Đồng thuận dựa trên thỏa hiệp

Tại Hội nghị Cấp cao 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tổ chức ở Thủ đô Buenos Aires, Argentina, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó ủng hộ cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù Tuyên bố chung thể hiện sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc duy trì và cải thiện hệ thống thương mại đa phương, song thực tế cũng cho thấy nhượng bộ của các nước còn lại trong G20 trước yêu cầu của Mỹ.

Thành công quan trọng

Để đạt được đồng thuận, các phái đoàn tham gia soạn thảo Tuyên bố chung đã phải đàm phán xuyên đêm, nhằm tìm cách giải quyết bất đồng sâu sắc giữa những thành viên G20. Một số quan chức giấu tên của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, Tuyên bố chung tại Buenos Aires đã bỏ qua nhiều cụm từ mang tính đặc trưng của G20. Cụ thể, phái đoàn Mỹ phản đối cụm từ “chủ nghĩa bảo hộ”, được nêu như một trong những thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu, trong bối cảnh thời gian qua chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp áp đặt các loại thuế nhập khẩu lên 250 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc và nhôm, thép nhập khẩu từ các đối tác khác trong G20. Do đó, lần đầu tiên kể từ Hội nghị Cấp cao G20 khai mạc tại Washington năm 2008, Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm này không đề cập tới cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ. Bên cạnh đó, nhằm thuyết phục Mỹ chấp thuận nội dung ghi nhận tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương, Tuyên bố chung G20 phải thừa nhận hệ thống này tồn tại sai sót và cần được cải thiện thông qua cải tổ WTO, tổ chức đóng vai trò chính trong việc đề ra các quy tắc đối với thương mại toàn cầu và cung cấp diễn đàn nhằm giải quyết tranh chấp thương mại.

Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc phản đối lời kêu gọi “các hành vi thương mại công bằng”. Bắc Kinh bác bỏ các chỉ trích của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản về những hành vi thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc như bán phá giá, trợ cấp công nghiệp và lạm dụng sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ… Ngay cả cụm từ “chủ nghĩa đa phương” cũng không được nhắc đến trong Tuyên bố chung của G20, nhóm được thành lập với mục đích thúc đẩy hợp tác toàn cầu.

Nhiều quan chức tham dự Hội nghị Cấp cao G20 ca ngợi, việc ra được Tuyên bố chung là bước đột phá, khi lần đầu tiên cả Mỹ và Trung Quốc đồng ý tham gia nỗ lực cải cách WTO. Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri cho rằng, cải tổ WTO là cần thiết cho “thương mại công bằng” và “cuộc chơi công bằng”. Thứ trưởng Tài chính Brazil Marcello Estevao cũng cho rằng, Tuyên bố chung của G20 là thắng lợi cho chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, Thomas Bernes, chuyên gia tại Trung tâm Sáng kiến Quản lý Quốc tế (CIGI) của Canada cho rằng, Mỹ có lợi hơn cả. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng cho rằng, Tuyên bố chung G20 đã đáp ứng nhiều mục tiêu mà Mỹ đặt ra, với điểm nhấn là nội dung về cải tổ WTO. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo, sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu tổ chức này không cải tổ theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Mặc dù không đưa ra chi tiết về cải cách WTO, nhưng trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 thống nhất sẽ tiến hành rà soát tiến độ cải cách và thảo luận các biện pháp cụ thể tại Hội nghị Cấp cao G20 tiếp theo ở Osaka, Nhật Bản vào tháng 6.2019.

Thách thức trong cải tổ

Từ khi được thành lập năm 1995 đến nay, WTO với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp có vai trò khá quan trọng. Nhưng sau gần 3 thập kỷ, vị thế của WTO đang bị suy giảm, các quy định của tổ chức này trở nên lỗi thời. Những biểu hiện thời gian qua của thương mại quốc tế càng củng cố nhận định này, khi các nước lớn thay nhau tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia, thay vì tôn trọng những chuẩn mực của thế giới.

Vài năm gần đây, các thành viên WTO ngày càng thể hiện sự thất vọng trong thực hiện ba chức năng chính của tổ chức: Giám sát chính sách thương mại của các nước thành viên, cung cấp diễn đàn cho đàm phán các hiệp định thương mại mới và phân xử các tranh chấp thương mại. Mỹ cũng từ lâu phàn nàn về Hệ thống giải quyết tranh chấp (DDS) và Cơ quan Phúc thẩm WTO. Washington cho rằng, quá trình đưa ra phán quyết cuối cùng cho các tranh chấp tại WTO của Cơ quan Phúc thẩm quá chậm và thiếu công bằng. Do đó, chính quyền Tổng thống Trump đã phủ quyết việc bổ nhiệm các vị trí bị bỏ trống trong Cơ quan Phúc thẩm, khiến cơ quan này hiện chỉ có 3 thẩm phán. Trong khi đó, hai thẩm phán của Cơ quan Phúc thẩm sẽ mãn nhiệm vào năm tới. Nếu không có người thay thế, Cơ quan Phúc thẩm sẽ đối mặt với nguy cơ không thể hoạt động, khiến chức năng giải quyết tranh chấp thương mại của WTO bị tê liệt.

Các nhà phân tích cho rằng, WTO sẽ phải cải tổ để trở lại đúng vị trí, vai trò của một tổ chức toàn cầu. Những điều chỉnh về các quy định, luật lệ cũng như cơ chế vận hành để phù hợp với tình hình mới là điều bắt buộc. Một nhóm tư vấn độc lập đã nói về việc phải loại bỏ cơ chế đồng thuận của WTO, vốn giúp các nước nhỏ có được lá phiếu tương đương với các cường quốc kinh tế. Đây được coi là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến WTO hoạt động không hiệu quả. Đơn cử, Mỹ, EU và một số nước khác đã nhiều lần kêu gọi sửa đổi quy định của WTO về việc trừng phạt những nước không tuân thủ việc thực thi quy tắc minh bạch của tổ chức, nhưng do cơ chế quyết định dựa trên sự đồng thuận, nên việc sửa đổi quy định gặp nhiều khó khăn. Cũng có ý kiến cho rằng, cần giải quyết thế bế tắc hiện nay của Cơ quan Phúc thẩm, như sửa đổi quy định về quy trình bổ nhiệm các vị trí bỏ trống trong Cơ quan Phúc thẩm; bảo đảm thủ tục khiếu nại được giải quyết đúng thời hạn; tăng cường tương tác giữa Cơ quan Phúc thẩm với các nước thành viên WTO...

Những thay đổi sắp tới chắc chắn sẽ động chạm tới các yếu tố nền tảng cốt lõi của WTO. Vì vậy, các cuộc thảo luận thúc đẩy cải tổ WTO được dự đoán sẽ không dễ dàng. 

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều