Dự án Dòng chảy phương Bắc 2: Tìm tiếng nói chung

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận nhằm siết chặt các quy định về kiểm soát đường ống dẫn khí đốt vào khu vực này, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) hợp tác giữa Nga và Đức. Đây được xem là sự thỏa hiệp của EU nhằm tìm kiếm đồng thuận nội khối xung quanh dự án năng lượng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, bước đi này có thể cản trở kế hoạch khai thông dòng chảy khí đốt mà Nga đang theo đuổi.

Tăng cường vai trò giám sát của EU

Thỏa thuận đạt được giữa các đại diện Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và 28 nước thành viên EU, nhằm tăng cường khả năng giám sát của EU đối với các đường ống nhập khẩu khí đốt vào khu vực. Theo thỏa thuận, tất cả đường ống dẫn khí đốt từ các quốc gia bên ngoài sang EU, trong đó có đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, sẽ phải tuân thủ các quy định của EU như: Không sở hữu trực tiếp bởi nhà cung cấp khí đốt; bị áp các mức thuế quan không phân biệt đối xử; minh bạch hóa báo cáo hoạt động và cho phép bên thứ ba tham gia khai thác ít nhất 10% năng suất vận hành… Dự kiến, thỏa thuận sẽ được ban hành thành luật trong những tháng tới. Sau đó, các quốc gia thành viên EU có khoảng 9 tháng để nội luật hóa những quy định mới.

 

Ủy viên EU phụ trách lĩnh vực năng lượng Arias Canete cho biết, thỏa thuận vừa đạt được sẽ giúp lấp lỗ hổng trong khung khổ pháp lý của EU về quản lý các đường ống dẫn khí đốt, trong bối cảnh khu vực này ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu. Các quy định mới sẽ bảo đảm luật  của EU được áp dụng cho tất cả đường ống khí đốt dẫn đến châu Âu và những ai mong muốn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ phải tôn trọng luật năng lượng của châu Âu.

Thỏa thuận trên được xem là sự nhượng bộ đáng kể nhằm giải quyết bất đồng trong nội bộ EU xung quanh dự án năng lượng gây nhiều tranh cãi. Trước đó, Pháp và Đức cũng đạt được đồng thuận về dự án này. Theo đó, Đức vẫn đóng vai trò đàm phán chủ chốt với Nga trong thực hiện dự án và các quy định về hoạt động nhập khẩu khí đốt sẽ được áp dụng dựa trên nguyên tắc “lãnh thổ và lãnh hải của các nước thành viên tham gia dự án”, thay vì nguyên tắc “lãnh thổ và lãnh hải của các nước thành viên EU” như trước.

Dòng chảy phương Bắc 2 có bị cản dòng?

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom (Nga) và 5 công ty của châu Âu, trong đó có Uniper và Wintershall thuộc tập đoàn BASF của Đức; Tập đoàn Shell liên doanh giữa Anh và Hà Lan, OMV của Áo và Engie của Pháp. Khi hoàn thành, các đường ống này dự kiến hàng năm có thể vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua biển Baltic đến Ðức, mà không đi qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải phản đối của một số quốc gia thành viên, do lo ngại EU sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Mới đây, Nghị viện châu Âu cũng thông qua nghị quyết phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Ukraine trong hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Về phần mình, Kiev liên tục phản đối việc triển khai dự án trên do lo ngại Ukraine có thể bị gạt ra ngoài hệ thống cung cấp khí đốt cho EU. Các nhà phân tích cho rằng, nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, vai trò “truyền thống” của Ukraine như quốc gia trung chuyển chính trong hệ thống xuất khẩu - nhập khí đốt giữa Nga và châu Âu sẽ bị suy yếu. Ngoài ra, dự án còn gây ảnh hưởng không nhỏ cho kinh tế Ukraine, do mất nguồn thu từ lệ phí trung chuyển khí đốt của Nga.

Mỹ cũng phản đối mạnh mẽ dự án trên, trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy những dự án tham vọng về xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang lục địa già. Washington cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 có thể được Nga sử dụng nhằm tạo đòn bẩy kinh tế và chính trị đối với EU. Tuy nhiên, cả Nga và Ðức đều khẳng định, Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án mang mục đích kinh tế thuần túy, giúp bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho lục địa già.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận mới đây của EU có thể cản trở dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, do ảnh hưởng tới cơ cấu vận hành dự án của phía Nga. Hơn nữa, dự án còn đối mặt với nguy cơ bị Đan Mạch từ chối cho đường ống chạy qua lãnh hải nước này, do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trước đó, Mỹ từng cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt các nhà thầu và công ty liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, Nga khẳng định, việc sửa đổi các chỉ thị của EU về đường ống dẫn khí đốt đi qua khu vực này sẽ không ngăn được Dòng chảy phương Bắc 2. Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov cho biết, dự án sẽ vẫn được hoàn thành bất kể những quy định mới của EU có hiệu lực thực thi. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Kinh tế Đức đã hoan nghênh thỏa thuận mới của EU và cho rằng, khía cạnh quan trọng của thỏa thuận này là nhà cung cấp khí đốt và nhà vận hành không phải là một. Ủy ban châu Âu cũng cho biết, những trường hợp ngoại lệ có thể được xem xét, song cần phải tuân theo trình tự thủ tục nghiêm ngặt.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều