Môi trường toàn cầu đang có chiều hướng ngày càng xấu đi và có ảnh hưởng nhất định đến sự tồn vong của con người. Ảnh: environment.umn.edu
Từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy suy thoái môi trường ngày một trầm trọng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng tiêu cực do mình gây ra đối với môi trường sống. Do đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn và công nhận ngày 5 tháng 6 là Ngày Môi trường Thế giới vào năm 1972, cũng là ngày khai mạc Hội nghị về Môi trường và Con người tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển. Đây là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Bên cạnh đó, một nghị quyết khác cũng được thông qua cùng ngày đã dẫn tới việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Hai năm sau, WED đã được tổ chức lần đầu tiên trong hai năm liền với khẩu hiệu “Chỉ có một Trái đất”.
Trong những năm 1970 và 1980, WED đã giúp UNEP nâng cao nhận thức và tạo động lực chính trị xung quanh những mối quan ngại ngày càng gia tăng như sự suy giảm tầng ô-zôn, hóa chất độc hại, sa mạc hoá và sự nóng lên toàn cầu.
Ngày Môi trường Thế giới hằng năm là cơ hội cho tất cả mọi người nhận rõ không chỉ là trách nhiệm bảo vệ Trái đất mà còn trở thành tác nhân tạo nên sự thay đổi. Ảnh: newswire.com
Ngày Môi trường Thế giới là cơ hội để mọi người nhận ra trách nhiệm chăm sóc Trái đất và làm cho môi trường trở nên tốt đẹp hơn cũng là ngày dành cho tất cả mọi người ở bất cứ đâu hành động vì môi trường. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1972, cộng đồng toàn cầu đã tổ chức hàng ngàn hoạt động, từ việc dọn dẹp khu phố, cho đến chống lại tội phạm săn bắt động vật hoang dã, trồng lại rừng... Mỗi năm Liên hợp quốc sẽ chọn ra một thành phố làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm của cả thế giới để kỷ niệm ngày này và đưa ra một chủ đề làm trọng tâm chính cho các hoạt động môi trường trong năm.
Đây cũng là dịp để thúc đẩy việc ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.
Ngày Môi trường Thế giới năm 2017 với chủ đề “Kết nối con người với thiên nhiên” nhằm khuyến khích con người gần gũi hơn với thiên nhiên, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, nhận thức tầm quan trọng của thiên nhiên để có những trải nghiệm thú vị và trân trọng mối quan hệ tương tác này.
Giá trị của thiên nhiên
Trong những thập niên gần đây, những tiến bộ khoa học cùng với các vấn đề môi trường như sự ấm lên toàn cầu đã cho chúng ta hiểu rõ vai trò của hệ sinh thái tự nhiên tác động tới con người như thế nào. Chẳng hạn như, đại dương, các khu rừng và đất hấp thụ phần lớn khí thải nhà kính như carbon dioxide và khí mê tan; nông dân và ngư dân khai thác thiên nhiên trên đất liền hay dưới biển để cung cấp lương thực; các nhà khoa học phát triển các loại thuốc sử dụng nguyên liệu di truyền lấy từ hàng triệu loài sinh vật trên Trái đất.
Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người ở tất cả các quốc gia và trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: mnn.com
Hàng tỷ người nông dân trên thế giới hàng ngày làm các công việc liên quan đến thiên nhiên và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự thiên, thiên nhiên mang tới cho họ đất đai mầu mỡ để kiếm kế sinh nhai. Họ cũng là những nạn nhân đầu tiên bị ảnh hưởng khi hệ thống sinh thái bị đe dọa bởi ô nhiễm, biến đổi khí hậu hay việc khai thác quá mức.
Những món quà của thiên nhiên thường khó có thể đánh giá bằng tiền bạc. Giống như không khí trong lành thường được dùng thoải mái cho đến khi trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang tìm kiếm phương thức đo lường giá trị của “dịch vụ hệ sinh thái”, từ côn trùng thụ phấn cho cây ăn quả trong vườn phục vụ việc du lịch, giải trí, cho đến lợi ích về sức khỏe và tinh thần khi leo tới ngọn núi Himalaya.
Ghé thăm các công viên
Bên cạnh ý nghĩa về mặt vật chất, thiên nhiên còn mang ý nghĩa quan trọng về giá trị tinh thần. Ảnh: citi.io
Ngày Môi trường Thế giới năm nay là dịp lý tưởng để mọi người tới thăm các vườn quốc gia và các khu vực hoang dã của đất nước mình hay nhiều nơi khác. Các ban quản lý công viên ở một số quốc gia có thể miễn phí hoặc giảm giá vé vào cửa trong ngày 5/6 hoặc trong thời gian dài hơn.
Gần gũi với thiên nhiên
Thiên nhiên là kho tàng quý giá giúp con người tồn tại và phát triển. Ảnh: BBC
Kết nối với thiên nhiên bằng tất cả các giác quan: tại sao không thử cởi giày và đi chân trần; ngắm nhìn hồ nước đẹp mà tại sao lại không nhảy vào đó. Hãy đi bộ vào ban đêm để cảm nhận thiên nhiên bằng thính giác và khứu giác của mình.
Bạn cũng có thể kết nối với thiên nhiên tại thành phố nơi mà công viên là lá phổi xanh và là trung tâm đa dạng sinh học. Tại sao bạn không làm xanh môi trường đô thị bằng việc làm xanh đường phố nơi bạn ở hay một khu vực bị bỏ hoang, hoặc trồng những chậu cây bên cửa sổ. Bất cứ khi nào bạn cũng có thể nhặt rác, hoặc lấy cảm hứng từ những người dân ở Mumbai, Ấn Độ và tổ chức một cuộc dọn dẹp bãi biển tập thể.
Ảnh: landon.net
Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Ảnh: thoughtco.com
Những hoạt động bảo vệ môi trường không nhất thiết phải diễn ra vào ngày 5/6 mà chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ bằng việc nâng cao kiến thức và nhận thức về môi trường lành mạnh để hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới.
Trong thời đại của công nghệ, điện thoại thông minh hay trong số những phiền nhiễu của cuộc sống hiện đại, sự kết nối với thiên nhiên có thể chỉ là thoáng qua. Nhưng với sự chung tay của mọi người trên khắp thế giới, ngày Môi trường Thế giới là một minh chứng rõ ràng hơn bao giờ hết rằng chúng ta rất cần sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên để có thể phát triển bền vững.
Hồng Nhung