Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2023

(Mặt trận) - Hoạt động kinh tế toàn cầu suy yếu với lạm phát cao hơn mức từng thấy trong vài thập kỷ qua, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thắt chặt chính sách tiền tệ ở hầu hết các khu vực, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và đại dịch Covid-19 kéo dài đều ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế thế giới. Tình trạng này được dự báo sẽ không nghiêm trọng và nhiều khả năng thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái sâu trong năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ chậm lại.
ẢNH: DAILY EXPRESS
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, từ 6% trong năm 2021 xuống 3,2% trong năm 2022 và 2,7% trong năm 2023. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001 (ngoại trừ giai đoạn khủng hoảng tài chính và giai đoạn đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh). Lạm phát trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022, nhưng giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% trong năm 2024.

Nhà Kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre Olivier Gourinchas nhận định tình hình kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ rất khó khăn, sẽ có sự suy thoái và thiệt hại về kinh tế. Hơn một phần ba nền kinh tế trên toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Báo cáo của IMF đã chỉ ra ba sự kiện lớn hiện đang cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu bao gồm: Xung đột Nga-Ukraine; Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Những sự kiện này kết hợp với nhau gây ra ảnh hưởng lớn về kinh tế, địa chính trị và sinh thái.

Theo báo cáo của IMF, cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục làm mất ổn định nền kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ, với những tác động đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu, đồng thời là sự tàn phá nặng nề ở chính Ukraine.

Chính sách tiền tệ nên duy trì mục tiêu khôi phục sự ổn định giá cả và chính sách tài khóa nên nhằm hướng tới mục đích giảm bớt lạm phát, áp lực chi phí sinh hoạt trong khi duy trì ở mức đủ chặt chẽ để phù hợp với chính sách tiền tệ.

Cải cách cơ cấu có thể hỗ trợ thêm cho cuộc chiến chống lạm phát bằng cách cải thiện năng suất và nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, trong khi hợp tác đa phương là cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng toàn cầu.
ẢNH: CNN

Giá khí đốt tự nhiên đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2021, do Nga hiện chỉ cung cấp dưới 20% mức của năm 2021. Giá lương thực cũng bị đẩy lên cao do xung đột này.

Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, những cú sốc trong năm 2022 sẽ khiến những “vết thương” kinh tế mới chỉ lành một phần sau đại dịch Covid-19 tiếp tục hằn sâu.

Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang phải đối mặt với một môi trường tài chính đầy thách thức, nơi những cú sốc tiếp theo có thể gây ra tình trạng mất thanh khoản trên thị trường, bán tháo hoặc sự sụp đổ.

Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) Axel Van Trotsenburg cho biết: nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại đáng kể, đồng thời tình trạng nghèo đói cùng cực cũng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Số người dân sống với mức thu nhập 7 USD/ngày chiếm 47% dân số thế giới đang chật vật trong cảnh nghèo đói.

Thị trường lao động toàn cầu cũng có những thay đổi đáng kể, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp hoặc gần với mức thấp nhất trong 20 năm qua ở nhiều quốc gia, điều này thúc đẩy sự tăng trưởng trong tiền lương, giúp giảm thiểu tình trạng mất sức mua. Tuy nhiên, nó cũng đang góp phần gây lạm phát trên diện rộng. Tăng trưởng tiền lương đã diễn ra trên thị trường lao động ở Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh nhưng chưa phải ở khu vực đồng Euro.

IMF cũng nhấn mạnh rằng, sẽ có những rủi ro nếu việc đưa ra các chính sách tiền tệ, tài khóa không chính xác khi mà nền kinh tế thế giới đang bất ổn và thị trường tài chính có dấu hiệu căng thẳng. Cũng theo tổ chức này, chính sách tài khóa không nên hoạt động trái mục đính với nỗ lực kiềm chế lạm phát của các cơ quan quản lý tiền tệ.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang đè nặng lên các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và nó được xem là “không phải là một cú sốc nhất thời”. Sự sắp xếp lại địa chính trị của các nguồn cung cấp năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ mang tính lâu dài. IMF cho biết, mùa đông năm 2022 đã là giai đoạn thách thức lớn đối với châu Âu, nhưng mùa đông năm 2023 còn có thể sẽ tồi tệ hơn nữa.

 Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức tối thiểu.
ẢNH: NIKKEI ASIA
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chi phối tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. Theo Hãng S&P Global Market Intelligence, khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng thực tế khoảng 3,5% vào năm 2023, trong khi châu Âu và Mỹ có thể phải đối mặt với suy thoái. Báo cáo của S&P cho biết, châu Á-Thái Bình Dương - khu vực tạo ra 35% GDP thế giới sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu nhờ sự hỗ trợ bởi các Hiệp định thương mai tự do trong khu vực, chuỗi cung ứng và chi phí cạnh tranh hiệu quả.

Theo S&P, với mức tăng trưởng vừa phải ở châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, nền kinh tế thế giới cũng có thể tránh được suy thoái nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức tối thiểu.

Theo bà Sara Johnson - Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu kinh tế của S&P, các điều kiện kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi khi lạm phát vẫn ở mức cao và các điều kiện thị trường tài chính thắt chặt.

Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa thương mại. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei, GDP của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự kiến sẽ tăng 4,3% trong năm 2023. Tăng trưởng của các quốc gia này được điều chỉnh giảm. Triển vọng của Indonesia xuống 4,9% từ 5,1%, Malaysia 4,0% từ 4,6%, Philippines 5,4% từ 5,6%, Singapore 2,2% từ 3,5% và Thái Lan 3,7% từ 4,4%. Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lãi suất để điều chỉnh lạm phát, điều này sẽ khiến các đồng tiền châu Á giảm giá trị.

Các nhà kinh tế cho rằng sự suy thoái của Hoa Kỳ với hậu quả là tiêu dùng giảm có thể dẫn đến xuất khẩu của các quốc gia châu Á cũng giảm sút, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực trong năm 2023.

Ông Amonthep Chawla - Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng CIMB Thái Lan tỏ ra lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu do chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ sẽ gây ra ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan.

Người đứng đầu Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ Tirthankar Patnaik cũng lo ngại rằng, nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái sẽ có tác động lan tỏa đến nhu cầu trên toàn cầu và do đó, gây ra rủi ro cho tăng trưởng của Ấn Độ.

Sự không chắc chắn đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng đè nặng lên khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước châu Á và là nguồn khách du lịch lớn nhất đối với một số quốc gia Đông Nam Á.

Lạm phát diễn ra trên diện rộng.
ẢNH: CGTN 
Các nhà kinh tế coi sự suy thoái của Trung Quốc là rủi ro lớn nhất trong năm 2023 đối với Thái Lan, tiếp theo đó là Singapore và Malaysia. Trong một cuộc khảo sát gần đây, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc được liệt kê là một trong ba rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế Thái Lan.

Giám đốc điều hành của Centennial Asia Advisors tại Singapore Manu Bhaskaran cảnh báo rủi ro của Trung Quốc là yếu tố dao động lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu, bởi khó xác định được tác động của việc phong tỏa, giảm phát bất động sản, căng thẳng tài chính gia tăng và các cuộc đàn áp công nghệ.

Ông Mohd Sedek Jantan - Người đứng đầu bộ phận tư vấn và nghiên cứu của hãng UOB Kay Hian Wealth Advisors cho biết, tại Malaysia, nơi mà Trung Quốc coi là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc có tác động đối với một số ngành và một số công ty địa phương bởi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 40% hàng xuất khẩu của Malaysia.

Ngoài kinh tế, rủi ro địa chính trị ở Đài Loan cũng gây lo ngại cho một số nước láng giềng. Người đứng đầu Ngân hàng Union của Philippines Ruben Carlo O. Asuncion cho rằng, khủng hoảng tại eo biển Đài Loan là một sự kiện rủi ro địa chính trị cần được đặc biệt lưu ý, bởi Đài Loan là một đối tác thương mại lớn về nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng của Philippines.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, UOB dự đoán cuộc suy thoái đối với các nền kinh tế lớn vào năm 2023 sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và đưa dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 về 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính tiếp tục chậm lại.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra áp lực từ lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc) cùng sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Về rủi ro trong nước, lạm phát cao hơn dự kiến, tài chính hộ gia đình vẫn còn bấp bênh, tình trạng thiếu lao động trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng” báo cáo của WB nêu ra.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều