Minh/Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều