Dự báo xu hướng kinh tế châu Á trong năm 2019

(Mặt trận) - Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế khu vực châu Á. Theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2018 và dự kiến tăng 5,8% trong năm 2019.

Các nhà chuyên môn dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2019 vẫn mạnh mẽ (Ảnh: TGVN)

Chúng ta đã bước qua 2 tháng đầu năm 2019, hãy cùng điểm qua những xu hướng kinh tế được dự báo sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia châu Á.

Chúng ta đang chứng kiến sự thích ứng ngày càng cao của công nghệ số, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ khách hàng, thanh toán và xếp hạng tín dụng. Trong khu vực bán lẻ, sự phổ biến của các khoản thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các tài khoản, thẻ và ví điện tử ngày càng tăng. Trong lĩnh vực ví điện tử, sự hợp lý hóa các lựa chọn thanh toán bằng hình thức này cũng ngày càng tăng.

Động thái của những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử khi mua lại các nhà bán lẻ truyền thống đã khẳng định tầm quan trọng của tiếp thị đa kênh, sự tích hợp liền mạch giữa tiếp thị trực tuyến và ngoại tuyến. Chính điều này đã ảnh hưởng đến những kênh thương mại điện tử quy mô nhỏ hơn và các nhà bán lẻ truyền thống kết hợp tiếp thị đa kênh vào chiến lược kinh doanh của họ.

Nhiều nhà bán lẻ đang bắt đầu phát triển chiến lược tiếp thị đa kênh giúp khách hàng có thể tận hưởng những trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số nâng cao, sự tương tác mua và bán hàng trực tuyến, ngoại tuyến một cách dễ dàng hơn. Từ việc đến các cửa hàng để trực tiếp cảm nhận về sản phẩm đến việc lựa chọn màu sắc, kích thước và kiểm tra lượng hàng tồn kho cho đến sắp xếp mua hàng và giao hàng đều được thực hiện một cách đơn giản hơn trước đây.

Với sự cải thiện các trải nghiệm kỹ thuật số của những nhà cung cấp thương mại điện tử, nền tảng thanh toán kỹ thuật số đang bắt đầu phát huy và đảm nhận vai trò mới. Một số tổ chức đã khám phá khả năng sử dụng nền tảng thanh toán kỹ thuật số như kênh phân phối cho các khoản vay siêu nhỏ. Mặt khác, bằng cách phân tích dữ liệu về mô hình hành vi của người tiêu dùng, nền tảng thanh toán kỹ thuật số có thể giúp người cho vay giảm thiểu rủi ro liên quan đến các khoản vay này.

Thanh toán bằng tiền mặt sẽ dần được thay thế bằng tiền kỹ thuật số (Ảnh: Capterra)

Chúng ta đang chứng kiến sự thích ứng ngày càng cao của tiền kỹ thuật số trong giao dịch hàng ngày. Điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp truyền thống và các nhà bán lẻ quy mô nhỏ vốn vẫn quen với thanh toán bằng tiền mặt. Có nhiều trao đổi tiền kỹ thuật số xuyên khu vực hơn trong năm nay, theo đó tỷ giá hối đoái cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này cũng có thể tác động đến tỷ giá hối đoái trong sự biến động của thời gian thực.

Bên cạnh đó, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu giúp các công ty cá nhân hóa việc gắn kết với khách hàng. Bằng cách sử dụng các công cụ AI, các công ty có số lượng khách hàng lớn có thể thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, sử dụng nó để cải thiện những trải nghiệm của khách hàng, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Nhiều chuyên gia từ các công ty khu vực châu Á đã nỗ lực để thành lập các công ty riêng. Tuy nhiên, tỷ lệ các công ty khởi nghiệp thành công còn rất nhỏ và hầu hết trong số họ đã thất bại trong việc mở rộng quy mô. Điều này đã dẫn đến việc các chuyên gia và các công ty của họ làm việc mất cơ hội tạo ra giá trị. Để tránh tình trạng này, nhiều công ty đang bắt đầu khuyến khích các chuyên gia trở thành các doanh nhân nội bộ, với sự tự chủ, chủ động trong công việc để cung cấp giá trị cho các bộ phận liên quan. Các chuyên gia được khuyến khích chấp nhận nhiều rủi ro hơn, đổi lại họ sẽ nhận được nhiều lợi ích khác nhau từ nội bộ doanh nghiệp như sở hữu chung đối với các công ty mới thành lập, nhà ở và các ưu đãi phi tiền tệ khác cho quan hệ đối tác cùng có lợi.

Thương mại điện tử vẫn giữ vai trò quan trọng (Ảnh: Rees46)

Việc khách hàng liên tục cập nhật 24/7 với những diễn biến xung quanh sẽ có xu hướng đưa ra quyết định ảnh hưởng bởi cảm xúc. Mặt khác, việc hàng hóa được các doanh nghiệp cung cấp ngày càng nhiều đã cản trở khả năng gắn kết về mặt cảm xúc với khách hàng. Để tạo ra sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đang gắn trách nhiệm xã hội vào hoạt động của mình nhằm thu hút khách hàng. Những hoạt động như gây quỹ cho các chương trình xã hội, hỗ trợ cho vay đối với mục đích xã hội cho đến chịu trách nhiệm đối với môi trường và tính bền vững. Những sáng kiến xã hội này cho phép các doanh nghiệp kể những câu chuyện về mình thông qua nền tảng truyền thông xã hội. Nó giúp tạo sự gắn kết cảm xúc giữa doanh nghiệp và các đối tượng tiếp thị mà họ hướng đến.

Nhìn chung, triển vọng kinh tế châu Á trong năm 2019 được dự đoán vẫn mạnh mẽ, tiếp tục là khu vực năng động nhất trên toàn cầu. Trong ngắn hạn, kinh tế châu Á có nhiều triển vọng, những rủi ro được dự báo sẽ được cân bằng trên diện rộng. Tuy nhiên, trong trung hạn, các rủi ro xuất phát từ những vấn đề như thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu chuyển sang các chính sách bảo hộ và căng thẳng địa chính trị sẽ gia tăng. Các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy cải cách cơ cấu để giải quyết các thách thức trung và dài hạn như sự già hóa dân số, năng suất lao động giảm nhằm đảm bảo rằng châu Á có thể gặt hái được toàn bộ những lợi ích từ việc số hóa gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế châu Á được dự báo ở mức 5,6% trong năm 2019, trong khi lạm phát được dự báo sẽ được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu mạnh mẽ được củng cố bởi chính sách kích thích tài khóa của Mỹ sẽ hỗ trợ đầu tư và xuất khẩu của châu Á, trong khi điều kiện tài chính phù hợp sẽ hỗ trợ nhu cầu tại các quốc gia. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,6%, một phần phản ánh các biện pháp thắt chặt tài chính của chính quyền. Tăng trưởng ở Nhật Bản đã vượt quá tiềm năng trong 8 quý liên tiếp và dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh trong năm nay ở mức 1,2%. Tại Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế được dự kiến sẽ phát triển trở lại lên 7,4% sau những gián đoạn tạm thời liên quan đến Sáng kiến trao đổi tiền tệ và triển khai thuế hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, châu Á vẫn dễ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các điều kiện tài chính toàn cầu, theo thời gian, các nguy cơ này tích lũy thành lỗ hổng tài chính. Những lỗ hổng này có thể trở nên trầm trọng hơn do việc chấp nhận rủi ro quá mức hay chuyển các rủi ro tài chính sang các khoản phải trả không bằng tiền.

Lợi ích từ toàn cầu hóa không đồng đều gây nên các rủi ro với khả năng phá vỡ thị trường tài chính và thương mại quốc tế. Căng thẳng địa chính trị vẫn là một nguồn gây rủi ro quan trọng.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng đang gia tăng trên toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, thiên tai có thể tiếp tục có những tác động đáng kể đến nền kinh tế khu vực châu Á trong năm nay.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7%. Diễn biến thị trường trong nước được dự báo sẽ có nhiều hỗ trợ cho tăng trưởng GDP năm nay nhờ chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đạt mức 7%, giữ lạm phát dưới 4%.

Hồng Nhung dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều