Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa châu Âu - Sáng kiến gắn kết Liên minh châu Âu

(Mặt trận) - Từ một sáng kiến liên chính phủ - European Heritage Label (Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa châu Âu) đã được chuyển đổi thành sáng kiến của Liên minh châu Âu, nhằm tôn vinh các di sản có tầm giá trị châu Âu. Sáng kiến góp phần khơi gợi, vun đắp và làm sâu sắc ý thức thuộc về cộng đồng liên minh rộng lớn của công dân trong Liên minh.

Từ sáng kiến liên chính phủ, đến sáng kiến của riêng EU

Sáng kiến liên chính phủ 17+1

Năm 2005, Hiệp ước Hiến pháp châu Âu (the Treaty establishing a Constitution for Europe) - một tài liệu nhằm thúc đẩy hội nhập châu Âu không thể thông qua, vì không nhận được sự tán thành của cử tri hai nước Pháp và Hà Lan. Cùng với sự bác bỏ của công dân hai nước, toàn bộ quá trình phê chuẩn và cùng với đó là tiến trình hướng đến hội nhập châu Âu lớn hơn đã bị tạm dừng. Nguyên nhân thất bại của Hiệp ước Hiến pháp được nhìn nhận là do công dân hai nước nói riêng thiếu cảm nhận và gắn bó với EU. Các nhà lãnh đạo cho rằng, sự xa cách này là do người dân thiếu kiến thức và hiểu biết về lịch sử châu Âu, vai trò của EU và các giá trị của EU, vì vậy cần phải làm cho lịch sử châu Âu trở nên hữu hình hơn, để nâng cao cảm thức châu Âu trong công chúng. Di sản văn hóa được coi là một phương tiện hữu ích để đạt được điều này. Do đó, mục đích chính của Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa châu Âu (EHL) là củng cố ý thức của công dân, đồng thời cũng hỗ trợ sự đa dạng và tăng cường đối thoại liên văn hóa giữa các nước với nhau1.

Từ nhận định đó, các chính phủ đã mong muốn sáng tạo nên biểu tượng văn hóa truyền thống xuyên quốc gia, nhằm củng cố cảm thức châu Âu trong công dân của mình. Năm 2006, sáng kiến liên chính phủ 17+12 European heritage label (Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa châu Âu) được ra đời. Tính đến năm 2011, đã có 64 di sản của 18 nước được nhận Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa Châu Âu.

Giới thiệu về Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa Châu Âu, tài liệu The European Heritage Label Building the future for European citizens (Madrid, 25/1/2007) cho biết: “Di sản văn hóa là một phần không thể thiếu trong bản sắc châu Âu của chúng ta và các giá trị và nguyên tắc chung của chúng ta. Văn hóa châu Âu ngày nay dựa trên lịch sử trao đổi và đối thoại qua biên giới, về sự tương tác và chuyển giao của con người và các giá trị, ý tưởng, phong trào nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật. Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa Châu Âu được thiết kế để quảng bá cho chiều rộng xuyên quốc gia châu Âu về tài sản văn hóa, di tích, địa điểm tự nhiên hoặc đô thị, di sản vật thể và phi vật thể, hiện đại và truyền thống đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thống nhất châu Âu. Nó nhằm mục đích tăng cường sự hỗ trợ của công dân châu Âu cho một bản sắc châu Âu được chia sẻ và để nuôi dưỡng một cảm giác thuộc về một không gian văn hóa chung. Thương hiệu Văn hóa Châu Âu được thiết kế để khuyến khích mọi người hiểu và tôn trọng và hỗ trợ cho di sản của họ (…)”3.

Tham gia vào sáng kiến này là tự nguyện, các nước có thể lựa chọn tham gia hoặc không. Mục tiêu chính của sáng kiến là xác định và chỉ định các di sản đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một châu Âu thống nhất và để nhìn nhận các di sản đó thông qua quan điểm châu Âu, chứ không phải quốc gia.

Chuyển đổi thành sáng kiến của EU

Vào ngày 20/11/2008, Hội đồng Châu Âu đã thông qua các kết luận nhằm chuyển đổi sáng kiến liên chính phủ thành một hành động của Liên minh bằng cách mời Ủy ban trình đề xuất thiết lập một sáng kiến Biểu tượng Di sản Châu Âu (European Heritage Label - EHL) và nêu rõ các thủ tục thực tế để thực hiện dự án. Các cuộc điều trần công khai và đánh giá tác động đã được thực hiện, xác nhận giá trị gia tăng của sự tham gia của EU. Năm 2010, Ủy ban Châu Âu đã công bố kế hoạch cho toàn EU được gọi là Biểu tượng Di sản Châu Âu và nó được chính thức thành lập vào ngày 16/11/2011. “European Heritage Label” là của Liên minh Châu Âu và chỉ được trao cho các địa điểm nằm ở các quốc gia thành viên EU, khác “EU heritage label” là sáng kiến của 17 nước EU + Thụy Sĩ.

Tài liệu quan trọng đưa ra chính sách văn hóa này của EU là báo cáo có tên Một chương trình nghị sự châu Âu về văn hóa trong một thế giới toàn cầu hóa (European Agenda for Culture in a Globalising World) do nghị sĩ Nghị viện châu Âu người Bồ Đào Nha - Vasco Graça Moura soạn thảo4. Tại buổi trình bày báo cáo (tháng 4/2008), ông nhất mực nói về “di sản văn hóa”. Moura tuyên bố: “Di sản văn hóa của chúng ta đặt châu Âu lên phía trước so với tất cả các phần khác của thế giới. Một di sản là một điểm chứng nhận quan trọng cho chủ nghĩa nhân đạo, sự giàu có tinh thần và khai sáng, dân chủ, khoan dung và quyền công dân”. Hơn nữa, di sản văn hóa là một nguồn gốc của sự thống nhất và khuyến khích công dân “giữ vững tự tin và tự hào trong mối quan hệ với các quốc gia/dân tộc khác”5.

Vasco Graça Moura khẳng định, EU có nhiệm vụ rất đặc biệt để bảo vệ sự phong phú văn hóa của châu Âu. Các di sản văn hóa châu Âu, trong tất cả các khía cạnh của nó, phải bằng mọi phương tiện, được bảo tồn và phổ biến cả trong và ngoài Liên minh (…). Di sản văn hóa của châu Âu, bao gồm các hình thức biểu hiện đa dạng và sự kết hợp các nền tảng của nó, như văn hóa cổ đại Hy Lạp -Latinh (Graeco - Latin) và Do Thái - Kitô giáo (Judaeo - Christian), lịch sử đặt châu Âu trong đội tiên phong của tất cả các châu lục, đã được chứng minh là một trình điều khiển vô song về sự đổi mới, phát triển và tiến bộ, đã lan rộng theo mọi hướng và ngày nay vẫn là một điểm tham chiếu thiết yếu cho chủ nghĩa nhân văn, làm sống động và phong phú về mặt tinh thần, dân chủ, khoan dung và quyền công dân. Trong một thế giới đang dần toàn cầu hóa, những phẩm chất đặc biệt nổi bật chứa đựng trong hạt nhân của sự phong phú văn hóa châu Âu, tạo nên giá trị gia tăng của chính châu Âu và vai trò của chúng là rất quan trọng đối với châu Âu và EU.

Ông lập luận, các chương trình cộng đồng hiện có trong lĩnh vực văn hóa không phản ánh đầy đủ ý nghĩa của di sản văn hóa chung châu Âu, đó là lý do tại sao EU cần các chương trình cụ thể để thúc đẩy sự sáng tạo và bảo tồn các liên kết, trên quy mô rộng hơn và mức độ sâu hơn, với hàng hóa và giá trị, cả hữu hình và phi vật thể, tạo thành di sản văn hóa châu Âu và cho phép hàng hóa và giá trị đó tương tác theo quan niệm nhân văn về danh tính và sự khác biệt và trong các tác phẩm văn hóa ngày nay6. Vasco Graça Moura đề nghị Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu nên tăng cường uy tín của di sản cổ điển của châu Âu và những đóng góp lịch sử của nền văn hóa quốc gia trong mọi khía cạnh của chúng qua nhiều thế kỷ.

 Báo cáo của Graça Moura đã được chấp nhận nhanh chóng mà không có nhiều tranh luận. Được bảo đảm an toàn bởi “chuẩn mực văn hoá châu Âu”, một hội đồng tư vấn đã xác định những giá trị văn hoá nào đáng được hỗ trợ. Ủy viên Androulla Vassiliou chỉ ra rằng EHL là một sáng kiến đặc biệt tốt: danh hiệu này được mong đợi như một dấu hiệu dành cho các địa điểm và công trình kiến trúc có vai trò quan trọng trong việc tạo nên châu Âu.

Cuối năm 2011, Nghị viện châu Âu đã thông qua quan điểm của Ủy ban châu Âu ngay tại lần đọc đầu tiên, quyết định thành lập danh hiệu European Heritage Label của Liên minh châu Âu. Các di sản đầu tiên nhận được danh hiệu EHL sẽ được lựa chọn qua hai vòng (quốc gia và Liên minh), đợt trao danh hiệu đầu tiên là năm 2013. Các di sản trước đó đã giành được giải thưởng Thương hiệu Văn hóa Châu Âu 17+1 sẽ phải đăng kí xét duyệt lại nếu muốn được công nhận danh hiệu Biểu tượng Di sản châu Âu7.

Quan điểm của EU về EHL

European Heritage Label không phải là giải thưởng đầu tiên về di sản văn hóa của EU. Trước khi EHL ra đời, EU đã có một giải thưởng về di sản văn hóa là Giải thưởng Di sản Văn hóa của EU/Giải thưởng Europa Nostra (The EU Prize for Cultural Heritage/Europa Nostra Awards) được bắt đầu trao từ năm 2012. Tuy vậy, đây không phải là giải thưởng dành cho các di sản mà nhằm thúc đẩy các phương pháp hay nhất liên quan đến bảo tồn di sản, quản lý, nghiên cứu, giáo dục và truyền thông. Bằng cách này, chương trình giải thưởng góp phần vào sự công nhận mạnh mẽ hơn về di sản văn hóa như một nguồn tài nguyên chiến lược cho xã hội và nền kinh tế châu Âu.

Các di sản châu Âu là những cột mốc quan trọng trong việc hình thành châu Âu ngày nay. Bắt đầu từ thời bình minh của nền văn minh cho tới châu Âu mà chúng ta thấy ngày hôm nay, các địa điểm này tôn vinh và tượng trưng cho các lý tưởng, giá trị, lịch sử và hội nhập châu Âu. Với European Heritage Label, các di sản được vinh danh và EU thực sự có những tài sản văn hóa lịch sử của mình. Slogan của EHL là “Europe Starts Here” nhấn mạnh khả năng kết nối của di sản văn hóa: kết nối người với người, kết nối quá khứ với tương lai và nhất là kết nối toàn EU như một tổng thể có chung nền tảng lịch sử văn hóa.

Khái niệm về EHL

Trong Quyết định số 1194/2011/EU của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 16/11/2011 về việc thiết lập một hành động của Liên minh châu Âu về Biểu tượng Di sản châu Âu đã đưa ra định nghĩa về các di sản châu Âu:

1. “Các di sản” có nghĩa là các di tích, các di sản tự nhiên, dưới nước, khảo cổ, công nghiệp hoặc đô thị, cảnh quan văn hóa, nơi tưởng niệm, hàng hóa văn hóa và các di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với một địa điểm, bao gồm di sản đương đại;

2. “Di sản xuyên quốc gia” có nghĩa là:

(a) Một số di sản, nằm ở các quốc gia thành viên khác nhau, tập trung vào một chủ đề cụ thể để gửi đơn đăng ký chung.

(b) Một di sản nằm trên lãnh thổ của ít nhất hai nước thành viên.

3. “Di sản chuyên đề quốc gia” có nghĩa là một số di sản, nằm trong cùng một nước thành viên, trong đó tập trung vào một chủ đề cụ thể để gửi đơn đăng ký chung”8.

Định nghĩa này giúp EHL khác biệt với Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO9.

Tiêu chí trao EHL

Tiêu chí trao EHL cho một di sản cũng được đưa ra trong Quyết định nói trên. Trong hướng dẫn dành cho các di sản ứng cử viên đã nêu ngắn gọn các tiêu chí này, theo đó, EHL sẽ được trao cho các di sản trên cơ sở giá trị biểu tượng của châu Âu về việc giáo dục, hơn là về phẩm chất kiến trúc hay vẻ đẹp của chúng (…) “nó sẽ trao cho di sản đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của châu Âu/hoặc hội nhập EU:

+ Không phải là về vẻ đẹp của một di sản hay chất lượng kiến trúc, mà là giá trị tượng trưng của nó;

+ Không phải là về bảo tồn các di sản, mà là các hoạt động về cung cấp và chương trình giáo dục của chúng, đặc biệt là đối với giới trẻ;

+ Sẽ làm cho các di sản được trao danh hiệu hiệu quả hơn bằng cách thúc đẩy mạng lưới liên kết giữa chúng, điều sẽ tạo thuận lợi cho việc học tập ngang hàng và thúc đẩy động lực”10.

Từ khái niệm và tiêu chí trao EHL, có thể thấy 3 điểm chính giúp EHL trở nên độc đáo và khác biệt so với Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, gồm: 1) Các di sản văn hoá châu Âu mang lại cho cuộc đời câu chuyện châu Âu và lịch sử đằng sau nó. Chúng không chỉ là vẻ đẹp thẩm mỹ; 2) Trọng tâm là quảng bá chiều kích châu Âu của các di sản và cung cấp quyền được tiếp cận chúng (cho tất cả các công dân châu Âu). Điều này bao gồm việc tổ chức một loạt các hoạt động giáo dục, đặc biệt là cho thanh niên; 3) Các di sản văn hoá châu Âu có thể được thưởng thức đơn lẻ hoặc như một phần của mạng di sản. Du khách có thể cảm nhận được bề rộng và quy mô của những gì mà châu Âu đem lại và những gì nó đã đạt được.

Đến nay, trong biên giới EU đã có 38 địa điểm được EU trao danh hiệu Biểu tượng Di sản châu Âu. Danh sách tham khảo tại trang chủ European Heritage Label: https://ec.europa.eu/programmes/creative-europe/actions/heritage-label_en

EU đặt kỳ vọng lớn vào sáng kiến EHL. Thời điểm EHL được đề xuất chuyển đổi thành sáng kiến của riêng EU và quá trình chuẩn bị cho đợt bình xét đầu tiên năm 2013, EU đã trải qua những khó khăn kinh tế, khiến sự cố kết của khối bị rạn nứt. Trong bối cảnh đó, một di sản chung như những biểu tượng của trải nghiệm văn hóa lịch sử quá khứ sẽ đưa người châu Âu đến gần nhau hơn bao giờ hết. Đó chính là biểu tượng thực tế về nền tảng chung của châu Âu – với ý nghĩa đó, di sản chung là một phần không thể thiếu của sự thống nhất châu Âu, vì Liên minh dựa trên niềm tin lịch sử được chia sẻ và đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ, tự do và nhân quyền; với những di sản chung được đề cao khía cạnh giáo dục, chúng góp phần đem lại hiểu biết và thấm nhuần về văn hóa châu Âu thống nhất trong đa dạng.

Như đã trình bày, trong quá trình phát triển lịch sử, các quốc gia đã có những ngã rẽ riêng để tạo nên bản sắc quốc gia dân tộc, những kinh nghiệm lịch sử của các quốc gia thành viên có thể khác nhau, song EU được xây dựng nên từ những giá trị cơ bản mà họ tin rằng châu Âu cùng chia sẻ. Người châu Âu hiện nay có cùng một nền văn hóa của vùng đất được định danh là châu Âu. Điều quan trọng là các nước đã góp phần vào các sự kiện, con người và địa điểm trong quá khứ chung của châu Âu, nền tảng đã giúp Liên minh hình thành và phát triển. Thống nhất trong đa dạng giúp đem lại sức mạnh, và một sự hiểu biết chung có thể củng cố mối quan hệ này. Với những di sản chung mang tầm vóc châu Âu, đại diện cho những giá trị mà từ đó châu Âu phát triển, EU hình thành có thể giúp người Liên minh châu Âu hiểu được quá khứ và số phận chung của nó; nó cũng giúp làm nổi bật các mục tiêu chung và các giá trị chung, những điều giúp EU tiếp tục. “Những nơi như Athens, nơi sinh ra của nền dân chủ, hoặc sự kiện như sự sụp đổ của Bức tường Berlin và con đường Baltic năm 1989, nơi mà bất chấp lực lượng áp đảo, người ta yêu cầu tự do và thống nhất châu Âu, kết nối tất cả chúng ta”. Chia sẻ các di sản chung giúp nâng cao ý thức châu Âu và quan trọng hơn là EHL được kỳ vọng sẽ giúp EU tìm thấy câu trả lời cho rất nhiều vấn đề mà Liên minh đang phải đối mặt.

Trần Thị Khánh Hà

ThS. Viện Nghiên cứu châu Âu

Chú thích:

1.       Kerstin Stamm, United In Diversity? Cultural Heritage And The Image Of A Common European Cultural Identity,University of Bonn, Germany, p.16.

2.       Sáng kiến 17+1 có tên European Heritage Label chính là tiền thân của European Heritage Label của Liên minh Châu Âu. Để phân biệt, chúng tôi xin phép gọi sáng kiến của 17+1 là Giải thưởng Thương hiệu Văn hóa Châu Âu theo cách dịch của Đài Truyền hình Việt Nam và sáng kiến của EU là danh hiệu Biểu tượng Di sản Châu Âu. 17 thành viên EU gồm: Bỉ, Bulgaria, Síp, Cộng hòa Séc, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và một nước không thuộc EU là Thụy Sĩ.

3.       The European Heritage Label Building the future for European citizens (Madrid, 25.1.2007), http://www.ugr.es/~ophe/020DOCUMENTACION/016-001a.pdf, tải ngày 14/7/2018.

4.       Committee on Culture and Education, on a European agenda for culture in a globalising world (2007/2211(INI)), Rapporteur: Vasco Graça Moura, http://www.europarl.europa.eu/sides/getDoc.do?type=REPORT&reference=A6-2008-0075&language=EN

5.       Erik Hammar, European’s narrative bias,https://www.eurozine.com/europes-narrative-bias/, 26 January 2012.

6.       Culture in a globalising world (debate) (9/4/2008),http://www.europarl.europa.eu/sides/getDoc.do?pubRef=-//EP//TEXT+CRE+20080409+ITEM-026+DOC+XML+V0//EN&language=EN, tải ngày 25/8/2018.

7.       Dan Hull, The European Heritage Label, Research and Information Service Briefing Paper, 9 December 2011, p.2.

8.       Decision No 1194/2011/Eu of the European parliament and of the council of 16 November 2011 establishing a European Union action for the European Heritage Label, Article 2, Definition.

9.       Định nghĩa của UNESCO về di sản, xem thêm: UNESCO, Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (đã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris ngày 16/11/1972), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-uoc-bao-ve-di-san-van-hoa-va-tu-nhien-the-gioi-UNESCO-Paris-16-11-1972-68509.aspx, tải ngày 2/7/2018.

          UNESCO, Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, http://www.unesco.org/new/fileadmin/MULTIMEDIA/FIELD/Hanoi/pdf/Convention_2003.pdf, tải ngày 2/5/2018.

10.     Guide for the implementation of The European Heritage Label For the attention of the Member States.

11.     17. European Heritage Label (debate), Tuesday, 15 November 2011 – Strasbourg, http://www.europarl.europa.eu/sides/getDoc.do?pubRef=-//EP//TEXT+CRE+20111115+ITEM-017+DOC+XML+V0//EN&language=EN, tải ngày 23/10/2018.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều