Đối thủ cũ, cuộc đua mới

Cuộc đua vào ghế Tổng thống Indonesia năm nay tiếp tục là màn so tài của hai gương mặt cũ từ kỳ bầu cử năm 2014, bởi ứng cử viên vẫn là ông Joko Widodo - đương kim Tổng thống và cựu tướng Prabowo Subianto. Hôm qua, hai chính trị gia này vừa bước vào cuộc đối đầu đầu tiên hướng tới phân định thắng thua vào mùa hè tới.

Màn tái đấu

Trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình, các ứng cử viên đã được đặt ra nhiều câu hỏi tập trung vào lĩnh vực luật pháp, nhân quyền, khủng bố và tham nhũng. Nhiều cử tri hy vọng, sự kiện sẽ giúp làm rõ thêm tầm nhìn của từng ứng viên về các vấn đề của đất nước trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội và Hội đồng địa phương ngày 17/4.

Từng là cựu Thống đốc Jakarta, ông Joko Widodo, hay còn được gọi Jokowi, 57 tuổi, thuộc đảng Đấu tranh dân chủ Indonesia (PDI-P) đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Indonesia không có mối liên quan gì với quân đội hoặc giới lãnh đạo tôn giáo hay chính trị. Lúc đó, hình ảnh “thường dân” của ông Jokowi đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân Indonesia bất chấp một số nhà phân tích cho rằng ông tỏ ra kém ấn tượng với tư cách một lãnh đạo quốc gia.

 Trong khi đó, đối thủ Prabowo Subianto, 67 tuổi, thuộc Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra), lại đang xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông Prabowo từng phục vụ trong quân đội từ năm 1974 - 1998. Xuất thân từ tầng lớp chính trị thượng lưu truyền thống, cựu tướng quân đội từng rất được các ông trùm truyền thông hậu thuẫn trong cuộc bầu cử năm 2014.

Bên cạnh hai “kỳ phùng địch thủ”, các phó tướng của họ cũng nhận được nhiều quan tâm vì việc chọn người liên danh tranh cử phù hợp có thể giúp ứng cử viên thu hút thêm cử tri. Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Widodo đã quyết định chọn ông Ma’ruf Amin, 75 tuổi, người đứng đầu Hội đồng Ulema - Cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất của Indonesia làm liên danh tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Ở bên kia “chiến tuyến”, ông Prabowo đã mời cựu Phó Thống đốc Jakarta, 49 tuổi, Sandiaga Uno cùng hợp sức để tiến vào dinh Tổng thống.

Hai ứng cử viên còn tiếp tục tái đấu trong 3 cuộc tranh luận trên truyền hình nữa trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.

Ai đang có lợi thế hơn ?

Nói chung, chủ đề chính mà cử tri quan tâm trong hầu hết cuộc bầu cử trên thế giới chính là kinh tế. Người dân tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, đây chính là yếu tố tiên quyết để lựa chọn người xứng đáng lèo lái đất nước.

Trong hai năm 2017 - 2018, tăng trưởng kinh tế Indonesia vẫn ở mức trên 5% và lần đầu tiên, những nỗ lực cố gắng thúc đẩy kinh tế thông qua một loạt gói chính sách của Tổng thống Jokowi đã giúp giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 10% dân số. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của đồng rupiah, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, đã khuấy lại ký ức đau thương của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm đó, khi giá dầu giảm và xuất khẩu tụt dốc đã gây áp lực không nhỏ đối với tình hình tài chính của Indonesia.

Hôm đầu tuần, ứng cử viên Prabowo đã vạch ra tầm nhìn cho chiến dịch tranh cử của mình trong một bài phát biểu trên truyền hình, trong đó phát đi thông điệp tập trung giải quyết các vấn đề tài chính. “Chúng tôi tin có thể tăng sức mua của người dân. Chúng tôi phải ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài. Chúng tôi phải nỗ lực làm việc để dòng tiền chảy vào nước Cộng hòa Indonesia”, ông nói.

Mặc dù cho đến nay, đương kim Tổng thống Jokowi vẫn chưa có bài phát biểu tương tự nhưng chắc chắn nhà lãnh đạo này cũng sẽ nhấn mạnh đến những cam kết cải thiện cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và phát triển các chủ đề của chiến dịch tranh cử năm 2014. Theo các nhà quan sát, các chính sách của ông Jokowi thường thiên về giới trẻ và hướng tới cấp thường dân như các chương trình bảo hiểm xã hội, thẻ y tế, thẻ thông minh cho người Indonesia…

Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, Tổng thống Joko Widodo đang bỏ khá xa các đối thủ còn lại. Cụ thể, theo cuộc thăm dò ý kiến cử tri thực hiện tháng 12 năm ngoái, ông dẫn trước với tỷ lệ 55% so với 35% ủng hộ Prabowo. Bản thân ông cũng từng đánh bại ứng cử viên này trong cuộc bầu cử năm 2014. Tuy nhiên, lợi thế đó không hẳn đã bảo đảm chắc chắn chiến thắng. Bởi vị cựu tướng đối lập có thể xoáy vào thực tế gây bất lợi là Indonesia chưa đạt được nhiều tiến bộ kinh tế trong nhiệm kỳ hiện tại của Jokowi khi mà đầu tư vào cơ sở hạ tầng chưa mang lại kết quả trong khi giá trị đồng rupiah thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, ông Prabowo còn có thể chỉ trích Tổng thống đã không giảm được bất bình đẳng về thu nhập cũng như bảo đảm tăng trưởng 7% như cam kết trong chiến dịch năm 2014…

Cuộc đua mới chỉ bắt đầu và “đường dài mới biết ngựa hay”.

Theo Linh Anh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều