Gà trống biểu tượng thiêng liêng của nhiều quốc gia

(Mặt trận) - Ngày nay, với nhiều người, gà có thể đơn thuần chỉ là nguyên liệu để chế biến những món ẩm thực hảo hạng, hay được nuôi như thú cưng trong nhà. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nhiều đời nay gà được coi là biểu tượng của sự chung thủy, tần tảo và chữ tín. Còn ở nhiều nước châu Âu và một số khu vực khác, hình ảnh con gà, mà cụ thể là gà trống, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tinh thần của con người, thậm chí được lấy làm biểu tượng cao quý của nhiều quốc gia.
Gà trống biểu tượng thiêng liêng của nhiều quốc gia
Đồng 20 franc được đúc năm 1899 mang hình con gà. (Ảnh Couleurnature)

Ngày trước, gà Gaulois (Gô-loa) được gọi là "Gallus Gallus". Đây là sự chơi chữ bởi trong tiếng Latinh, Gallus có nghĩa là con gà trống, đồng thời có nghĩa là người dân xứ Gaule - vùng đất tương ứng với đại bộ phận lãnh thổ nước Pháp ngày nay.

Sỏ dĩ người Pháp xưa chọn con gà trống làm biểu tượng bởi lẽ, nó là một con vật oai vệ, mào nhọn và cổ đỏ rực, đuôi dài màu xám xanh, cong lên như những đoản kiếm. Ngoài ra, sự cảnh giác và lòng dũng cảm của những chú gà trống cũng là những lý do khiến nó trở thành biểu tượng của người Pháp.

Vào thời Trung cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh.

Đến thời Phục hưng (thế kỷ XV- XVI), hình ảnh con gà trống gắn liền với sự hình thành của nước Pháp. Dưới các vương triều ở thời kỳ này như Valois hay Bourbon, các bản chạm khắc và trên những đồng tiền đều có mang hình ảnh gà trống. Mặc dù chỉ còn là những biểu tượng nhỏ, hình ảnh gà trống Gô-loa từ thời đó vẫn có thể được tìm thấy ở cả hai bảo tàng Louvre và cung điện Versailles hiện nay.

Vào thế kỷ thứ I, cách mạng Tư sản Pháp đã chính thức chấp nhận lấy hình tượng con gà trống để thể hiện bản sắc quốc gia. Nó nổi bật trên đồng tiền ecu, trên chiếc mũ đỏ của các chiến sĩ cách mạng, trên con dấu của nền Tổng tài thứ nhất. Hình ảnh của thần Bác ái luôn gắn với một chiếc gậy có con gà trống ỏ đầu gậy.

Về sau, Hoàng đế Napoleon thay thế nền Cộng hòa bằng một đế chế và lấy hình tượng chim phượng hoàng thay cho con gà trống. Vị Hoàng đế này nói: "Gà trống không có sức mạnh, không thể là hình ảnh của một vương triều như nước Pháp". Sau một thời gian vắng bóng, đến năm 1830, hình ảnh gà trống được khôi phục, nó lại xuất hiện trên các lá cờ và trên cúc áo của đội cảnh vệ quốc dân Pháp.

Con dấu của nền Cộng hòa thứ hai (1848-1852) cho thấy hình ảnh thần Tự do cầm một tay lái được trang trí bằng hình ảnh một con gà trống. Tuy nhiên, xuất hiện bên cạnh hình ảnh đó là hình ảnh con đại bàng, biểu tượng ưa thích của Napoleon II, như là dấu hiệu của một đế chế lâu dài.

Dưới nền Cộng hòa thứ ba (1870­1940), cánh cổng sắt của điện Elysées (phủ Tổng thống) đã được tô điểm bằng một con gà trống và được gọi là "Cổng gà trống". Hiện cánh cổng này vẫn được mọi người chiêm ngưỡng. Đồng 20 franc được đúc năm 1899 cũng mang hình con gà trống. Bên cạnh đó, hình ảnh gà trống cũng thỉnh thoảng xuất hiện trên những chiếc tem thư.

Trong Thế chiến thứ nhất (1914­1918), tinh thần yêu nước nồng nàn đã biến gà trống Gô-loa trở thành biểu tượng của sức kháng cự và sự dũng cảm của nước Pháp trước con đại bàng nước Phổ. Việc sử dụng hình ảnh gà trống Gô-loa thông qua cách truyền đạt của các họa sĩ biếm họa đã mang lại những thành công lớn, bởi lẽ, biểu tượng gà trống đại diện cho nước Pháp đã được bắt nguồn từ tầng lớp nông dân, vốn dũng cảm và có tinh thần chiến đấu cao.

Hiện nay, tuy gà trống Gô-loa không còn là biểu tượng chính thức của nước Cộng hòa Pháp, nhưng nó vẫn thể hiện một khía cạnh nào đó về quốc gia này. Đặc biệt, nó vẫn là biểu tượng của các đoàn vận động viên quốc gia trong các cuộc đua tài thể thao quốc tế.

Hơn 100 năm qua, đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp đã tự hào mang trên mình chiếc áo thi đấu có hình con gà trống Gô-loa. Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên áo đồng phục màu xanh lam của tuyển Pháp ở trận thắng Bỉ 5-2 vào năm 1909, đến nay gà Gô-loa trở nên phổ biến và còn đặc biệt được trang trí trên ngực áo thi đấu của đội tuyển quốc gia Pháp chiến thắng World Cup vào năm 1998.

Trên huy hiệu của đội bóng bầu dục của nước này cũng có hình gà Gô-loa. Hồi năm 1997, khi Ủy ban Olympic quốc gia Pháp bỏ hình gà trên logo của mình, ngay lập tức người dân Pháp đã xuống đường tuần hành phản đối, cho rằng sự thay đổi ấy làm tổn thương giá trị của dân tộc.

Bên cạnh đó, phần lớn ngưòi dân Pháp đến bây giờ vẫn coi gà trống Gô-loa là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng. Tiếng gáy của gà vào mỗi sớm giúp họ vượt qua bóng tối và tội lỗi.

Trên thực tế, không chỉ có Pháp chọn hình ảnh gà trên làm biểu tượng của mình, mà đối với rất nhiều quốc gia gà trống đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó hiện diện trong nhiều nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Là vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần). Con gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, ở vùng nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc.

Ở châu Âu, tại các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư xưa như Hy Lạp, Italia... thì hình ảnh gà trống có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tinh thần của con ngưòi. Tranh vẽ đầu tiên về gà ở châu Âu được tìm thấy trên món đồ gốm Korinthos niên đại thế kỷ 7 trước Công nguyên. Bên cạnh đó, từ xa xưa, trên các món đồ gốm sứ châu Âu đã xuất hiện hình ảnh những chú gà trống ưỡn ngực bệ vệ in một cách tinh xảo. Hình gà còn xuất hiện trong các vật dụng, công trình kiến trúc trong nhà thờ và các nơi trang nghiêm, cổ kính. Ngưòi Hy Lạp cổ đại thường không dùng gà để hiến tế, có lẽ là do nó vẫn được xem là loài vật ngoại lai. Nhờ sở hữu tính dũng cảm mà gà trống được xem là tượng trưng của thần Ares, Heracles và Athena. Người Hy Lạp cũng tin rằng, ngay đến sư tử cũng còn sợ gà trống. Nhiều truyện cổ tích châu Âu cũng lưu truyền rằng, ma quỷ hay chuyện xấu sẽ chạy trốn thật xa khi nghe tiếng gáy của gà trống.

Tại các nước châu Á, hình ảnh chú gà trống hiện diện rất nhiều trong các vật dụng, tác phẩm văn hóa của các nước. Hình ảnh chú gà có ý nghĩa rất thiêng liêng trong tín ngưỡng tôn giáo của các nước này. Tại Indonesia, hình ảnh con gà mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong nghi lễ hỏa táng của người theo đạo Hindu.

Còn theo tôn giáo dân gian của Trung Quốc thì gà là món dành riêng để kính dâng lên tổ tiên và thờ cúng thành hoàng, trừ những thần thánh ăn chay như Thích-ca-mâu-ni. Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân.

Ở Nhật Bản, gà được xem là con vật linh thiêng, hình ảnh của chúng gắn liền vói những câu chuyện thần thoại. Một trong số những câu chuyện thần thoại kể rằng, nữ thần Mặt trời Amaterasu vì tức giận hành động ngang ngược của người em trai là thần bão tố Susano nên đã lánh vào hang động, lấp kín cửa hang khiến dương gian chìm trong tăm tối. Trước tình cảnh đó, các vị thần bèn tìm cách để nữ thần Mặt trời rời khỏi hang động, mang ánh sáng ấm áp cho trần thế. Họ dùng những con gà trống giọng thật tốt thi nhau gáy để mời gọi nữ thần Mặt trời.

Gà trống còn là biểu tượng cho sự trung thành, tín nghĩa đối với những người, đồ vật mang hình nó. Đây là lý do tại các nhà của thương nhân thường đặt những chiếc đĩa hoặc cổ vật có hình gà trống như một sự khẳng định uy tín của mình trong công việc.

Hồng Nhung (Nguồn: gouvernement, franceintheus.org, wikipedia)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều