Giáng sinh không an lành

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với một kỷ nghỉ Giáng sinh không suôn sẻ sau khi Chính phủ liên bang phải đóng cửa, còn nhân sự tại Nhà Trắng thì rối loạn do quyết định mới nhất của ông về việc rút quân khỏi Syria và Afghanistan.

Chính phủ đóng cửa

“Bất đồng về dự luật ngân sách giữa Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Nhà Trắng có thể khiến một phần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động tới ngày 3.1, khi Quốc hội Mỹ bắt đầu phiên họp mới”. Đó là tuyên bố mới nhất của quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaneya, một trong những trợ lý thân cận với Tổng thống Donald Trump. Tuyên bố này đã ngay lập tức khiến thị trường tài chính Mỹ lao dốc.

Chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa một phần vào 0 giờ ngày 22/12 (12 giờ ngày 23/12 giờ Hà Nội), sau khi Thượng viện Mỹ từ chối thông qua dự luật ngân sách trong đó có khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD để xây tường an ninh ở biên giới với Mexico. Trước đó, dự luật ngân sách (bao gồm khoản chi phí xây tường an ninh) đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ với kết quả 217 phiếu thuận và 185 phiếu chống. Tại Thượng viện, dự luật cần ít nhất 60 phiếu thuận để được thông qua trong khi đảng Cộng hòa chỉ nắm 51/100 ghế.

Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã tổ chức các phiên họp vào ngày 22/12 nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Các bên dự kiến tái nhóm họp để thống nhất về ngân sách vào ngày 27/12. Tuy nhiên, do vướng kỳ nghỉ lễ nên mọi thứ có thể kéo dài hơn so với dự kiến. “Để thúc đẩy đàm phán, chúng tôi đã đề nghị thương lượng với lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nhưng bây giờ là kỳ nghỉ. Tôi không cho rằng, mọi thứ sẽ tiến triển nhanh chóng trong vài ngày tới vì còn vướng dịp lễ Giáng sinh” - ông Mick Mulvaneya nói.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đe dọa Chính phủ Mỹ sẽ có thể ngừng hoạt động “rất lâu” nếu dự luật ngân sách không được thông qua. “Nếu đảng Dân chủ bỏ phiếu chống, Chính phủ sẽ đóng cửa trong một thời gian rất dài”, ông viết trên Twitter cá nhân. Tổng thống Trump cũng tuyên bố “bất cứ phương án ngân sách nào cũng phải bao gồm chi phí cho an ninh biên giới”. Điều này được hiểu là Nhà Trắng sẽ phủ quyết dự luật ngân sách nếu không bao gồm khoản chi cho bức tường ngăn cách Mỹ với Mexico và chấp nhận việc Nhà Trắng đóng cửa.

3/4 hoạt động của Chính phủ Mỹ đã được chi trả cho tới ngày 30/9 năm sau, bao gồm các chương trình của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động. Tuy nhiên, ngân sách cho 25% nhân viên Chính phủ bao gồm Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và một số cơ quan khác đã hết hạn. Điều này đồng nghĩa với việc gần 800.000 nhân viên liên bang bị hoãn trả lương và khoảng 380.000 người trong đó phải tạm nghỉ việc.

Cơn sốt từ chức

Cơn đau đầu của Tổng thống Donald Trump chưa dừng ở đó. Ngày 20/12 đánh dấu sự hỗn loạn đỉnh điểm ở Nhà Trắng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - nhân vật được trọng vọng và có ảnh hưởng ổn định trong chính quyền - đã nộp đơn từ chức do bất đồng với ông Trump về quyết định rút khỏi Syria và Afghanistan. Bức thư từ chức được công bố sau đó của người đứng đầu Lầu Năm Góc thể hiện những bất đồng chính sách cơ bản giữa hai bên và ngầm chỉ trích sự coi thường của ông Trump đối với các đồng minh ở nước ngoài.

Ngay cả một số bạn bè gần gũi của Tổng thống Trump cũng thể hiện sự lo ngại sâu sắc về việc chính quyền của ông sẽ đi đến đâu khi nhiệm kỳ đã qua nửa chặng đường. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh thân cận của ông chủ Nhà Trắng công khai thúc giục Tổng thống Trump xem xét lại quyết định rút quân khỏi Syria.

Trong khi đó, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell bày tỏ nỗi lo vì sự ra đi của ông Mattis xuất phát từ “bất đồng lớn với Tổng thống về các khía cạnh chủ chốt của vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”. Theo tổ chức nghiên cứu Brookings, Nhà Trắng đã chứng kiến những biến động lớn nhất về nhân sự cấp cao trong 5 đời Tổng thống gần nhất.

Bất định phía trước

Chỉ trong một tuần lễ, những quyết định của Tổng thống Donald Trump không chỉ gây ra quan ngại về an ninh, xáo trộn ở Nhà Trắng, mà còn gây hỗn loạn trên thị trường tài chính. Giá cổ phiếu Mỹ trượt dốc giữa lúc giới đầu tư lo ngại chính phủ đóng cửa, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới.

Nhưng rắc rối chưa dừng ở đó. Trước mắt Tổng thống Mỹ là một năm 2019 khó khăn, nhiều khả năng sẽ bị phủ bóng đen bởi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với nghi án Nga can thiệp chiến dịch tranh cử năm 2016. Bên cạnh đó là các cuộc điều tra của Quốc hội nhằm vào các hoạt động kinh doanh và người nhà ông Trump cũng như một số thành viên Nội các.

Chưa hết, với viễn cảnh đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tháng 1/2019, giới phân tích dự báo, bất đồng giữa Chính phủ và Quốc hội sẽ còn tiếp tục, khiến triển vọng nhiều cơ quan của Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại vẫn ảm đạm.

Theo Quốc Đạt/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều